25/01/2013 20:49 GMT+7

Ly dị hay không ly dị?

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG
Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG

TTO - Tôi năm nay 26 tuổi, gia đình tôi đang gặp những vướng mắc lớn và tôi đang hoang mang không biết có nên ly dị.

3cLrXE1k.jpgPhóng to

"Lúc này, tôi đang rất phân vân không biết có nên ly dị chồng hay không" - Ảnh minh họa từ boomerinas.com

Hồi học năm 2 đại học, tôi yêu một người, song cuộc tình ấy tan vỡ khi anh ấy có người khác. Sau đó, một người khác xuất hiện trong đời tôi. Anh ấy rất thương tôi. Tôi như người vớ được cái áo ấm khi bị lạnh vậy. Và đó cũng là người chồng hiện nay.

Anh ấy đòi cưới dù tôi đang còn đi học. Tôi đồng ý, phần vì nghĩ mẹ tôi đã quá cực khổ, phần buồn cho cuộc tình cũ. Tôi cũng nghĩ rằng nếu lấy người yêu mình thì cũng sẽ hạnh phúc, dù thật ra tôi không có tình cảm với anh ấy. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu suy nghĩ ấy thật sai lầm...

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có con. Bé được 12 tháng thì tôi gửi cho bà nội nuôi giúp để tôi có thể đi làm. Hai vợ chồng tôi còn phụ thuộc gia đình chồng rất nhiều, thậm chí không có tiền nuôi con, đôi lúc tôi phải về xin tiền mẹ ruột.

Tôi xin vào làm cho công ty bất động sản. Trong tháng đầu đi làm, ngày nào về đến nhà tôi cũng bị chồng đánh mắng, sỉ nhục rất tệ vì anh nghĩ tôi đi làm là để lấy cớ đi chơi, cặp bồ, bỏ bê con cái... Anh ấy không cho tôi đi làm. Vì tổ ấm, tôi nghỉ việc để ở nhà nuôi con, cố gắng nhường nhịn chồng. Tiền bạc túng thiếu, tôi phải bán cả nhẫn cưới để mua sữa cho con.

Khi bé được 2 tuổi và đi học, tôi cố gắng xin vào đơn vị nhà nước làm vì nghĩ rằng như thế anh ấy sẽ không chửi và bắt nghỉ việc nữa. Thêm nữa, công việc ấy tuy lương thấp nhưng thời gian ổn định nên tôi có thể lo cho con. Không ngờ anh ấy vẫn không thay đổi, vẫn tìm đủ mọi cách làm tôi phải nghỉ việc: chửi bới, hành hạ, thậm chí đánh tôi đến tét đầu, biến dạng khuôn mặt. Đau đớn vô cùng, tôi xin gia đình chồng về nhà mẹ đẻ ở để có thể tiếp tục đi làm.

Sau bao sự việc, anh ấy không hề có lời xin lỗi mà tiếp tục gọi điện thoại và nhắn tin mắng chửi. Tôi lên tiếng: "Nếu không tin tưởng và yêu nhau nữa thì nên ly dị". Anh đồng ý và bắt tôi viết đơn.

Tôi đang rất băn khoăn: nếu tôi ly dị thì người buồn nhất là mẹ tôi, người đau khổ nhất là con tôi. Nếu tôi không ly dị thì liệu tôi có còn giữ được mạng sống? Giả sử tôi nghỉ việc thì liệu tôi có thể khiến anh ấy thay đổi tính tình, nhận ra cái sai của bản thân?

Tôi không muốn con tôi chứng kiến cảnh ba mẹ đánh nhau hoài (lần nào xung đột xảy ra, bé đều chứng kiến). Tôi rất mong nhận được lời khuyên.

T.P.

* Tư vấn của chuyên gia

Trước khi cùng bạn tháo gỡ những nút thắt đang ghim vào cuộc sống của bạn, tôi muốn nhắn nhủ và gửi lời chúc bạn luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt để có thể vững vàng vượt qua sóng gió đang vây quanh bạn và gia đình bé nhỏ của bạn.

Câu chuyện của bạn là sự tiếp nối của nhiều sai lầm như người ta vẫn thường nói “sự bồng bột tuổi trẻ là nỗi ân hận khi trưởng thành”. Kết hôn nhanh chóng với người mình không có tình yêu để lấp đầy khoảng vỡ do cuộc tình trước mang lại. Kết hôn khi còn đang đi học và có con khi chưa có sự tích lũy căn bản về kinh tế. Nhưng thôi, lỗi lầm dù sao cũng đã xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau giải quyết những nút rối hiện tại để tìm được sự bình yên và hạnh phúc cho những tháng ngày tiếp theo nhé!

Thứ nhất, tôi không muốn trách bạn vì đã quá yếu đuối trong cuộc hôn nhân này, từ lý do kết hôn đến những điều vô lý bạn phải chịu đựng trong quá trình chung sống với chồng. Tuy chuyện gì cũng có hai mặt của nó, cớ sự hôn nhân không êm thấm có lẽ cũng do một phần lỗi của bạn chứ không hẳn chỉ do người chồng. Nhưng phụ nữ vốn vậy, lúc nào cũng chỉ muốn có một “bóng tùng” để dựa vào, và rồi vô tình bị lệ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông mình chọn làm chồng.

Thế nhưng khi “bóng tùng” quấn trong mình quá nhiều bão tố, thậm chí biến dạng và sản sinh ra những chiếc gai đâm xuyên, cào cấu bạn thì liệu bạn có đủ sức chịu đựng để “nương tựa” đến suốt đời?

Thứ hai, người mẹ truyền thống nào cũng muốn con cái lập thân trước lập nghiệp và có quan niệm rằng dù thế nào đi nữa thì vẫn cần có người đàn ông làm trụ cột trong nhà, dù người đàn ông đó có “không ra gì” đi chăng nữa. Mẹ bạn cũng không là ngoại lệ, bạn lại hàm ơn mẹ bạn vì đã chịu nhiều cực khổ nuôi bạn khôn lớn nên bạn sợ mẹ buồn nếu bạn ly dị.

Nhưng bạn nên hiểu rằng từ trong thâm tâm người mẹ, được thấy con sống yên vui, hạnh phúc mới là điều mong mỏi lớn nhất cuộc đời. Nếu cuộc hôn nhân hiện tại của bạn không mang lại cho bạn bất kỳ sự hạnh phúc, an toàn nào, ngược lại còn khiến bạn lao tâm khổ tứ thì liệu mẹ bạn có thật sự vui? Đừng vì sự yếu đuối cố hữu trước người chồng và cảm nhận chủ quan mà cho rằng bạn ly dị sẽ khiến mẹ bạn buồn!

Thứ ba, người ta vẫn nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Bạn là kiểu phụ nữ trọng gia đình, cố gắng níu vớt người chồng để con bạn không chịu cảnh không cha, gia đình không toàn vẹn. Nhưng bạn T.P. ơi, người đàn ông là một bài toán vừa dễ vừa cực kỳ khó. Người ta có thể che giấu tình yêu chứ không thể che giấu sự vũ phu, hung dữ của mình.

Chừng đó năm chung sống bạn đã hiểu về anh ấy như thế nào? Anh ấy có phải là người yêu thương con cái không? Những phút nóng nảy, quát mắng, chửi bới, đánh đập bạn là cớ vì sao? Chính đáng hay “hứng” lên là chửi, là đánh một cách hết sức vô cớ? Anh ấy vũ phu nhưng anh ấy có chăm lo cho gia đình đàng hoàng không? Có chí thú làm ăn không?

Bạn hãy trả lời những câu hỏi trên để xem anh ấy có xứng đáng được nhận sự kiên trì từ bạn trong việc duy trì hôn nhân không nhé!

Thứ tư, tôi không đồng ý với suy nghĩ nghỉ việc, bỏ công sức ra để thay đổi tính cách một con người của bạn đâu. Bạn cũng cho biết bạn hàm ơn mẹ vô cùng vì mẹ phải trải qua nhiều cơ cực để nuôi bạn ăn học, những mong bạn có công việc làm ổn định để nuôi sống bản thân, chưa nói gì đến báo hiếu. Vậy tại sao bạn lại muốn bỏ hết công việc chỉ để ở nhà theo ý muốn vô lý của chồng? Trong khi đó, bạn vẫn phải xin tiền mẹ để nuôi con, phải bán nhẫn cưới để có tiền trang trải cuộc sống?

Có thể bạn là người kiên nhẫn, có sức chịu đựng bền bỉ trong cuộc hôn nhân này. Nhưng bạn ạ, có những điều xứng đáng để ta chịu đựng vì ta biết nó sẽ mang về kết quả tốt. Song không phải lúc nào nhẫn nhục cũng là điều hay đâu. Trẻ con cần được sống trong môi trường hạnh phúc, chan hòa yêu thương của cả bố lẫn mẹ thì nhân cách của trẻ mới được phát triển hài hòa. Thế nên, thật không tốt cho con bạn khi bé phải thường xuyên sống trong không khí ngột ngạt khi chứng kiến ba mẹ xung đột, khi đời sống về vật chất quá khó khăn chỉ vì mẹ không được đi làm... Dừng lại hay đi tiếp trong cuộc hôn nhân này, tôi tin bạn đã có câu trả lời cho chính mình.

Chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề! Hãy quyết đoán và mạnh mẽ lên. Cuộc sống của bạn là do bạn quyết định và kiến tạo!

Mời bạn tham gia Tổng đài trái tim

Trong tình yêu - hôn nhân - gia đình, hẳn bạn có ít nhiều băn khoăn, bối rối, mong có người lắng nghe, tư vấn. Mục Tổng đài trái tim của Tuổi Trẻ Online mong muốn đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm kiếm và vun đắp hạnh phúc.

Mọi thắc mắc vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu, gửi về [email protected] để được các chuyên gia giải đáp.

Những thắc mắc đã được Tổng đài trái tim tư vấn

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp