02/03/2023 11:09 GMT+7

Lương y 8X và tâm niệm giúp người bớt khổ

Xuất thân là dược sĩ, Trần Công Vĩnh (Quảng Nam) chuyển hướng làm lương y mà anh tự nhận đó là duyên lành để thực hiện tâm niệm giúp người bớt khổ.

Lương y Trần Công Vĩnh (trái) vẫn thường hoạt động từ thiện để chia sẻvới người già, trẻ em khó khăn - Ảnh: NVCC

Lương y Trần Công Vĩnh (trái) vẫn thường hoạt động từ thiện để chia sẻvới người già, trẻ em khó khăn - Ảnh: NVCC

Vài năm gần đây, anh kết hợp cùng một số bác sĩ, lương y viết các sách kiến thức chuyên ngành, thường thức phổ biến cho mọi người. Có thể kể đến một vài đầu sách: Châm cứu thực dụng theo trường phái Đổng thị, Châm cứu Đầu châm và Tân đầu châm, Châm cứu Bình Hoành Thiên Ứng... Lương y 8X nói về cái duyên đến với nghề:

- Hơn chục năm trước, tôi làm dược sĩ một công ty dược ở Quảng Ngãi, công việc khá thuận lợi nhưng thấy không được thoải mái lắm. Trong một chuyến đi từ thiện, tôi đã gặp nhiều gia đình có người bệnh và khá điêu đứng. Trở về, thâm tâm mình thôi thúc phải làm điều gì đó ý nghĩa hơn. Cơ duyên gặp lương y Nguyễn Đức Bốn, cùng tâm nguyện sẵn có ấy, tôi như được truyền lửa, quyết định đi học đông y từ đó.

Thầy thuốc phải tập "hiểu và thương"

* Duyên là một chuyện, nhưng cũng phải có những tố chất cần thiết để theo nghề chứ nhỉ?

- Tôi nhớ lời cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác rằng: "Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng".

Người làm nghề y đương nhiên phải có niềm đam mê, sự hiểu biết và cả tấm lòng nhân ái, chịu thương chịu khó, luôn có ý thức tự học, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, học hỏi không ngừng để tay nghề ngày càng được nâng cao. Cũng phải luôn trau dồi kỹ năng, phong thái cởi mở, khiêm cung, hòa đồng để gần gũi với bà con.

* Anh đã chọn tâm thế nào mỗi khi tiếp xúc với người bệnh?

- Người bệnh vốn đã khổ rồi nên ngoài kiến thức cơ bản, sự nhạy bén, quyết đoán trong khám chữa bệnh, thầy thuốc còn cần cả "hiểu và thương". Có hiểu nỗi đau của người bệnh, những khó khăn họ trải qua mình mới cảm thông với những cái nhíu mày hay gương mặt sầu muộn của họ. Tôi luôn tự dặn mình phải đặt hết tâm trí vào việc khám chữa bệnh mỗi ngày nên có lẽ vì thế kết quả cũng khá ổn.

Tôi nhớ hoài trường hợp một ông anh đưa mẹ tới khám vì mất ngủ, cơ thể suy nhược và đau toàn thân. Bà cụ từng nhập viện điều trị cả tháng nhưng không đỡ. Thăm khám xong tôi châm cứu và kê thuốc nhưng bà cho biết mỗi lần làm xong đều thấy khỏe song về lại đau như cũ.

Sau một thời gian thấy không khá hơn, tôi hướng dẫn cho bà gặp vài người thầy mà tôi quen biết nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Tôi nhớ đến thầy tôi, một cư sĩ tại gia có nhiều năm kinh nghiệm nên chỉ bà đi gặp tiếp. Sau khi khám, thầy nói "Bệnh này tự bà ấy chữa chứ không ai chữa được đâu" rồi hướng dẫn gia đình bà làm các việc thiện lành. Rất vui là sau đó con trai bà gọi cho biết làm theo hướng dẫn của thầy bệnh tình mẹ anh thuyên giảm hẳn.

Bản thân mỗi người đều là "thầy thuốc" của chính mình mà sâu thẳm trong mỗi người đều có "tâm bệnh". Thầy thuốc chỉ chữa lành các bệnh thông thường, có những bệnh chỉ người đó mới tự chữa cho họ được mà thôi. Giữ cho tâm mình an, không lo sợ, làm việc lành... bệnh tình sẽ thuyên giảm, tiêu trừ.
Lương y TRẦN CÔNG VĨNH

Sống thuận tự nhiên

* Làm nghề nhiều năm, điều gì khiến anh trăn trở trong môi trường và điều kiện sống hiện nay?

- Tôi biết có nhiều y bác sĩ bỏ nghề vì áp lực công việc, thu nhập thấp không đủ lo cho gia đình. Chưa kể nạn thuốc giả, thuốc bẩn, rác thuốc... tràn lan làm cả người bệnh lẫn thầy thuốc đều ngán ngẩm.

Rồi mạng xã hội phát triển, kéo theo đó xuất hiện rất nhiều thầy thuốc Google. Cứ đau là lên mạng vô tội vạ, nhiều khi đi châm cứu còn chỉ định thầy thuốc phải châm huyệt này, huyệt kia nữa! Cho thuốc về lại tự ý gia giảm theo ý mình, không nghe lời khuyên của thầy thuốc, khi bệnh không khá hơn lại đổ thừa thầy thuốc chuyên môn thấp kém...

* Người ta vẫn nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, hẳn anh cũng không ít lần nói điều đó với bệnh nhân?

- Chuyện này từ xa xưa cha ông ta đã nêu rất rõ trong sách Nội kinh như sau: "Từ thời thượng cổ con người đều biết đạo dưỡng, họ bắt chước theo lẽ biến hóa của âm dương, hòa hợp được với thuật luyện tinh khí. Ăn uống điều độ, thức ngủ theo lẽ thường, không lao động mệt nhọc một cách cẩu thả, do đó hình thể và thần khí của họ đầy đủ để có thể sống trọn tuổi trời, trăm tuổi mới chết".

Nhiều người hôm nay, cả những bạn trẻ lấy rượu làm thức uống, lấy sự cẩu thả làm lẽ thường. Họ không theo đúng sự thay đổi khí tiết bốn mùa để bảo dưỡng tinh thần, chỉ muốn làm cho khoái cái tâm, làm nghịch lại cái vui chân thực, thức ngủ không điều độ, nhanh suy yếu.

Ngày xưa cha ông dạy phải giữ lòng điềm đạm, hư vô, sống đúng với chân khí mình. Tinh thần giữ được bên trong thì bệnh làm sao có thể đến. Được vậy chí sẽ nhàn mà ít ham muốn, tâm an mà không sợ sệt, hình thể nhọc nhằn mà không mệt mỏi.

* Nghe là anh cũng hay tham gia hoạt động thiện nguyện lắm, phải không?

- Tôi bắt đầu các hoạt động thiện nguyện từ năm 2009, đã qua nhiều chương trình lớn nhỏ khác nhau. Có một chương trình làm tôi nhớ nhất là lần khám chữa bệnh miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Có trực tiếp thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho những người khó khăn mới thấu hiểu nỗi khổ bệnh tật của họ. Nên tôi vẫn luôn nhắc người bệnh của mình "phòng bệnh hơn chữa bệnh" là vậy.

Bác sĩ trẻ đu trend trên TikTok, dân mạng mê títBác sĩ trẻ đu trend trên TikTok, dân mạng mê tít

"Dễ thương quá bác ơi", "Cảm ơn bác sĩ nha. Nay em mới biết điều này"… - lướt những kênh TikTok của các bác sĩ, cư dân mạng thường để lại những bình luận rất tích cực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp