Hoạt động sản xuất hạn chế trên toàn cầu là nguyên nhân chính giảm lượng khí thải - Ảnh: GETTY IMAGES
Thông tin lạc quan trên là kết quả của công trình nghiên cứu đầu tiên về khí thải toàn cầu trong năm 2020 của nhóm các nhà khoa học Mỹ, Anh, Úc và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về khí hậu và môi trường (CICERO).
Theo trang Independent, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích khí thải CO2 hằng ngày tại 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc,...
Nhóm tập trung vào 6 nhóm hoạt động kinh tế thường thải lượng CO2 lớn ra môi trường, ghi nhận thêm lượng điện và năng lượng tiêu thụ để tính toán khí thải phát sinh trong sản xuất và sinh hoạt.
Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng khí thải CO2 hằng ngày trên toàn cầu trung bình 83 triệu tấn. Con số này giảm đáng kể so với năm 2019, trung bình khoảng 100 triệu tấn mỗi ngày, đồng thời cũng là thấp nhất kể từ năm 2006.
Không ít quốc gia còn giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh, từ 26 đến 60%, nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế sản xuất trong thời gian chống dịch COVID-19.
So sánh giữa các khu vực, Trung Quốc là nơi giảm khí thải mạnh nhất, tiếp đến là Mỹ, châu Âu rồi Ấn Độ. Lượng khí thải giảm ở 4 khu vực này tương đương 2/3 lượng CO2 toàn cầu.
"Hạn chế tiếp xúc xã hội tạo thay đổi lớn về năng lượng và khí thải CO2 trên thế giới", TS Corinne Le Quéré - Đại học East Anglia (Anh), trưởng nhóm - cho biết.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí về môi trường uy tín Nature Climate Change.
Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành hàng không giảm đến 75% lượng khí thải trong những ngày ngưng hoạt động vì đại dịch COVID-19. Giao thông, vận tải đường bộ giảm đến 50% lượng CO2.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, lượng khí thải trung bình sẽ giảm 4% trong năm nay nếu thế giới trở lại hoạt động sản xuất bình thường từ tháng 6.
Ngoài ra, lượng CO2 giảm 7% nếu đa số các nước vẫn duy trì tình trạng giãn cách xã hội đến hết năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận