Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo tinh thần nghị quyết số 54 - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 30-7, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo tinh thần nghị quyết số 54.
Tại hội thảo, TS Ngô Võ Kế Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM - cho biết 5 năm qua, trung tâm này thu hút được 4 chuyên gia đến làm việc. Trong đó, có chuyên gia Nhật Bản từng là giám đốc tại Hãng xe Toyota.
Mức lương ban đầu của chuyên gia này được duyệt ở mức cao nhất là 150 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng chuyên gia này qua Việt Nam 10 ngày nên hưởng mức lương 50 triệu/tháng. Qua 3 năm làm việc, chuyên gia này đã góp phần giúp TP.HCM có sự chuyển mình về ngành điện tử, công nghệ IT.
"Chuyên gia này mang đến cho TP công nghệ triển khai hệ thống cảnh báo ngập, giúp xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại nhất cả nước với kinh phí ban đầu là 70 tỉ đồng, không có ông thì rất khó thực hiện được.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng mang về cho TP một dự án hợp tác với Úc, Nhật. Với mức lương 50 triệu, chuyên gia này đã mang về cho TP.HCM nhiều lợi ích to lớn" - TS Ngô Võ Kế Thành nói.
TS Ngô Võ Kế Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng thời gian qua, cơ chế tính lương cho chuyên gia có sự thay đổi. Theo cách tính mới, các chuyên gia nước ngoài chỉ nhận lương ở khoảng 13 triệu đồng/tháng. Với số tiền này thì làm sao thu hút được chuyên gia có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cơ chế khen thưởng cho các chuyên gia cũng có nhiều bất cập.
Theo đó, ông Thành kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học. Có thể là thực hiện theo cơ chế thị trường để các bên thỏa thuận về chế độ tiền lương. Đồng thời, phải có cơ chế cho các chuyên gia này hưởng lợi ích từ các sản phẩm mà họ nghiên cứu ra, có như thế mới có thể thu hút được.
Về vấn đề thu ngân sách, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing - cho rằng bên cạnh việc xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, TP nên xin để lại một số nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo ông Đạt, trước mắt TP nên đề nghị được thí điểm đánh thuế tài sản nhà đất cùng một số loại thuế khác… Việc này sẽ đem lại nguồn thu rất lớn cho TP.HCM để cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng
Bên cạnh đó, ông Đạt đề nghị TP xin thí điểm thực hiện dịch vụ liên quan đến cá cược, casino. "Khi Phú Quốc thí điểm việc này thì tỉ lệ thu rất lớn. TP.HCM có vị thế địa lý quan trọng, khách du lịch đến TP nhiều, rất phù hợp để thực hiện" - ông Đạt nói.
Đã là đặc thù thì không nên đặt nặng việc thanh tra, kiểm tra
Tại hội thảo, ông Hồ Nam - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM - cho biết hiện nay dù có cơ chế chính sách đặc thù nhưng quy trình thực hiện còn quá lòng vòng, phức tạp. Chính việc này khiến TP đánh mất nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM bị vướng các quy định pháp luật khiến việc thực hiện bị hạn chế. Ông cho rằng đã là cơ chế chính sách đặc thù thì không nên đặt nặng vấn đề thanh tra, kiểm tra, ở một số vấn đề xem xét không nên hình sự hóa. Tuy nhiên, phải nâng cao việc giải trình, công khai, minh bạch, tổng kết từ thực tiễn và nâng cao vai trò giám sát của người dân và chuyên gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận