Cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ về thú chơi tao nhã này, anh chia sẻ:
- Thư pháp đến với tôi như mối duyên kỳ ngộ. Khi còn là sinh viên, mỗi lần về quê, tôi vẫn thường nghe ba nhắc đến thư pháp. Rồi tình cờ đi xem triển lãm của nhà thư pháp Bùi Hiến tại Nhà văn hóa Thanh niên hồi năm thứ ba đại học, thấy con chữ như có ma lực với mình. Vậy là dấn thân vào con đường thư pháp.
Triển lãm thư pháp chữ Việt đầu tiên của tôi hồi năm 2002 không ngờ thu hút khá đông người thưởng ngoạn, có cả những nhà văn tên tuổi đến khích lệ tôi. Tôi thấy khá hứng thú với sự bén duyên này và tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ luận văn thạc sĩ "Thư pháp và thư pháp tiếng Việt" năm 2006, đạt điểm xuất sắc nên bạn bè gọi vui là thạc sĩ thư pháp. Cứ vậy mà tôi và thư pháp làm bạn cùng nhau đến bây giờ.
Tĩnh tâm và mang lại sự thông tuệ
* Nhưng cũng phải có sự chuẩn bị nhất định nào đó với nghệ thuật thư pháp vì nếu chỉ đam mê thôi chắc là chưa đủ?
- Hiểu một cách khái quát, thư pháp là nghệ thuật thể hiện chữ viết, phương tiện biểu tỏ tâm thức con người. Nó gắn với cơ sở mỹ học (cách viết, kỹ thuật viết, bút pháp, đường nét, màu sắc...) và gắn với tính cách, tâm tư, tình cảm, quan niệm triết học, nhân sinh quan của người viết.
Nên ngoài nhẫn nại, chịu khó để rèn luyện kỹ năng viết cho thật tốt, người chơi thư pháp còn cần trang bị nội dung cần viết, trau dồi kiến văn, đọc nhiều sách vở, tìm những tư tưởng, quan niệm triết học cổ kim, học tập những người đi trước để mở rộng sự hiểu biết. Đó là những điều rất cần cho người viết thư pháp.
* Tức là chơi hay viết cũng cần học nghiêm túc và độ am hiểu nhất định với thư pháp?
- Thư pháp cũng như những thú chơi tích cực khác đều mang lại nhiều giá trị hữu ích, rèn tính kiên nhẫn, sự tĩnh tâm và mang lại sự thông tuệ. Người xưa có nói muốn viết được thư pháp cần phải "Giấy một núi, mực một ao, bút một rừng và nhẫn ngàn chữ" mới có thể đạt được.
Khi viết, người viết cần tập trung tinh thần cao độ vào từng nét chữ, loại bỏ những tạp niệm để nét chữ được thần thái, đoan trang. Bởi người viết thư pháp có cơ hội tiếp cận với những lời dạy của cổ nhân, những vần thơ trác tuyệt, cách ngôn hay cho cuộc sống, giúp rèn luyện tư tưởng, tính cách và hướng thiện, mang lại sự an tĩnh trong tâm hồn.
Yêu quý chữ viết
* Từng dẫn dắt các câu lạc bộ thư pháp, anh thấy các bạn trẻ có hào hứng với nghệ thuật này không?
- Tôi từng làm chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp đầu tiên ở Nhà văn hóa Thanh niên, rồi chủ nhiệm một số câu lạc bộ thư pháp khác ở trường đại học nên có cơ hội được giao lưu với nhiều bạn trẻ chơi thư pháp. Tôi thấy khá nhiều bạn tham gia thư pháp, đó là tín hiệu vui.
Hãy khoan bàn đến chuyện viết đẹp xấu nhưng các bạn đang có một thú chơi trí tuệ, thanh nhã và góp phần duy trì nét đẹp của cha ông. Nhất là các dịp tết, lễ hội, không khi càng sôi động hơn khi nhiều nơi tái hiện hình ảnh ông Đồ tặng chữ, minh chứng rõ việc yêu quý chữ viết, một nét đẹp văn hóa của cha ông.
* Anh nói chơi thư pháp như một phần thanh lọc tâm hồn nhưng khi mà AI đang dần thay thế, thực hiện nhiều thứ, liệu thư pháp có bị chiếm chỗ luôn không?
- Ai cũng biết AI thông minh, có thể thực hiện nhiều công việc của con người một cách khá chỉn chu nhưng tôi tin sẽ không thể thay thế con người, nhất là những việc liên quan đến nghệ thuật, trong đó có thư pháp. Thư pháp đòi hỏi người viết có trí tuệ cảm xúc, khí lực, bút lực, tư tưởng truyền tải, cả sự sáng tạo cao, sự ngẫu hứng của tinh thần, chiều sâu của vô thức...
Những điều này AI làm sao biểu đạt được. Có chăng AI làm ảnh hưởng đến chất "thị trường" của thư pháp và vô tình tôn vinh thêm chất "nghệ thuật" cho loại hình này.
Nghề viết thư pháp
Anh Nguyễn Hiếu Tín nói thư pháp xuất phát từ thú chơi thư giãn, thanh nhàn sau những giờ làm việc mệt mỏi rồi dần được chuyên môn hóa theo thời gian. Thú chơi tài tử, nghiệp dư ấy nay đã chuyên nghiệp với sự phát triển của công cụ, chất liệu viết (liễn, giấy, gỗ, đá...).
Chính nhu cầu yêu thích trang trí chữ nghĩa trong nhà giúp thư pháp trở thành một công việc với rất nhiều phòng tranh thư pháp ra đời, thậm chí có cả ê kíp "ông Đồ trẻ" chuyên viết thư pháp theo các sự kiện do doanh nghiệp đặt hàng. Và nhiều bạn trẻ có thu nhập ổn định với nghề này như cách nói vui của nhiều người là "việc nhẹ lương cao" khi ngày càng có nhiều người tìm hiểu, đam mê thú chơi thư pháp khá tao nhã.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín được biết đến như là một nhà thư pháp với nhiều tìm tòi, đóng góp cho bộ môn nghệ thuật này. Anh hiện đang làm trưởng bộ môn du lịch của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Ngoài tác phẩm Thư pháp là gì? do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành hồi đầu tháng 3-2023, anh còn là tác giả của một số đầu sách khác. Có thể kể đến như: Tem thư - nghệ thuật và khoa học (Nhà xuất bản Thông Tin và Truyền Thông), Cóc linh tuệ giác (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM), Giáo trình thực hành thư pháp chữ Việt (lưu hành nội bộ, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận