Gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Ảnh tư liệu gia đình
Hội thảo do Viện Văn học phối hợp với Đại học Duy Tân đồng tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ Lưu Quang Vũ (29-8-1988 - 29-8-2018).
Các nhà nghiên cứu trong nước đã thảo luận, tổng kết sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ ở các lĩnh vực kịch, thơ, văn và công bố những nghiên cứu và kiến giải mới về đóng góp của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sông Hồng, Năm 1954, Khâm Thiên, Hồ sơ mùa hạ 1972...). Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Phần thảo luận sôi nổi và thu hút nhiều người nghe hơn cả là về Lưu Quang Vũ trong "địa hạt thơ". Ở đó không chỉ có một Lưu Quang Vũ bay bổng, tài hoa, giàu cảm xúc mà còn đầy thao thức, trăn trở, khát vọng: "Có một gã làm thơ da vàng / Không đêm nào ngủ được" (Liên tưởng tháng hai, 1973-1974).
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở miền Nam, "Lưu Quang Vũ có lẽ là nhà thơ duy nhất thời chiến ở miền Bắc đã dùng hai chữ "da vàng" theo nghĩa cảm thương giống nòi, chủng tộc".
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chung nhận định hành trình thơ của Lưu Quang Vũ là một chặng đường đầy dằn vặt diễn ra khi anh còn rất trẻ, thể hiện qua các chặng thơ của mình. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong nhiều bài thơ Vũ đã nói lên sự cô đơn khắc khoải: "Anh chẳng mang cho đời những tiệc vui ảo ảnh / Nỗi buồn chân thành đời chẳng nhận hay sao?" (Anh đã mất chi anh đã được gì)...Trong bài thơ Nói với mình và các bạn (1970), chàng thành niên 22 tuổi đã viết:
"Chúng ta tụm năm tụm ba
Họp hành, giễu nhau, uống trà, đọc thơ, đi thực tế
Ta viết những suy tư ngây ngô vờ là trí tuệ
Những câu nhạt phèo chiếu lệ
Những lời nhàm tai ai cũng quen rồi
Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai
Ngực đất nước tai ương xé rách
Ta viết mãi những điều vô ích
Vô duyên sao ta cứ nhoẻn miệng cười
Như phường bát âm thánh thótMong cuộc đời xuôi tai".
Lưu Quang Vũ đã vạch trần căn bệnh của những người làm thơ thế hệ mình, từ đó anh đòi hỏi mình và các bạn phải quyết liệt thay đổi:
"Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt
Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật
Đập vào mặt ta không cho ta cúi mặt
Không cho ta lảng tránh
Đập cửa mọi nhàĐứng ở ngã ba
Không hát ta say mà lay ta thức".
Tại hội thảo, nhận định về "Vũ của kịch", ông Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương - cho rằng sức hấp dẫn và khả năng thu hút trong những tác phẩm là ở tính dấn thân và dự báo, đối thoại và khát vọng đổi mới.
Đó là những tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống đương đại. "Không chỉ đóng góp trong đổi mới tư duy nghệ thuật sân khấu, kịch của Lưu Quang Vũ còn đóng góp theo một cách riêng, ấn tượng và hiệu quả nhất định trong sự nghiệp đổi mới đất nước ở một giai đoạn khó khăn" - ông Kỷ đánh giá.
Đi qua xét nét, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh bất tử
Trước đó, tại lễ tưởng niệm và hội thảo Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam sáng 23-8 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt, từng in chung với cố tác giả tập thơ gây tiếng vang lớn khi ra đời - Hương cây - Bếp lửa (Thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt, NXB Văn Học 1968, tái bản 2005) nói: bạn bè văn nghệ cùng lứa, ai công nhận ai là bất tử là điều vô cùng hiếm hoi bởi lòng tự ái hoặc sự đố kỵ, nhưng ông và nhiều bạn bè đều phải công nhận Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ "chắc chắn sẽ đi vào cõi bất tử".
THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận