Mục tiêu tiết kiệm sẽ càng khó hơn nếu sống tại Hà Hội hay TP.HCM, hai nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước, theo Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian SCOLI năm 2023 của Tổng cục Thống kê.
Tập tiết kiệm, ít giao lưu, xưa 10 bạn nay còn 3
Câu chuyện cô nhân viên văn phòng 24 tuổi Hoàng Minh Châu tại TP.HCM dành dụm mỗi tháng 3 triệu để mua vàng, gửi tiết kiệm khi lương chỉ 10 triệu đồng/tháng vẫn còn được bàn tán khá rôm rả.
Thực ra, lương 10 triệu mà đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 2 - 3 triệu dù đang sống ở TP.HCM hiện vẫn có nhiều bạn trẻ áp dụng.
Khánh Huyền (22 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ đang là nhân viên truyền thông, cũng có mức lương chừng 10 triệu/tháng, đặt mục tiêu phải để dành ít nhất 2,5 triệu đồng/tháng.
Việc khó nhất Huyền phải rèn là giảm, thậm chí cắt luôn cà phê, trà sữa. Khó nhưng Huyền vẫn làm được.
"Trước đôi khi mình uống cà phê, trà sữa thay cơm, có ngày uống hai ly trà sữa nhưng nay thì không, gần như tháng nay mới đi trà sữa, cà phê 2 lần thôi", Huyền nói.
Từ dạo Huyền giảm đi cà phê, trà sữa, đồng nghiệp, bạn bè cũng ít nói chuyện, giao lưu hẳn. Huyền nhận ra giảm sút rõ rệt tần suất bạn bè trò chuyện, đồng nghiệp rủ rê nếu không muốn nói là hạn chế hay xa lánh. "Trước 10 chắc nay còn 3 bạn nhưng chấp nhận thôi", Huyền nói.
Ăn ít, ăn khổ, đi chợ lúc 21h30
Văn Danh (25 tuổi, quận Tân Phú) nói "rất thấm" câu chuyện hạn chế ăn tiêu, nhậu nhẹt mà bạn bè ít đi. Như Huyền, Danh chấp nhận bởi mục tiêu đường dài.
Nói với Tuổi Trẻ Online, Danh kể thu nhập mỗi tháng khoảng 13 triệu đồng. Nhưng "đều như đóng hụi" vì mùng 5 mỗi tháng phải gửi về quê 3,5 triệu phụ mẹ tiền thuốc thang cho bố nên chỉ còn 9,5 triệu thôi.
Mục tiêu đường dài Danh nói tới chính là tiết kiệm, chuẩn bị chuyện cưới vợ sinh con sau này và báo hiếu cha mẹ. Mỗi tháng, kiểu gì anh cũng phải cất lại 3 triệu ngay khi vừa lãnh lương.
6.5 triệu còn lại, Danh chia ra thành nhiều khoản, nhiều nhất là tiền trả nhà trọ 1,6 triệu đồng. Khoản tiền chợ rất hạn hẹp, chỉ 1,5 triệu đồng cho cả tháng.
Cứ ba hôm sẽ đi chợ một lần vì nhiều món được cửa hàng, siêu thị giảm giá sau 21h, thậm chí phải giảm trên 40% Danh mới mua.
Danh nói tính toán chi li từng bữa ăn, kham khổ hơn là điều tất nhiên nếu muốn tiết kiệm để có dư mỗi tháng. Nhưng thường xuyên ăn rau trong khi công việc khá nặng nên đôi khi anh cũng thấy hụt hơi. "Nhiều hôm thấy đói bủn rủn tay chân", Danh kể.
Trường hợp khác, anh Trọng Nghĩa (35 tuổi, huyện Bình Chánh) gần như chỉ biết đường từ công ty đến nhà và ngược lại. Bởi mục tiêu tiết kiệm 2,5 triệu trong khi lương công nhân chỉ có 7,5 triệu đồng thôi.
Tốn kém nhất là tiền trọ 700.000 đồng. Ăn thì lo bữa sáng và tối, trưa đã có công ty lo. Anh tự nấu, đồ ăn tối nay cũng là bữa sáng của ngày mai.
"Có hôm trời nóng quá, đồ ăn để ngoài hư, ăn xong lên tới công ty chỉ biết ôm bụng chạy, mất luôn ngày công hôm đó", anh Nghĩa tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận