Những hình ảnh quý này do các cá nhân, tổ chức gửi tặng lưu trữ quốc gia. Trong đó có những bức ảnh về ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954 của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản - người được mệnh danh là "nhà chép sử bằng ảnh".
Và một bức ảnh của nhà sưu tập ảnh Đặng Tích - một người dân sống tại làng nhiếp ảnh Lai Xá, cũng là một vệ út trong đội quân "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" cuối năm 1946 đầu năm 1947 để giữ Hà Nội.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, người mà ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1935-1939) đã làm phóng viên cho các tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam như Tin tức, Bạn dân... người đi đầu trong lĩnh vực ảnh thời sự báo chí với những hình ảnh vô cùng quý giá về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng không bỏ qua ngày lịch sử trọng đại 10-10-1954.
Sáng 10-10-1954, các đơn vị quân đội do Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào giải phóng thủ đô.
Trong ngày lịch sử này, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản đã bắt được những hình ảnh như những đoàn quân kéo về phố cổ Hà Nội từ năm cửa ô, lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều 10-10-1954 tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội, hình ảnh nhân dân thủ đô chào đón các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, nhà nhiếp ảnh đã ghi được hình ảnh những phụ nữ Hà Nội tóc dài thướt tha, cặp ba lá túm hờ suối tóc sau lưng, mặc áo dài dịu dàng, tay ôm hoa tươi cười rạng rỡ tặng hoa cho bộ đội vừa về tiếp quản thủ đô.
Bức ảnh ông Đặng Tích sưu tập được và tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng là bức ảnh quý chụp các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô tiếp quản Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao).
Liên quan đến sự kiện ngày 10-10-1954 là lễ mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về thủ đô của nhân dân Hà Nội ngày 1-1-1955 tại quảng trường Ba Đình, sự kiện đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công cuộc giải phóng thủ đô đã hoàn thành trọn vẹn, được lưu lại trong những tấm ảnh quý của Bộ Ngoại giao lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận