Phóng to |
Lưu Hồng Quang |
Đây là chiến thắng thứ hai của Quang sau giải đặc biệt trong cuộc thi âm nhạc quốc tế Chopin khu vực châu Á hồi tháng 1 vừa qua tại Nhật Bản. Lưu Hồng Quang đã có cuộc trò chuyện về chuyến đi dài ngày của mình.
* Trở về nước sau khi đoạt giải ba trong một cuộc thi quốc tế (không có giải nhì), Quang thấy âm nhạc cổ điển châu Âu có gì đặc biệt?
- Em có cảm giác thoải mái hơn rất nhiều so với lần thi trước ở Nhật. Có thể vì đó là lần đầu tiên em tham dự cuộc thi lớn tại khu vực châu Á, lại chưa thể chủ động nắm tình hình, hơn nữa Nhật là nước nổi tiếng bởi sự quy củ, nghiêm khắc, nên em hơi căng thẳng. Còn Italia lại chuộng cách chơi tại gian phòng nhỏ trong các tòa lâu đài cổ nên có không khí thân mật hơn hẳn so với một phòng hoà nhạc lớn, chính quy.
Đợt thi đầu năm ở Nhật chỉ giới hạn trong một tác giả đã quá nổi tiếng là Chopin, còn tại Italia, bạn có thể tùy chọn bài phù hợp với khả năng của mình, không hạn chế về quãng thời gian, thời kì của tác giả, lãng mạn hay cổ điển cũng được, miễn là phải trình bày 3 tác phẩm và chính xác trong vòng 11 phút.
* Điều kiện rất tự do, Quang chọn nhạc theo tên tác giả hay theo độ khó khi trình tấu?
- Được tự do chọn nhạc nhưng bị khống chế về thời gian, nên việc sắp xếp bài rất quan trọng. Em chọn những bài vừa ngắn, vừa thể hiện được hết khả năng của mình. Quang trình diễn 3 tác phẩm của 3 tác giả khác nhau: Rhapsody Hongroise no.11. (F.Liszt); Prelude no.12 op.32. (S.Rachmanino), Etude no.5 op.10. (F.Chopin).
* Quang có cho rằng mình đã may mắn khi nhận được vinh dự này không?
- Em không nghĩ rằng có yếu tố của sự may mắn ở đây, bởi như vậy sẽ phủ định công sức chuẩn bị kỹ lưỡng của NSND Thu Hà và những nỗ lực cùng khả năng của chính bản thân em. Ngay từ khi nhận được lời mời tham dự cuộc thi em đã phải học một số lượng tác phẩm khổng lồ, và dù rất bận rộn, cô Hà vẫn bố trí cho em trả bài một tuần một lần, ngay cả việc chọn tác phẩm biểu diễn, cô Hà cũng phải cân nhắc rất lâu.
Mỗi tác phẩm có nhiều chi tiết khó khác nhau, mà làm nghệ thuật thì không ai giống ai được, nhưng chí ít mình cũng phải hoàn thành về cơ bản, sau đó mới nghĩ đến việc thể hiện như thế nào. Điều quan trọng nhất là mình phải giữ vững được bản lĩnh, thực lực của mình. Lúc tập có chơi hay đến thế nào đi chăng nữa mà khi thi mất tinh thần thì cũng hỏng.
* Về các đối thủ nước ngoài và người chiến thắng trong cuộc thi, Quang nhận xét về họ ra sao?
- Thẳng thắn mà nói họ hơn mình rất nhiều. Họ tuyệt vời hơn về kỹ thuật, phong cách biểu diễn thoải mái hơn. Họ rất nhanh nhạy khi xử lý các tác phẩm phức tạp, đòi hỏi dày công tìm tòi sâu về âm nhạc, đấy là cái rất khó. Cho dù mình có chơi được bản nhạc nhưng chưa đủ trưởng thành để hiểu nó trọn vẹn thì khó tránh độ chênh với tác phẩm.
Em ngạc nhiên vì gặp ở đó rất nhiều người trẻ thể hiện những tác phẩm đòi hỏi sự tư duy cao. Người chiến thắng trong cuộc thi là một thí sinh nữ 18 tuổi, người Đài Loan. Nói ngắn gọn là em cảm thấy chưa phục lắm với số điểm 100 tuyệt đối mà chị ấy đã đạt được.
* Nhận xét về độ chênh giữa nhạc phẩm và lối chơi như thế nghĩa là Quang đã biết phân biệt sự khác nhau tinh tế giữa các nhà soạn nhạc cổ điển?
- Điều này khó nói vì mỗi người một vẻ, nhưng có lẽ tác giả bao quát nhất là Back, về cách chơi cũng như sáng tác của ông. Em nghĩ là mình phải nâng cao trình độ hơn nữa mới biết là hợp với ai nhất, bởi nhạc gắn liền với cuộc đời, tư tưởng, tình cảm của từng người. Cần phải trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ mới có thể nhận biết và cảm được họ.
* Tham dự 2 cuộc thi quốc tế và đều đoạt giải, mục tiêu tiếp theo của Quang sẽ là gì?
- Với em, 2 cuộc thi trong vòng nửa năm như thế là quá nhiều, em cần thời gian để thực hiện hết những gì phải học càng nhanh càng tốt. Bây giờ so với hồi bên Nhật, khoảng cách của em rút ngắn được đáng kể, nhưng từ đây đến đích thì còn khá xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận