20/06/2023 10:44 GMT+7

Lương hưu nông dân - hiện thực và đợi mong: Tiếc một quỹ hưu nông dân lớn

"Lương hưu tan rã mấy năm trước rồi còn đâu, nếu còn thì nay chúng tôi đã được nhờ. Tuổi già mà có chút đồng ra đồng vào thì đỡ lắm, nếu quỹ hưu hoạt động trở lại người dân sẽ hưởng ứng đóng tiếp để được nhận lương".

Thanh Văn giờ đã đổi thay, phát triển - Ảnh: TÂM LÊ

Thanh Văn giờ đã đổi thay, phát triển - Ảnh: TÂM LÊ

Bà Nguyễn Thị Hòa, 65 tuổi, chia sẻ nỗi lòng về lương hưu nông dân xã mình. Tâm tư này cũng là của nhiều người dân quê bốn thôn Bạch Nao, Úc Lý, Quan Nhân, Tam Đa (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mà chúng tôi gặp. Ai cũng mong quỹ lương hưu của người tay lấm chân bùn hoạt động trở lại.

Sở dĩ bà con tham gia đóng quỹ lương hưu đông vì thấy lợi ích thực cho mình, còn không ra gì thì có ép cũng không được.

Bà Tô Minh Thùy

Từng là những ngày vui

Dựng xe đạp nghỉ mát dưới gốc đa đình làng, những nông dân này đi làm đồng về sau buổi gieo mạ sáng nay. Nhắc quỹ lương hưu nông dân, ai nấy thi nhau kể những năm đóng quỹ chờ ngày hưu.

Bà Hòa, bà Thùy, bà Lan đều khẳng định: "Chúng tôi nông dân về già có đồng lương nào đâu, chỉ trông vào mấy sào ruộng thôi. Ngày đó ai cũng thi nhau đóng quỹ, trẻ cũng đóng.

Ai không đủ tiền thì vay đóng, phải đến một nửa số người vay. Nếu lương hưu còn thì năm nay chúng tôi đều nhận được lương, ai cũng 59 - 65 tuổi cả rồi".

Cụ Phạm Thị Sơ, thôn Úc Lý, nay đã 96 tuổi, vẫn minh mẫn. Hỏi khoản lương hưu, cụ cười móm mém: "Ngày đó một tháng tôi nhận những hai lần lương đấy, nhiều quá, chỉ cần một khoản thôi là đủ".

Hai lần lương cụ Sơ nhận là lương người cao tuổi và lương nông dân. Tính riêng lương nông dân, cụ đã nhận 23 triệu đồng.

Ngày 19-4-2011, quỹ lương hưu nông dân xã Thanh Văn chính thức thành lập sau gần 10 năm thử thách.

"Đó là tâm huyết nhiều năm của chúng tôi, mong muốn người nông dân có đồng lương hưu để an hưởng tuổi già", ông Quang Văn Thỉnh, cựu bí thư xã và là "cha đẻ" quỹ hưu, bày tỏ.

Quỹ hưu được người dân đóng và các thôn đóng thêm bằng tiền thanh lý đất xen kẹt, bỏ hoang. Với hai hình thức đóng quỹ, mỗi thành viên đóng 20.000 đồng/tháng, đóng trong 20 năm, hoặc đóng một lần 4,8 triệu đồng. Ai không đủ tiền đóng có thể vay quỹ tín dụng xã.

Tiền quỹ hưu được gửi vào ngân hàng, lấy lãi chi lương cho bà con. Cứ 60 tuổi, thành viên tham gia bắt đầu nhận lương hưu. Ban đầu số tiền mỗi người nhận là 100.000 đồng/tháng, sau lên 350.000 đồng, mức cao nhất là 400.000 đồng/tháng.

Ai chưa đến tuổi hưu thì được nhận lãi, bằng phần quà trị giá 500.000 đồng. Số tiền không bằng nhiều lương hưu khác nhưng quý lắm với nông dân không có đồng lương hưu nào khi tuổi già.

Năm 2014, số thành viên tham gia quỹ đã hơn 1.000 người, cả già lẫn trẻ. Trong đó, 700 người đến tuổi được hưởng lương hưu. Tổng quỹ hưu lúc cao nhất gần 50 tỉ đồng, Thanh Văn giữ kỷ lục cả nước về quỹ lương hưu nông dân.

Sau một năm hoạt động, quỹ đã có điều lệ riêng. Đại hội bầu giám đốc, ban kiểm soát, hội đồng quản trị quỹ. Ông Thỉnh được bầu chủ tịch danh dự. Ông nhớ: "Ban quỹ hưu làm rất nghiêm túc. Số tiền quỹ rất lớn nhưng 5 năm hoạt động vẫn suôn sẻ".

Cứ vào giáp Tết dương lịch hằng năm, bà con nông dân Thanh Văn vui vẻ mang sổ đi lĩnh lương hưu. Trong không khí đầu năm mới, ông Thỉnh và ban quỹ hưu lại hô vang lời thề trước bà con: "Chúng tôi xin thề, ai đụng đến quỹ hưu nông dân một cách bất chính, dù chỉ một đồng thì trời tru đất diệt".

Trong ngày vui ấy, cán bộ và người dân mổ lợn ăn mừng, mỗi gia đình được chia phần thịt. Người dân Thanh Văn gọi đây là cái Tết thứ hai của quê mình.

Ông Quang Văn Thỉnh “cha đẻ” quỹ lương hưu nông dân Thanh Văn - Ảnh: TÂM LÊ

Ông Quang Văn Thỉnh “cha đẻ” quỹ lương hưu nông dân Thanh Văn - Ảnh: TÂM LÊ

Mong hoạt động trở lại

Khi nhắc đến lương hưu nông dân bây giờ, ông Thỉnh buồn rầu: "Làm sao mà không buồn được.

Đó là tâm huyết rất nhiều năm của tôi và lãnh đạo thôn, bà con trông đợi chúng tôi lắm. Tôi mong muốn mỗi tháng bà con được lĩnh 1 triệu đồng/người chứ không phải 400.000 đồng. Nếu quỹ hưu còn, điều này không khó để thành hiện thực".

Năm 2015, ông Thỉnh nghỉ hưu. Trước khi nghỉ, ông bàn giao công việc quản lý quỹ hưu cho bà Tô Minh Thùy, một người dân có uy tín ở thôn Úc Lý. Ông chỉ làm cố vấn để quỹ hoạt động tốt, minh bạch giúp bà con nông dân được lợi.

Tuy nhiên, cuối năm 2016 đầu 2017, huyện Thanh Oai trong đợt thanh tra kiểm tra về quản lý sử dụng đất ở xã Thanh Văn đã kết luận về việc xã bán đất trái thẩm quyền.

Sau khi thu hồi toàn bộ tiền quỹ hưu nông dân, tiền bà con đóng đã được trả lại, còn khoảng 33 tỉ đồng vẫn nằm im ở huyện tới nay chưa được giải quyết.

Theo ông Thỉnh, trong kết luận 759 của Thường vụ Thành ủy Hà Nội sau khi về Thanh Văn khảo sát đã nhận định: "Quỹ nông dân có lợi cho bà con, đề nghị UBND huyện và xã Thanh Văn có giải pháp để giải quyết quỹ này. Nghĩa là tìm giải pháp để quỹ tiếp tục hoạt động".

Tại chợ Bồ Nâu, bà Tô Minh Thùy nhắc về quỹ lương hưu nông dân mà mắt ngấn lệ: "Sở dĩ bà con tham gia đóng quỹ lương hưu đông vì thấy lợi ích thực cho mình, còn không ra gì thì có ép cũng không được. Tôi mong các cấp xem xét giải quyết để quỹ hoạt động trở lại như trông đợi của bà con nông dân".

Thanh Văn từ vùng đất chiêm trũng, khó khăn, trở thành một xã có nhiều nhà cao tầng. Đường làng bê tông ra tận cánh đồng, có đặc sản gạo Bồ Nâu thơm ngon nức tiếng.

Nhưng Thanh Văn cũng nổi tiếng với cách làm hiếm nơi nào có, người ta gọi là "xé rào" trong xây dựng nông thôn mới và quỹ hưu nông dân.

Tâm sự với chúng tôi, nhiều nông dân đều trải lòng quỹ lương hưu nông dân là mong mỏi chính đáng của những người tay lấm chân bùn, ráo mồ hôi là hết tiền, về già sẽ khó khăn vì không có đồng lương hưu ổn định nào như nhiều ngành nghề khác.

Việc nông dân tự nguyện đóng quỹ hưu chính là tuổi trẻ lo cho tuổi già sau này. Nhưng việc làm tự phát ban đầu theo chủ quan có thể bị trục trặc, chưa hoàn toàn đúng các quy định.

Bà con mong được khắc phục để mô hình có ý nghĩa này tiếp tục hoạt động, phát triển hiệu quả hơn để người nông dân thêm yên tâm tuổi già.

Bà Nguyễn Thị Hòa, ở thôn Bạch Nao, nhớ lại: "Ông nhà tôi vay tiền đóng cả hai vợ chồng là 8 triệu đồng, đến năm chuẩn bị hưởng lương thì quỹ tan, tôi chỉ đi du lịch của quỹ một lần. May là quỹ tan nhưng ai cũng nhận lại tiền gốc rồi, không thiếu đồng nào.

Ngày đó, các cụ nhận lương vui lắm. Tôi nhớ bà cụ hàng xóm bảo từ nay chẳng phải nhờ vả, xin xỏ con dâu tiền quà bánh, đám cưới, đám giỗ".

Ngôi làng nông dân ai cũng được lãnh lương hưuNgôi làng nông dân ai cũng được lãnh lương hưu

Khoảng hơn 20 năm trước, nhiều nơi đã họp dân tự xây dựng quỹ lương hưu với mục đích tốt đẹp để người tay lấm chân bùn cũng có đồng lương an sinh tuổi già...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp