Phóng to |
Hai xe buýt tuyến 13 và 65 (có lộ trình trùng nhau khoảng 13km) chạy trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: M.Trường |
Tuyến xe buýt 13 (công viên 23/9 - bến xe Củ Chi) và tuyến 65 (Bến Thành - bến xe An Sương) là hai tuyến xe buýt có trợ giá, nhưng phần lớn lộ trình của hai tuyến xe này đang chồng chéo, trùng nhau.
Chỗ tập trung 3-4 tuyến...
"Trong hai tuyến xe 13 và 65, nếu bỏ đi một tuyến để tập trung vào một tuyến thì sẽ hiệu quả hơn nhiều vì khi đó hành khách sẽ đông. Trường hợp khách quá đông thì có thể tăng cường thêm số chuyến xe của tuyến còn lại" |
Sáng 4-3, các đường Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh (Q.3, Q.Tân Bình) xe cộ khá đông, trong đó có những chiếc xe buýt cồng kềnh “bò” trên đường. Đáng chú ý là cặp xe buýt tuyến 13 và tuyến 65 luôn xuất hiện trên đường này với tần suất 10-15 phút/chuyến và thường “cặp kè” với nhau.
Khoảng 8g cùng ngày, xe buýt tuyến 13 (biển số 53N-5864) và xe tuyến 65 (biển số 53N-4649) cùng xuất phát từ đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn ngã sáu Phù Đổng (Q.3) hướng về đường Trường Chinh. Đến trạm xe buýt gần giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ, xe tuyến 65 dừng ghé trạm để rước khách, xe tuyến 13 từ phía sau lách qua một bên và vượt lên xe 65. Lúc này có hơn 20 hành khách trên hai chiếc xe loại 80 chỗ ngồi này.
Trên suốt đoạn đường đi, hai xe này liên tiếp vượt qua nhau để ghé trạm rước, trả khách. Đến đoạn trước công viên Lê Thị Riêng, hai chiếc xe buýt phải cố gắng len lỏi giữa vòng vây của hàng trăm phương tiện khác. Mỗi khi một trong hai xe này ghé trạm thì phía sau xe cộ lại ùn ứ.
Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn những trạm dừng khi có một trong hai tuyến xe buýt nói trên ghé vào rước khách trước thì chiếc đi sau không ghé trạm nữa vì không có khách. Đứng chờ tại trạm xe buýt trên đường Trường Chinh, bà Trần Thị Hòa cho biết: “Tôi thường đi xe buýt đến nhà cháu gái tại Q.12. Tôi có thể đón xe số 13 hoặc xe số 65 đi đều được, nhưng tôi thích tuyến 65 hơn vì xe vắng khách, ngồi thoải mái”.
Theo biểu đồ chạy xe do Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng TP.HCM công bố, hiện hai tuyến xe này chạy chung một quãng đường dài khoảng 13km trong tổng số 16,3km đối với tuyến xe 65 và 35,6km đối với tuyến xe 13. Cụ thể, tuyến đường Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu - Xuân Hồng - Trường Chinh - quốc lộ 22 - ngã ba Công ty Việt Hưng, hai tuyến xe này “cặp kè” nhau trên cả lộ trình đi và về.
Tương tự, trên đường Quang Trung đoạn từ giao lộ Quang Trung - Phan Huy Ích đến ngã năm Gò Vấp (Q.Gò Vấp) dài khoảng 5km, có đến bốn tuyến xe buýt trùng nhau. Trên đường này thường xuyên xuất hiện những cặp xe buýt song hành, như tuyến 24 (bến xe miền Đông - Hóc Môn), 18 (Bến Thành - Chợ Hiệp Thành), 55 (công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao), 95 (bến xe miền Đông - Khu công nghiệp Tân Bình). Việc trùng tuyến trên đoạn đường này khiến giao thông đoạn qua chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) thường xuyên bị ùn ứ xe cộ.
Còn trên đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn từ giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Nguyễn Quý Anh đến giao lộ Tân Kỳ Tân Quý - Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) cũng có bốn tuyến xe buýt chạy qua, như tuyến 32 (bến xe miền Tây - bến xe Ngã Tư Ga), 69 (Bến Thành - Khu công nghiệp Tân Bình), 51 (Bình Hưng Hòa - bến xe miền Đông), 41 (bến xe miền Tây - bến xe An Sương)...khiến giao thông trên đường thường xuyên quá tải, nhất là vào giờ cao điểm. Điều đáng nói là trên những chuyến xe buýt chạy qua đây hầu như không có chuyến xe nào đầy khách. Thậm chí những chuyến xe cuối ngày chỉ lác đác một vài hành khách...
... Nơi không có tuyến nào
Gần tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý - nơi tập trung bốn tuyến xe buýt, đường Tân Sơn Nhì (đoạn từ Trường Chinh đến Gò Dầu), Nguyễn Cửu Đàm, Bờ Bao Tân Thắng (Q.Tân Phú) dù có mặt đường khá rộng nhưng lại không có tuyến xe buýt nào đi qua. Trên những tuyến đường này tập trung nhiều khu dân cư, nhà sách và gần trường đại học nên không thể nói là không có người đi xe buýt.
Khảo sát tại khu dân cư trên đường Tân Sơn Nhì, chúng tôi thấy nhiều người dân ở đây mong muốn có một tuyến xe buýt chạy qua để tiện việc đi lại. Một số chủ nhà trọ trên đường này cho biết dù họ có phòng giá ưu đãi cho sinh viên nhưng sinh viên không muốn thuê trọ ở đây vì không có tuyến xe buýt nào chạy qua...
Tương tự, nhiều người dân trên đường Tân Sơn (Q.Tân Bình) cho biết nhiều lúc họ muốn đi xe buýt để vào trung tâm thành phố nhưng đi bộ đến trạm xe buýt quá xa nên đành phải đi xe máy.
Một chủ xe buýt của một hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM cho biết kinh doanh xe buýt ai cũng muốn chọn những tuyến đường chính, rộng để đón được nhiều khách và mức tiền trợ giá cũng cao hơn, chứ không ai muốn chui vào các đường nhỏ vì phải chạy chậm và hao dầu hơn. Tuy nhiên, chủ xe này cũng nhìn nhận việc tập trung quá nhiều tuyến xe buýt vào một tuyến đường gây lãng phí tiền trợ giá.
TS Nguyễn Hữu Nguyên(Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM): Duy trì xe buýt để nhận trợ giá? Đặc điểm hoạt động kinh tế của TP.HCM là “kinh tế mặt đường” và “kinh tế vỉa hè”. Tức là các đường phố đều là các cửa hàng kinh doanh, mà cửa hàng kinh doanh thì có nhu cầu trao đổi nên nhu cầu đi lại của người dân rất đa dạng chứ không phải chỉ đi theo tuyến xe buýt. Trong khi đó, hệ thống xe buýt ở TP mới chỉ đáp ứng được trên các tuyến đường lớn. Thậm chí tại một số tuyến đường tập trung quá nhiều xe buýt dẫn đến thừa thãi. Trong một đề tài nghiên cứu và trên các mặt báo không thiếu những hình ảnh xe buýt đi hàng hai, hàng ba chen hết đường của các phương tiện khác. Có những lúc nhiều xe buýt nối đuôi nhau trên đường và trên xe chưa đến chục khách, trong khi xe có trên 50 ghế. Như vậy tạo sự lãng phí rất lớn và tạo ra nghịch lý: đưa xe buýt vào hoạt động để người dân đi xe buýt nhằm hạn chế nạn kẹt xe nhưng chính xe buýt lại gây ùn tắc giao thông. Thế thì tại sao người ta vẫn duy trì một hệ thống, mạng lưới xe buýt như thế này? Phải chăng là do trợ giá? Người ta chỉ cần duy trì đủ tuyến và đủ chuyến để nhận trợ giá, không quan tâm đến lượng khách trên xe? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận