Sẻ chia với người khác sẽ giúp trẻ quý trọng hơn với đồng tiền - Ảnh: NHƯ HÙNG
Dù "chiêu" này được thực thi khá thành công, chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo cần cẩn trọng!
Muốn con có ý chí vươn lên
Chị N.M.G. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đang làm việc ở bộ phận kiểm soát an ninh tại sân bay. Chị có nhà hàng riêng ở Q.3 (TP.HCM), thu nhập khá. Chỉ có một cô con gái nên không đến nỗi áp lực, nhưng chị G. luôn nói "nhà mình nghèo lắm con ơi".
"Tôi cũng là dân gốc rạ, lớn lên trong khó khăn, khổ sở nên mới biết được nhiều giá trị. Tôi có thể đưa con đi học bằng ôtô riêng, cho con học trường quốc tế, ăn mặc sung túc, mọi thứ đủ đầy… nhưng tôi muốn con biết gia đình "nghèo" để con có ý chí vươn lên, rèn luyện bản thân. Con tôi cũng rất ít xin tiền, xin quà hay đòi mẹ bất cứ điều gì" - chị G. chia sẻ.
Để minh chứng cho sự "nghèo" với con, hằng ngày chị G. chạy xe máy cũ, quần áo giản dị, đưa con gái lớp 3 đến trường. Con gái chị cũng xài chiếc cặp từ lớp 1. Tất cả để tạo "môi trường" dạy con.
Không quá khá giả như chị G., nhưng chị Tân (37 tuổi, buôn bán ở Q.3) cũng luôn "kìm kẹp" con với lý do "mẹ không có tiền".
"Riết rồi bây giờ con tôi nó làm gì cũng cân nhắc hơn cả tôi. Thậm chí thi thoảng bạn bè tôi tụ họp, con lo lắng những bữa tiệc của ba mẹ với bạn bè là ai chi trả, đếm ví tiền mẹ mỗi ngày để xem có còn tiền hay không" - chị Tân kể với vẻ hài lòng.
Không nên thái quá
Từ câu chuyện trên, TS tâm lý Bùi Hồng Quân - Học viện Cán bộ TP.HCM - cho rằng có bóng dáng câu chuyện tỉ phú dạy con. Họ chọn cách dạy con bằng cuộc sống thiếu thốn để trẻ trải nghiệm những thiếu hụt vật chất, rồi phải bắt đầu bằng những công việc bình thường để đi đến thành công.
"Dạy con từ cuộc sống thực của gia đình, cho con nhìn thấy những hình ảnh lao động chân tay ngoài đời sống để con quý giá trị công sức, quý trọng đồng tiền là cách giáo dục thực tế để con nhận thức được hoàn cảnh gia đình, muốn tốt thì con phải cố gắng" - ông Quân nói.
Ông cũng cảnh báo: "Giáo dục sự bản lĩnh không có công thức chung nhưng có nguyên tắc là thông qua quá trình khó khăn thử thách. Nhiều lần như thế, bản lĩnh sẽ hình thành. Từ đó sẽ có những câu chuyện giáo dục và phương hướng giáo dục khác nhau.
Nhưng nếu nhà giàu mà phụ huynh giả nghèo và cung cấp thông tin để con nhận diện thì nên tính đến mâu thuẫn trong biểu hiện, có khi sẽ có tác dụng ngược trong giáo dục".
Theo ông Quân, ông bà thường nói nghèo đi liền hèn. Nếu cha mẹ cứ gieo vào đầu con trẻ sự nghèo đói, có thể trẻ sẽ lo sợ, từ đó thay vì nhận thức nghèo cần cố gắng, cần động lực thì trẻ sẽ chuyển sang suy nghĩ tiêu cực, thậm chí xấu tính.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - thành viên Hiệp hội Tâm lý TP.HCM - thì cho rằng cha mẹ lấy cuộc sống nghèo khổ dạy con cần phải trên nền tảng của đạo đức. Những gia đình khó khăn thật sự, có hai xu hướng: không dạy con vì đồng tiền mà dạy cách kiếm tiền bằng mọi giá, học để thoát nghèo; hoặc một bộ phận gia đình dạy trên nền tảng đạo đức, nuôi dưỡng ý chí, cha mẹ khổ cực rồi, cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực trong lúc khó khăn.
Bà Thụy Anh cũng cho rằng không nên giả nghèo thái quá để dạy con, dẫu biết rằng cha mẹ có mục đích tốt. "Làm như thế sẽ tác động tâm lý đứa trẻ, con sẽ sống trong môi trường không an toàn, có em sẽ thảng thốt, có khi dần dần đứa trẻ sẽ bo bo, ki cóp, từ yêu thương trở nên ích kỷ" - bà Thụy Anh phân tích.
Cần linh động
TS Bùi Hồng Quân cho rằng dạy con cần có sự linh động và chú trọng đến tổ chức các hoạt động giáo dục. Ông giải thích thêm: "Cha mẹ cần phải linh động, cho trẻ thử nghiệm thử thách thông qua những hoạt động giáo dục mới thật sự quan trọng, và đó cũng là nguyên tắc dạy con bản lĩnh trong cuộc sống. Cho con trải nghiệm để các con nhận ra rằng cuộc sống này muôn màu đa dạng, để cho trẻ cảm nhận được mình may mắn dù rằng cha mẹ không giàu nhưng vẫn vươn lên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận