Phóng to |
Các toa tàu chở gỗ bị lưu giữ tại ga Giáp Bát - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Chiều 15-12, ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng Ban kinh doanh vận tải (Tổng công ty Đường sắt VN) - cho biết số gỗ trên các toa tàu này bị Cục An ninh nông nghiệp - nông thôn (A86, Bộ Công an) phát hiện. Tổng công ty Đường sắt VN đã kiểm tra quy trình tiếp nhận vận chuyển số gỗ và chưa phát hiện sai phạm. Ngành đường sắt mong muốn cơ quan chức năng kết luận nhanh vụ việc để giải tỏa số gỗ, đưa 15 toa tàu vào khai thác.
Theo ông Trần Quốc Đạt - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt, 15 toa tàu chở gỗ này được cơ quan chức năng gom từ các đoàn tàu đến ga Gia Lâm, Từ Sơn. Đây là số gỗ được chở từ các ga Thủy Thạnh, Diêu Trì, Bình Định, Hòa Huỳnh tới ga cuối là Từ Sơn (Bắc Ninh). Tất cả số gỗ đều có vận đơn và có tên người gửi, người nhận, ghi rõ ga đến, ga đi. Sau khi phát hiện có nghi vấn, A86, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã đề nghị Tổng công ty Đường sắt VN cho kéo 15 toa tàu từ ga Từ Sơn về Giáp Bát vào tối 14-10 để đảm bảo an toàn cho việc điều tra, xác minh.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, với ngành đường sắt, gỗ là mặt hàng được phép chuyên chở. Nếu chủ hàng có đủ giấy tờ chứng minh được tính hợp pháp của số gỗ do kiểm lâm, cơ quan liên quan cấp thì đường sắt sẽ nhận vận chuyển. Hiện ngành đường sắt vận chuyển gỗ từ các tỉnh miền Trung ra Từ Sơn khá lớn, mỗi tháng cả trăm toa xe. Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào cơ quan chức năng kiểm tra, lưu giữ số gỗ bị nghi ngờ như lần này.
Tại Bình Định, trưởng trạm vận tải hàng hóa đường sắt Diêu Trì (thuộc Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt VN) Nguyễn Xuân Bình cho biết số gỗ trên chủ yếu xuất xứ từ Gia Lai - Kon Tum. Hai ga Diêu Trì và Bình Định nhận vận chuyển 10 toa, 5 toa còn lại do các ga gần tỉnh Bình Định vận chuyển. Thời gian khách hàng tập kết gỗ về ga Diêu Trì từ ngày 10-10 và vận chuyển ra ga Từ Sơn.
Trưởng ga Bình Định Nguyễn Thanh Tân nói bình quân mỗi toa tàu chứa được 30m3, khách hàng tập kết gỗ về ga rải rác từ những ngày đầu tháng 10. “Chúng tôi chỉ đơn thuần là đơn vị dịch vụ vận tải, không có chức năng kiểm tra, kiểm soát. Về mặt thủ tục, khi họ xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định gồm hợp đồng mua bán gỗ, hóa đơn xuất kho, lý lịch gỗ... là được vận chuyển, trách nhiệm kiểm tra là của các cơ quan chức năng như kiểm lâm, cảnh sát kinh tế” - ông Tân nói.
Chiều qua, phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định Nguyễn Hiếu Hòa khẳng định cơ quan này không hề có thông tin về vụ ngành đường sắt chở gỗ từ ga Bình Định và ga Diêu Trì. “Chúng tôi chưa hề biết về nguồn gỗ lậu nào cả, bởi không nhận được tin báo về vụ việc này trong thời gian họ tập kết gỗ về các ga của Bình Định để vận chuyển ra Bắc. Tuy nhiên chúng tôi có nghe thông tin cơ quan an ninh của Bộ Công an phát hiện và Cục Kiểm lâm đang thụ lý vụ việc” - ông Hòa nói.
Đó là khẳng định của ông Triệu Văn Lực, phó cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT). Theo ông Lực, vụ 15 toa tàu bị giữ ở ga Giáp Bát do Cục Kiểm lâm phối hợp với Cục An ninh nông nghiệp - nông thôn phát hiện, điều tra từ tháng 10-2011. Ông Lực cho biết hiện vụ việc đã được chuyển cho cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận, xử lý. Hiện Cục Lâm nghiệp đang tìm hiểu tại sao số lượng lớn gỗ có thể vượt qua các trạm kiểm soát của kiểm lâm để lên tàu từ Bình Định ra Bắc Ninh, Hà Nội. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, bất kể đó là ai, ở cấp nào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận