Ảnh minh họa. Nguồn: momjunction.com
Khi phụ nữ mang thai, cần lưu ý đến bệnh tiểu đường mắc phải do nhiều yếu tố tác động làm phát sinh bệnh lý này. Vì vậy, các nhà khoa học đã dùng thuật ngữ tiểu đường thai kỳ để nói đến tình trạng bệnh lý có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai nhằm phát hiện, chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose bất kỳ ở mức độ nào, bệnh có thể khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc phụ nữ mang thai. Bệnh lý này trên thực tế người phụ nữ mang thai chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn một cách hợp lý là có khả năng can thiệp được tình trạng bệnh mắc phải mà không cần dùng đến thuốc insulin để xử trí.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh
Trong quá trình mang thai, các yếu tố nguy cơ có thể làm cho người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm: thừa cân, béo phì; tiền sử gia đình có người thân bị bệnh tiểu đường, đặc biệt là người thân bị bệnh tiểu đường thế hệ thứ nhất; có tiền sử sinh con với cân nặng từ 4.000 gam trở lên; có tiền sử bất thường về sự dung nạp chất đường glucose, xét nghiệm thấy glucose nước tiểu dương tính.
Đối với phụ nữ có tuổi càng cao khi mang thai thì nguy cơ mắc bệnh càng cao, phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên là yếu tố nguy cơ cao của bệnh tiểu đường thai kỳ; phụ nữ mang thai có tiền sử sản khoa bất thường như thai chết lưu, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân cũng là yếu tố nguy cơ.
Hậu quả của bệnh
Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây nên hậu quả với các nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người mẹ mang thai, thai nhi và trẻ sơ sinh sau khi được sinh ra. Đối với người mẹ, nguy cơ có thể gặp trong thời gian mang thai do bệnh tiểu đường là biến chứng tiền sản giật, sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh non, đa ối; trong khi sinh có nguy cơ sinh khó do thai to toàn bộ hay từng phần với tỷ lệ phải phẫu thuật, mổ đẻ khá cao; sau khi sinh có thể có nguy cơ chảy máu sau đẻ, nhiễm khuẩn sau đẻ.
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, nguy cơ có thể gặp là thai to gây đẻ khó, tăng khả năng bị sang chấn, tổn thương sau đẻ như liệt đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn gánh, tăng nguy cơ phải mổ đẻ; thai nhi có thể bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, phì đại cơ tim...; trẻ sơ sinh có thể bị hạ glucose máu sơ sinh, hạ calci máu sơ sinh, đa hồng cầu, tăng bilirubin máu, bị hội chứng suy hô hấp cấp tính chu sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.
Chẩn đoán xác định bệnh
Phụ nữ mang thai nên được khám sàng lọc tùy theo từng đối tượng. Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ thấp với tuổi thai 24 tuần cần làm xét nghiệm tăng đường huyết, nếu xét nghiệm tăng đường huyết dương tính nên khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ.
Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao với cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường, thai phụ béo phì… thì trong 3 tháng đầu của thai kỳ cần xét nghiệm đường huyết, HbA1C và làm nghiệm pháp tăng đường huyết; đồng thời xét nghiệm lại lần thứ hai khi thai được 24 tuần tuổi hoặc 3 tháng giữa của thai kỳ và lần thứ ba vào 3 tháng cuối của thai kỳ; nếu xét nghiệm tăng đường huyết dương tinh nên khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường thai kỳ theo hướng dẫn mới của Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ ADA (American Diabetes Association) năm 2011 và tiêu chuẩn của nhóm nghiên cứu ở Hiệp hội tiểu đường và thai nghén quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pregnancy Study Groups) việc chẩn đoán tiểu đường thai kỳ được xác định khi có 1 trong 3 giá trị đường huyết tính với đơn vị mmol/l hay mg/dl bằng hoặc vượt ngưỡng ở các thời điểm khác nhau như: lúc đói 5,1 mmol/l hay 92 mg/dl; 1 giờ 10,0 mmol/l hay 180 mg/dl; 2 giờ 8,5 mmol/l hay 153 mg/dl.
Xử trí điều trị
Việc xử trí điều trị phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai hay tiểu đường thai kỳ được thực hiện tùy theo tuyến y tế. Đối với tuyến y tế xã, phường, thị trấn; cần phải chuyển sản phụ lên tuyến trên để có điều kiện chẩn đoán xác định và can thiệp biện pháp điều trị thích hợp.
Đối với tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên phải thực hiện kết hợp điều trị giữa bác sĩ nội khoa và bác sĩ sản khoa trong thời gian phụ nữ mang thai; phải kiểm soát nồng độ đường huyết bằng chế độ ăn uống hoặc bằng thuốc insulin nhằm làm giảm các biến chứng cho cả người mẹ và thai nhi. Có thể theo dõi sự chuyển dạ và sinh đẻ tự nhiên, chỉ định mổ lấy thai khi thai to hoặc có hiện tượng suy thai.
Trong khi chuyển dạ cần kiểm soát chặt chẽ glucose máu của người mẹ trong suốt thời gian sinh đẻ, tốt nhất là chỉ số giá trị đường huyết được kiểm soát dao động từ 3,3 đến 5,6 mmol/l. Lưu ý trong khi sinh đẻ cần theo dõi tim thai để phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy thai.
Việc dùng thuốc insulin phải cân nhắc thận trọng vì sau khi lấy hết bánh nhau, mất hiện tượng kháng insulin có thể gây hạ glucose máu; đồng thời nên theo dõi chặt chẽ nồng độ đường máu để điều chỉnh thuốc insulin cho phù hợp; ngoài ra cũng phải theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh trong 3 ngày đầu sau khi sinh để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với các yếu tố của phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong thời kỳ mang thai hay tiểu đường thai kỳ như đã nêu ở trên, việc khám sàng lọc lúc đầu để phát hiện bệnh rất cần thiết, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ thấp cũng như có nguy cơ cao.
Việc chẩn đoán xác định bệnh theo tiêu chuẩn quy định cần được thực hiện một cách đầy đủ nhằm bảo đảm sự chính xác, tránh nhầm lẫn. Đồng thời việc xử trí điều trị phải can thiệp biện pháp phù hợp tùy theo từng đối tượng để chủ động ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc do bệnh gây ra, trong đó việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý là một biện pháp tích cực; trường hợp cần thiết mới sử dụng đến thuốc insulin với sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận