Đạt tự làm đồ chơi để gắn với câu chuyện mà trẻ tự kỷ yêu thích, tạo cảm hứng và phấn khích cho trẻ - Ảnh: Hữu Khoa |
Ban đầu, từ việc giận biệt danh Đạt “tự kỷ”, Đạt cảm thấy một luồng gió mới đã thay đổi hướng đi đời mình từ chính biệt danh ấy.
“Tôi đang sống cùng hạnh phúc của người khác!”, Đạt nói.
“Hôm nay các thầy cô dành cả một ngày để nói về tình nguyện viên, tầm quan trọng của họ trong tổng thể chương trình can thiệp tại nhà này. Điều này khiến nó không thể tránh khỏi có một chút phấn khích và tự hào nhẹ! Kêu gọi, tuyển chọn, đào tạo và tạo cảm hứng đội nhóm tình nguyện. Nó đang thật sự rất háo hức để có thể trở về VN, truyền đạt lại những kiến thức đó cho mọi người”. |
Trích từ blog của Lê Tấn Đạt |
Duyên lành
Khi đang học năm thứ 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Lê Tấn Đạt nhận dịch tài liệu về phương pháp dạy trẻ tự kỷ mới cho một gia đình có con tự kỷ tại TP.HCM.
Để có thể hiểu thêm về tài liệu, Đạt thường qua lại trò chuyện với hai bé tự kỷ của gia đình nhờ Đạt dịch tài liệu.
Đó cũng là lúc Đạt cảm nhận được sự khác biệt của phương pháp mới về cách dạy trẻ tự kỷ tại nhà. Dịch tài liệu xong, Đạt xin vào nhóm tình nguyện viên dạy trẻ tự kỷ tại nhà của một nhóm phụ huynh có con tự kỷ ở TP.HCM. Từ đó đến nay, “luồng gió mới” từ công việc làm thêm đã thay đổi định hướng tương lai.
Tháng 9 vừa qua, Đạt có chuyến học tập ngắn ngày ở Mỹ về “Phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ tại nhà Son - rise”.
Chuyến đi như một sự khởi đầu mới cho những ấp ủ trong tương lai của Đạt “tự kỷ”. “Cách đây chừng một năm, khi tôi nói tôi làm tình nguyện viên đến giúp đỡ các trẻ em tự kỷ, bạn bè trêu ghẹo tôi với cái tên là Đạt “tự kỷ”.
Lúc đó tôi giận lắm. Giận không phải bởi cái tên mà bởi thấy người khác không hiểu gì về tự kỷ, rồi lại lấy điều này ra trêu chọc lung tung, thiếu tôn trọng”, Đạt nhớ lại.
“Sau dần lại thôi, bởi có trách thì trách mình không làm cho người khác hiểu, người ta tôn trọng mà thôi... Dần dà, tôi cứ im lặng và thực hiện sứ mạng kết nối của mình.
Ăn cũng nghĩ về tự kỷ, ngủ cũng nghĩ về tự kỷ, chơi cũng nghĩ ra đồ chơi cho các bé... Đến bây giờ ngẫm lại, tự nhiên thấy cái tên Đạt “tự kỷ” này hợp với mình thật”, Đạt bộc bạch.
Từ việc giúp đỡ nhiều bậc cha mẹ trong việc “chăm” trẻ tự kỷ, Đạt nói tự cảm nhận được hạnh phúc của trẻ, của cha mẹ các bé trước tiến bộ của con.
Và điều đó thành động lực để Đạt tiếp tục đam mê của mình hoàn toàn trái ngành học ngân hàng trước đó. “Tôi đang sống cùng hạnh phúc của người khác!”, Đạt chia sẻ.
Sứ mệnh kết nối
Chỉ sau một năm làm tình nguyện viên cho Hội phụ huynh có trẻ tự kỷ tại TP.HCM, Đạt chính thức bắt tay khởi động dự án cá nhân từ “Son - rise”, một phương pháp dạy trẻ tự kỷ mới ở Mỹ.
Phương pháp này hướng dẫn phụ huynh thay đổi mối quan hệ với trẻ tự kỷ, giúp phụ huynh có cách dạy con tự kỷ tại nhà.
“Tôi và rất nhiều người thường ấn tượng với trẻ tự kỷ vì đôi mắt vô hồn. Nó ám ảnh tôi đến mức khó ngủ trong những ngày đầu tham gia tình nguyện viên”, chàng trai 22 tuổi nhớ lại.
Cha mẹ Đạt ban đầu còn xem việc Đạt làm như “trò trẻ con vớ vẩn”, vì muốn cậu con trai ngoan tập trung vào ngành học để ra trường có công việc ổn định.
Nhưng đó không phải là áp lực đầu đời của chàng sinh viên sắp ra trường. Làm sao để mở rộng mạng lưới tình nguyện viên, phát triển công việc hiện tại thành một dự án lâu dài, trở thành CEO (quản trị) một chương trình lớn đang thịnh hành ở nước ngoài nhưng còn quá xa lạ với VN... mới là những trăn trở của Đạt khi đó.
Lúc mới tiếp cận phương pháp này, Đạt vùi đầu không chỉ phiên dịch mà còn học, cảm nhận và thực hiện qua hoạt động tình nguyện tại một gia đình có bé tự kỷ ở TP.HCM.
Sứ mệnh kết nối của Lê Tấn Đạt bắt đầu khi những tài liệu biên dịch của Đạt gây ấn tượng tốt với các chuyên gia dạy trẻ tự kỷ.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, giám đốc Trung tâm giáo dục trị liệu trẻ tự kỷ Bambini, chia sẻ: “Tôi ấn tượng với tâm huyết của Lê Tấn Đạt, một sinh viên trẻ tuổi muốn làm điều không phải ai cũng làm được: tạo dựng mạng lưới tình nguyện viên mang kỹ năng nuôi dạy trẻ tự kỷ tại nhà đến với các bậc cha mẹ.
Trước đây, đa số phụ huynh có trẻ tự kỷ ở VN còn thiếu kỹ năng dạy, chơi với con tại nhà. Điều này ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trẻ. Vì nếu trẻ được sự nuôi dạy kết hợp từ cha mẹ và nhà trường, tình trạng của bé sẽ cải thiện rất nhiều”.
Đạt đã mở một website chia sẻ kinh nghiệm từ những buổi “học như chơi” với trẻ tự kỷ qua các buổi hoạt động tình nguyện.
Mở website “daycontuky.com” của Đạt, không chỉ bắt gặp những chia sẻ của một tình nguyện viên trẻ mang đầy tự hào về niềm đam mê giúp đỡ trẻ tự kỷ mà còn là những ghi chép chia sẻ về phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ tại nhà cho các bậc phụ huynh có con tự kỷ, những trải nghiệm của riêng Đạt với các bé.
Kế hoạch dài hơi trong tương lai của Đạt là mở một trung tâm đào tạo các tình nguyện viên, đội nhóm chia sẻ kỹ năng can thiệp cho trẻ tự kỷ tại nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận