03/11/2024 08:25 GMT+7

Lý do EU điều tra Temu, có nguy cơ bị phạt 6% doanh thu

Temu có nguy cơ bị chịu mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu hằng năm của nền tảng này sau khi Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra.

Vì sao EU điều tra Temu? - Ảnh 1.

Nguồn: EC - Dữ liệu: THANH BÌNH - Trình bày: N.KH.

Hôm 31-10, EU đã mở cuộc điều tra chính thức đối với nền tảng mua sắm trực tuyến Temu của Trung Quốc. Họ lo ngại rằng Temu đang bán các sản phẩm bất hợp pháp và là nền tảng có thiết kế gây nghiện cho người tiêu dùng.

Đằng sau thành công của Temu

Tháng 4-2023, Temu đã thu hút sự chú ý của các cơ quan chức năng ngay khi vừa đặt chân đến châu Âu, tạo dấu ấn với mức giá thấp và chi phí tiếp thị đáng kể.

Một năm rưỡi sau khi ra mắt, nền tảng này tự hào có 92 triệu người dùng hoạt động hằng tháng tại EU, vượt xa ngưỡng 45 triệu người dùng hằng tháng cần thiết để được coi là "nền tảng rất lớn" theo luật pháp tại châu Âu.

Nhưng đằng sau thành công rực rỡ của Temu, các hoạt động của nền tảng mua sắm trực tuyến này đang khiến nhà chức trách châu Âu lo ngại. Việc nhập khẩu các sản phẩm có khả năng gây nguy hiểm và bản chất gây nghiện của ứng dụng đang bị nhắm đến.

Đồ chơi, dược phẩm và mỹ phẩm bị nghi ngờ là những sản phẩm không tuân thủ quy định mà hàng chục triệu người dùng châu Âu dùng Temu có thể mua được.

Cuộc điều tra được EU khởi động hôm 31-10 dựa theo Đạo luật dịch vụ số (DSA), đạo luật vốn buộc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới từ Facebook cho tới X, Google... phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến tại châu Âu.

EU sẽ điều tra để đánh giá liệu Temu có vi phạm DSA hay không trong các lĩnh vực liên quan đến việc bán sản phẩm bất hợp pháp, thiết kế dịch vụ có khả năng gây nghiện, hệ thống được sử dụng để đề xuất mua hàng cho người dùng cũng như quyền tiếp cận dữ liệu dành cho các nhà nghiên cứu.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Temu tuân thủ DSA, đặc biệt là đảm bảo rằng các sản phẩm được bán trên nền tảng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và không gây hại cho người tiêu dùng", ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh, bà Margrethe Vestager, nhấn mạnh.

Về phía Temu, công ty này khẳng định họ "thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình theo DSA". Một người phát ngôn của Temu nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý để hỗ trợ mục tiêu chung về một thị trường an toàn, đáng tin cậy cho người tiêu dùng".

Vì sao EU điều tra Temu? - Ảnh 2.

Đang có nhiều ý kiến xung quanh chất lượng hàng hóa mua sắm qua Temu

Bước đi đầy hứa hẹn

Tại một số thời điểm trong những tháng gần đây, EU đã yêu cầu Temu cung cấp thêm thông tin về những nỗ lực của nền tảng này trong việc ngăn chặn việc bán các mặt hàng bất hợp pháp trên nền tảng. EU cũng yêu cầu thông tin về những rủi ro liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi của người dùng.

Dựa trên phản hồi của Temu và các bên khác, EU đã quyết định tiến hành cuộc điều tra chuyên sâu nói trên, và họ lưu ý "việc mở các thủ tục chính thức không ảnh hưởng đến kết quả".

Các nhóm tiêu dùng châu Âu trước đó đã cảnh báo rằng Temu vi phạm luật của EU. Họ đã khiếu nại lên EU hồi tháng 5, cáo buộc Temu sử dụng "các kỹ thuật thao túng" để khiến người dùng chi tiêu nhiều hơn và các hành vi vi phạm khác.

Theo báo Le Monde, hiện nay không có gì đảm bảo rằng các sản phẩm từ Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu thông qua Temu hoặc các nền tảng mua sắm khác tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu.

Đây là một trong những vấn đề chính mà EU quan tâm, vốn đã được các hiệp hội người tiêu dùng cảnh báo từ rất sớm.

Nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng BEUC của châu Âu đã hoan nghênh cuộc điều tra vào hôm 31-10.

"Quyết định này của EU là một bước đi đầy hứa hẹn, nhưng chỉ là bước đầu tiên. Bây giờ, điều quan trọng là ủy ban phải tiếp tục gây áp lực lên Temu và thúc đẩy công ty này tuân thủ pháp luật càng sớm càng tốt" - ông Fernando Hortal Foronda, thành viên phụ trách chính sách kỹ thuật số tại BEUC, bình luận.

Nhiều cuộc điều tra khác

Temu là 1 trong 25 nền tảng trực tuyến "rất lớn" phải tuân thủ DSA của EU, nếu không họ có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu, hoặc thậm chí bị cấm cửa vì các vi phạm nghiêm trọng và lặp đi lặp lại.

Các nền tảng mua sắm khác phải tuân thủ DSA bao gồm nền tảng bán lẻ trực tuyến AliExpress của Trung Quốc, gã khổng lồ Amazon của Mỹ, nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein...

Các cuộc điều tra khác liên quan DSA đã nhắm vào AliExpress, mạng xã hội X thuộc sở hữu của tỉ phú công nghệ Elon Musk, cũng như mạng xã hội Facebook và Instagram thuộc sở hữu của Meta.

Vì sao EU điều tra Temu? - Ảnh 2.EU điều tra sàn Temu của Trung Quốc

Ngày 31-10, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động cuộc điều tra sàn Temu, vì nghi ngờ nền tảng thương mại điện tử này chưa hành động đủ để ngăn chặn các hoạt động bán sản phẩm bất hợp pháp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp