Các đại biểu là học sinh phát biểu ý kiến tại kỳ họp Hội đồng trẻ em TP.HCM - Ảnh: K.ANH
53 đại biểu của Hội đồng trẻ em cùng các phụ huynh và chuyên gia tâm lý, đại diện Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, Sở Y tế TP đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề chuẩn bị tâm lý, đảm bảo an toàn cho tất cả học sinh đến trường vào ngày 14-2.
Bạn Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc (Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5) chia sẻ: "Lúc đầu nghe tin trở lại trường học, ba mẹ em không đồng ý, nhưng nhà trường đã khuyến khích và nêu các biện pháp an toàn phòng chống dịch tại trường. Bản thân em lúc đầu cũng lo sợ, nhưng được học trực tiếp, gặp bạn bè thầy cô khiến em rất vui và háo hức, không còn lo sợ nữa".
Các đại biểu là học sinh phát biểu ý kiến tại kỳ họp - Ảnh: K.ANH
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đặt vấn đề: bây giờ các bạn học sinh hãy đến trường trong tâm thế ra sao, chứ không phải có nên đến trường hay không.
"Phải có kỹ năng mới. Nay cả khi ăn bán trú cũng không đùa giỡn, túm tụm, hay muốn nói chuyện phải đeo khẩu trang... Các em phải chuẩn bị từ buổi sáng và cả giấc ngủ buổi tối đầy đủ, tập thể dục cho bảo đảm sức khỏe, thực hiện 5K tuyệt đối. Nếu đã thực hiện các biện pháp mà vẫn F0 thì sao? Thì mình tuân thủ chữa trị về COVID-19. Các em thoải mái cũng là vắc xin tinh thần để tự tin đến trường" - TS Tô Nhi A nhắn nhủ.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A - Ảnh: K.ANH
Bằng kinh nghiệm của một F0 từng vượt qua COVID-19, bạn Minh Thuận (lớp 8, huyện Bình Chánh) nói: "Ban đầu mình tính giấu, nhưng mình đã báo cha mẹ, sau đó cách ly tại nhà, điều trị và mình vẫn cố gắng học tập trực tuyến. Nếu lỡ là F0 thì bình tĩnh chiến đấu thắng con virus nha".
Anh Trịnh Duy Trọng, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, nói: "Để thực hiện đưa các em đến trường học tập trực tiếp là sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều đơn vị. Chúng ta cũng cần nhắc nhau an toàn chống dịch. Đề nghị các em xây dựng thói quen hình thành kỹ năng mới để đảm bảo an toàn, như phải đeo khẩu trang khi học, dù ngột ngạt nhưng đó là cách hữu hiệu nhất bảo vệ chúng ta. Phải theo dõi sức khỏe và báo ngay cho ba mẹ, thầy cô khi có dấu hiệu bất thường", anh Trọng nói.
Tại đây, anh Đào Phú Khánh, trưởng phòng sức khỏe môi trường, y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, cũng đã nhắc và hướng dẫn những biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh quay lại trường học trực tiếp.
Anh Đào Phú Khánh, trưởng phòng sức khỏe môi trường, y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho học sinh khi đến trường học trực tiếp - Ảnh: K.ANH
Chị Trần Thu Hà, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, chủ tịch Hội đồng Đội TP, cho biết chương trình tổ chức nhằm giúp các em học sinh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đến trường, cũng là dịp chia sẻ với các phụ huynh đồng thuận và yên tâm cho các em đến trường.
"Không nên nghĩ chích vắc xin là không nhiễm bệnh. Chúng ta nhắc nhở nhau và cùng bạn bè rèn luyện kỹ năng mới để phòng tránh dịch bệnh trong tình hình hiện nay. Các em đi học trực tiếp phải rèn luyện nếp sinh hoạt mới, cần sự đồng hành của phụ huynh, thầy cô, quan trọng vẫn chính là sự tự giác của bản thân các em", chị Hà nhắn nhủ.
Chị Trần Thu Hà, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, chủ tịch Hội đồng Đội TP, trao quà đến các đại biểu tham dự kỳ họp lần 9 Hội đồng trẻ em TP - Ảnh: K.ANH
Bà Tô Thị Kim Hoa, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng việc bảo vệ trẻ em không chỉ là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 khi các em chuẩn bị đến trường, mà trong mọi hoàn cảnh.
Thời gian vừa qua có nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, đã đến lúc chúng ta phải lên án mạnh mẽ.
Với các gia đình đổ vỡ, ly hôn thì lại càng cần phải yêu thương bảo vệ con trẻ gấp 2- 3 lần vì trẻ thường thiệt thòi hơn. Xã hội cũng có nhiều đơn vị, nhiều dịch vụ bảo vệ trẻ em, do vậy mọi người đều cần biết và nên sử dụng ngay khi cần đến, như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hay đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM 18009069.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận