Ông Đặng Ngọc Tùng - Ảnh: V.Dũng |
Hiện mức chênh lệch giữa phương án đề xuất tăng lương của đại diện người lao động (NLĐ) và giới chủ sử dụng lao động vẫn còn rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, phân tích:
- Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn và Ban Chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng vừa công bố, hiện lương tối thiểu mới đủ đảm bảo 74-75% mức sống tối thiểu. Tức còn thiếu 25-26% nữa so với mục tiêu đến năm 2017, lương tối thiểu phải đủ mức sống tối thiểu của NLĐ tùy theo từng vùng. Nếu lấy con số này chia đều cho hai năm thì mỗi năm cần phải tăng 12-13%. Chỉ số giá (CPI) hiện khoảng 5,6%/năm nên ít nhất tăng lương cũng phải bù lại CPI. Như vậy, nếu cộng hai tỉ lệ đó lại, tỉ lệ tăng lương tối thiểu của năm 2016 khoảng 17,6-18,5%.
Chúng tôi bàn đi bàn lại, cân nhắc rất nhiều và mong được sự đồng thuận của giới chủ doanh nghiệp. Cho nên để dung hòa với mục tiêu tiến tới lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ, chúng tôi sẽ chọn phương án đề nghị lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 17% để đưa ra Hội đồng tiền lương quốc gia. Tức là gút lại từ ba phương án chỉ còn một phương án đề nghị tăng khoảng 17%.
Nhiều công nhân hiện phải tăng ca mới đủ chi phí để trang trải mức sống tối thiểu. Trong ảnh: công nhân rút tiền tại KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
* Khi đề xuất mức tăng này, Tổng liên đoàn Lao động VN đã tính toán đến ý kiến của các chủ sử dụng lao động? Bởi họ cho rằng chỉ cần tăng lương tối thiểu vùng trên 10% là đã vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp?
- Tôi xin hỏi mức lương tối thiểu hiện nay đã đạt được mức sống tối thiểu theo quy định chưa? Câu trả lời rõ ràng là chưa. Kết quả khảo sát mới nhất của Tổng liên đoàn Lao động VN cho thấy lương tối thiểu vùng hiện nay mới đạt 74% mức sống tối thiểu. Vậy bao giờ mới thực hiện được quy định của luật đã ban hành và có hiệu lực, và đến khi nào mới thực hiện chủ trương của Đảng “lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ”? Phải có kế hoạch, có lộ trình rõ ràng từ năm 2016 phải điều chỉnh tăng lên bao nhiêu để đạt chủ trương lương tối thiểu đủ mức sống tối thiểu.
Mức sống tối thiểu do chúng tôi khảo sát thực tế đâu có gì ghê gớm, đó là thực tế xã hội, phản ánh đúng cuộc sống của NLĐ hiện nay. Theo đó, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình năm 2016 đối với vùng 1 là 4,2 triệu, vùng 2 là 3,63 triệu, vùng 3 là 3,15 triệu và vùng 4 chỉ có 2,9 triệu đồng.
Con số mà bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia tính ra cũng chỉ chênh với khảo sát của chúng tôi rất ít, khoảng 100.000 đồng. Còn giữa kết quả tính toán mức sống tối thiểu của chúng tôi và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) có chênh lệch lớn hơn là do VCCI cho rằng hệ số nuôi con chỉ bằng 0,5% của người lớn, còn chúng tôi áp dụng mức thực tế cuộc sống là 0,7.
* Một căn cứ quan trọng nhất để phía chủ sử dụng lao động đề xuất tỉ lệ tăng lương tối thiểu vùng thấp hơn của Tổng liên đoàn Lao động VN là nguồn lực thực tế của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm ăn không có lãi... thưa ông?
- Nếu tăng lương tối thiểu vùng ở mức 10-11%, trừ đi 5,6% CPI thì tức là năm 2016, lương tối thiểu vùng thực tế chỉ tăng thêm 4,4-5,4%. So với tỉ lệ để đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình còn cần hơn 20% nữa. Khoảng cách lớn như vậy đến năm 2017 có giải quyết được một lần không để đạt mục tiêu trong chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực hiện đúng Luật lao động là lương tối thiểu đủ cho mức sống tối thiểu? Tôi cho là không thể vì năm nay chỉ tăng được 4-5%, năm sau khó có thể đột biến tăng thêm 20%.
Đã từng có ý kiến của một thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng lương của NLĐ thấp là do tổ chức công đoàn đấu tranh kém, không yêu cầu được chủ sử dụng lao động tăng lương cho NLĐ.
Tôi thấy đấu tranh với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia để tăng lương tối thiểu cho đúng với thực tế là vấn đề cụ thể đã được quy định rõ ràng trong luật mà còn khó thế này thì đấu tranh tăng lương ở doanh nghiệp còn khó đến đâu? Nếu không giải quyết được mức lương tối thiểu hợp lý làm căn cứ, lương của NLĐ trong từng doanh nghiệp cụ thể càng khó được cải thiện hơn.
* Nhiều ý kiến cho rằng tăng lương để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ nhưng cần đặt trong điều kiện kinh tế, xã hội từng thời điểm, năng lực của doanh nghiệp. Bởi tăng lương quá sức chi trả dẫn đến doanh nghiệp không có lãi, phải thu hẹp sản xuất... chính NLĐ cũng bị ảnh hưởng?
- Các chủ doanh nghiệp thường nói coi NLĐ là vốn quý nhất của doanh nghiệp. Nếu thật sự quan niệm như vậy, phải chăm lo cho vốn quý này. Chúng tôi ghi nhận trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã làm được điều này và kết quả cho thấy doanh nghiệp đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.
Một doanh nghiệp để có hiệu quả kinh doanh tốt hơn, tăng năng suất, có lãi không nên tìm cách cắt giảm lương thưởng của NLĐ, mà phải tìm cách cải tiến quản lý hiệu quả hơn, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm các chi phí phát sinh... để có nguồn tăng thu nhập cho NLĐ.
Thu nhập và cách đối xử nhân văn vẫn là yếu tố quan trọng nhất để giữ NLĐ gắn bó với doanh nghiệp. Tăng lương cho NLĐ, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho họ chính là cách để thu hút, gắn kết NLĐ với doanh nghiệp lâu dài, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, chính là đầu tư chiều sâu cho doanh nghiệp.
Đáng lẽ phải áp dụng điều 91 của Luật lao động - lương tối thiểu đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ - từ tháng 7-2013, nhưng chúng ta đã lùi đến năm 2015 vẫn chưa đạt và bây giờ đặt mục tiêu năm 2017. Tuy nhiên, với tỉ lệ thấp mà VCCI đề xuất NLĐ sẽ tiếp tục “ăn bánh vẽ” và đến bao giờ lương tối thiểu mới đáp ứng mức sống tối thiểu.
Trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp bóc lột NLĐ rất tinh vi. Chia nhỏ thu nhập của NLĐ ra thành nhiều khoản ngoài lương thay vì trả gọn trong lương. Mục đích là để tìm cách giảm đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, cắt xén, khấu trừ khoản phải trả cho NLĐ. Theo khảo sát của chúng tôi, lương chỉ chiếm 75-80% thu nhập của NLĐ, hầu hết công nhân bây giờ phải làm tăng giờ mới đủ sống.
Hiện nay chúng ta đã thực hiện chậm Luật lao động. Tôi mong muốn các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đặt mình vào vị trí NLĐ, xem với mức lương tối thiểu và thu nhập thực tế họ nhận được đã cho họ đủ sống chưa, sống ở mức như thế nào? Quyết như thế nào cho sát với thực tế xã hội, tôi mong các vị trong Hội đồng tiền lương quốc gia cần thực tế với cuộc sống xã hội hơn.
* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI):
Phải dựa trên lợi ích chung Phương án tăng lương tối thiểu mà Liên đoàn Lao động VN đề ra là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN hiện nay. Vì việc giải quyết tiền lương phải đặt trong lợi ích tổng thể của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh, khả năng giải quyết việc làm của nền kinh tế VN chứ không chỉ vấn đề lương tối thiểu. Vấn đề lương tối thiểu phải góp phần thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Nếu tiền lương tối thiểu tăng lên không hợp lý sẽ thu hẹp sản xuất, giảm năng lực sản xuất và không tạo được thêm việc làm mới. Thậm chí đẩy người lao động hiện nay đang có việc làm ra đường. Điều đó sẽ là vấn đề rất lớn. Chắc chắn vấn đề tăng lương tối thiểu không thể không dựa trên cơ sở bù đủ mức trượt giá đồng thời dựa trên năng suất lao động. Mức trượt giá của nền kinh tế VN năm nay dự báo tăng khoảng 2%. Năng suất lao động tăng 3-3,5%. Do đó chúng ta tăng lương tối thiểu thêm một vài phần trăm nữa ở mức phù hợp để rút ngắn giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Nếu tăng lương tối thiểu năm sau lên 16% so với mức năm 2015 thì doanh nghiệp khó chịu đựng nổi. Đó sẽ là gánh nặng, một cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế để giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng, thu ngân sách trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Cho nên, việc tăng lương tối thiểu dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế chứ không phải là ý muốn chủ quan từ phía nào đó. |
Muốn đủ sống phải tăng ca
Theo ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, hiện mức lương tối thiểu nói chung chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% mức sống tối thiểu của người lao động. Nghệ An là khu vực 4 nên càng thấp hơn, việc tăng lương sẽ đáp ứng mức sống của người lao động, đồng thời khuyến khích sức làm việc, tăng năng suất công việc của người lao động. “Lộ trình đến năm 2017 là phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, vì vậy việc tăng từ 16-17% là hợp lý” - ông Tuấn nói. Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An vừa khảo sát đời sống của các công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn cho thấy đời sống của họ rất khó khăn với đồng lương hiện tại. Mức lương trung bình chỉ hơn 3 triệu đồng/người/tháng, do đó nhiều người phải tăng ca thêm từ 10-12 tiếng/ngày. Công nhân trẻ chưa lập gia đình đều ở ghép với nhau trong phòng trọ chật hẹp chỉ 9-10m2, có bữa cơm chỉ có hai quả trứng, cá trích kho... để tiết kiệm chi phí. Còn tại TP.HCM, ghi nhận ý kiến từ nhiều công nhân cho thấy việc tăng lương đang trở thành câu chuyện cấp bách. Anh Trịnh Việt Hưng - công nhân tại Khu công nghiệp Bình Chiểu (TP.HCM) - tâm sự lương tối thiểu TP.HCM hiện nay là 3,1 triệu đồng nhưng tại công ty anh lương công nhân mới vào đã là 3.560.000 đồng. Làm công nhân 10 năm nên lương của anh Hưng hiện khoảng 4,5 triệu đồng. “Tôi hỏi có công nhân nào sống được với lương mà không tăng ca? Tăng tuần 3 buổi, mỗi buổi 4 tiếng để có thêm 2-3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khoản thu nhập trên cũng không đủ cho nhiều khoản chi của gia đình hai vợ chồng với đứa con nhỏ. Tháng nào cũng phải vay mượn thêm chút đỉnh rồi tháng sau đắp vào” - anh Hưng cho hay. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thảo (40 tuổi), công nhân một công ty may tại Gò Vấp, cho rằng lương quá thấp nên dù làm nhiều năm nay cũng không đủ tích lũy để mua nổi chiếc xe máy. Từ ngoài quê Bình Định vào làm công nhân may, chị Thảo mỗi tháng phải chi gần 2 triệu đồng tiền trọ, gần đây chủ nhà tiếp tục tăng thêm 100.000 đồng khiến chị càng khó khăn. “Lương cơ bản ở công ty tôi là 4 triệu đồng/tháng chứ không phải 3,1 triệu đồng như mức lương tối thiểu hiện nay, nhưng để có khoản chi tối thiểu hằng tháng buộc tôi phải tăng ca 5 tiếng/ngày” - chị Thảo nói. Ở góc độ công đoàn, anh Nguyễn Văn Bưởi - phụ trách công đoàn một công ty may thuộc Khu chế xuất Tân Thuận - cho hay công ty anh làm việc có khoảng 3.000 công nhân, lương cơ bản 3,5 triệu đồng, tăng ca thì thu nhập 6-7 triệu đồng. Thế nhưng mức thu nhập trên ở TP.HCM chỉ đủ những chi tiêu tối thiểu, đời sống hết sức khó khăn. “Chuyện công nhân nữ làm việc mà tụt đường huyết, hạ canxi, ngất xỉu tỉnh dậy lại tiếp tục làm việc là chuyện thường ở xưởng. Hỏi tăng lương bao nhiêu mới đủ sống thì cứ nhìn vào thu nhập thực tế sau khi công nhân đã vắt kiệt sức để tăng ca là biết” - anh Bưởi nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận