19/12/2006 14:32 GMT+7

Lưu ý khi dùng thuốc súc họng

Theo ThS. Phạm Thị Đào - Sức khỏe & Đời sống
Theo ThS. Phạm Thị Đào - Sức khỏe & Đời sống

Trừ nước muối, còn các loại thuốc súc miệng - họng khác thường được sử dụng dưới 10 ngày. Việc dùng quá lâu sẽ gây mất cân bằng vi khuẩn, gây nấm, viêm loét họng...

YFpOktJh.jpgPhóng to
Dùng thuốc súc họng không đúng cách có thể gây tổn thương niêm mạc vùng họng
Trừ nước muối, còn các loại thuốc súc miệng - họng khác thường được sử dụng dưới 10 ngày. Việc dùng quá lâu sẽ gây mất cân bằng vi khuẩn, gây nấm, viêm loét họng...

Trong họng có rất nhiều loại vi khuẩn thường xuyên sinh sống. Khi cơ thể khỏe mạnh, môi trường niêm mạc họng ổn định thì những vi khuẩn này không gây bệnh. Nhưng khi cơ thể suy yếu hoặc pH vùng này thay đổi, chúng sẽ gây bệnh hoặc tiếp nhận vi khuẩn có hại từ môi trường bên ngoài. Bệnh lý vùng họng chủ yếu là bệnh lý của hệ thống niêm mạc. Chính vì thế, các thuốc điều trị tại chỗ, trong đó có thuốc súc miệng - họng, có hiệu quả cao.

Thuốc súc họng được bào chế dưới dạng dung dịch hoặc thuốc bột dùng để pha trước khi sử dụng. Thuốc được dùng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng, răng miệng, loại bỏ mảng bám vi khuẩn, khử mùi hôi do các vi khuẩn gây ra, chăm sóc vùng họng trước và sau phẫu thuật. Nó có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc kháng sinh uống toàn thân.

Thuốc súc họng thường được chia thành 3 nhóm:

- Kháng sinh súc họng: Loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricin như veybirol-tyrothricin.

- Sát khuẩn súc họng như bétadine gargle, givalex, BBM- muối borat, muối bicarbonat và methol...

- Trung hòa pH: Nước muối 0,9%, natribicarbonat...

Trong thành phần các thuốc súc họng thường có thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ như benzocain, menthol, muối salicylat, hexetidin...

Lưu ý khi sử dụng

Tùy từng loại thuốc, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể cách sử dụng, và đặc biệt phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Thường súc họng trên hai lần một ngày, một hai ngụm đầu súc thật sạch họng, sau đó ngậm ngụm khác trong 5-10 phút rồi nhổ thuốc ra. Tuyệt đối không nuốt thuốc.

Mỗi lần sử dụng 15-30 ml dung dịch và súc cho đến hết. Tuy nhiên có một số sản phẩm cần sử dụng với thời gian ngắn hơn. Ví dụ, Listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây ngay sau khi đánh răng. Các thuốc súc miệng-họng thường được sử dụng sau khi đánh răng để thuốc có tác dụng lâu dài hơn ở niêm mạc.

Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, việc sử dụng thuốc súc họng tại chỗ khi bị viêm nhiễm đem lại kết quả và độ an toàn cao. Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ nhỏ thuốc được hấp thu vào máu và vào thai nhi theo con đường nhau thai hoặc qua sữa, vì vậy cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn. Tốt nhất chỉ nên dùng dung dịch nước muối nhạt để súc họng.

Thuốc súc họng cũng được dùng theo lứa tuổi. Ví dụ Eludril chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, Bétadine dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi và cho những người không có bệnh lý về tuyến giáp. Thuốc súc họng không được sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Không nên sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc súc họng có chất sát khuẩn nếu không có ý kiến và sự theo dõi chặt chẽ của thày thuốc tai mũi họng.

Thuốc súc họng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, như phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để kịp thời xử trí, có thể thay thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp khác.

Theo ThS. Phạm Thị Đào - Sức khỏe & Đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp