Đua ghe truyền thống trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều năm trước khi TP.HCM quyết định cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều người có lẽ cùng suy nghĩ như tôi rằng đó là chuyện không tưởng, khó thành công.
15 năm trước, tôi ở xóm trọ gần chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Hằng ngày đi làm về đều qua cầu Điện Biên Phủ hoặc cầu Thị Nghè, nhìn dòng kênh nước đen thui, bốc mùi tanh hôi không thể chịu được.
Sáng tranh thủ đi bộ thể dục thì thấy người ta vứt rác xuống kênh như thể dòng kênh là nơi "tiêu thụ" rác thải của dân xung quanh. Thậm chí, nhiều người ở nơi khác cũng mướn xe ba gác chở rác tới đổ xuống kênh hoặc "tập kết" ngổn ngang trên bờ.
Nhìn từ Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Thế nhưng, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã dần được cải thiện, hồi sinh. Từ chỗ nước đen ngòm không có con gì sống nổi và mùi hôi thối bốc lên khiến không ai tới gần hoặc ở lâu được, Nhiêu Lộc - Thị Nghè bỗng trở thành điểm nhấn của Sài Gòn đặc biệt là khi nhìn từ trên cao.
Đi dọc đường Trường Sa và Hoàng Sa từ quận 1, Bình Thạnh đến Phú Nhuận, quận 3, rồi Tân Bình... thấy dòng kênh thật sự là cung đường lãng mạn.
Cây xanh và bãi cỏ dọc theo bờ kênh đã biến nơi đây thành công viên dài nhất thành phố, sáng - trưa - chiều - tối đều có người dân dạo mát, tập thể dục, ngồi thư giãn dưới tán cây, nhìn ngắm dòng kênh đã chuyển màu không còn đen ngòm như trước nữa.
Mấy năm gần đây, hoạt động du lịch sông nước đã phát triển hơn, trong đó có câu chuyện phát triển du lịch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Có thể vì sản phẩm du lịch trên kênh này vẫn còn khá đơn điệu và chưa được tiếp thị đầy đủ, cũng có thể dòng kênh vẫn chưa đủ độ sạch và cần thêm thời gian để viết nên câu chuyện kỳ diệu từ những thay đổi của chính mình...
Tuy nhiên, tổng thể thì dự án cải tạo ít nhiều cũng đã tạo nên bước ngoặt cho dòng kênh, mang dấu ấn của sự hồi sinh thật sự.
Tôi cho rằng để du lịch phát triển thì không chỉ có một vài quán cà phê hay một ít chiếc thuyền với đờn ca tài tử biểu diễn hằng đêm, mà cần đa dạng hơn sản phẩm, chẳng hạn tổ chức các khu chợ nổi, trải nghiệm mua sắm trên bến dưới thuyền ở vài đoạn phù hợp chẳng hạn khu vực gần chợ Thị Nghè.
Phát huy nét văn hóa xanh
Bên cạnh giá trị kinh tế thì văn hóa sống xanh từ dòng kênh cũng cần được truyền thông rộng rãi. Có thể thấy một chuỗi các điểm check-in trong tour du lịch sinh thái - văn hóa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như Thảo cầm viên (quận 1), chợ nổi Thị Nghè (nếu xây dựng được).
Tiến dần về phía Phú Nhuận, có thể ghé thăm Quan Âm tu viện, sau đó cập bến cầu Công Lý để vãng cảnh chùa Vĩnh Nghiêm (ngay dưới chân cầu, vốn đã là điểm đến của du khách).
Và gần đó ngay chân cầu Lê Văn Sỹ, bên này là chùa Pháp Hoa, bên kia là chùa Candaransi - một ngôi chùa Khmer nằm trải rộng ở bờ kênh - cũng là nét kiến trúc chùa chiền đặc biệt ở Sài Gòn.
Song song đó có thể nghĩ đến việc mở các nhà hàng chay và mặn phục vụ du khách, giới thiệu ẩm thực đặc trưng của Sài Gòn. Tại đây, có thể xây dựng nên những góc văn hóa nhỏ về Sài Gòn để triển lãm hình ảnh về thành phố, con người với nét hiện đại đan xen truyền thống.
Sở Du lịch TP.HCM có thể phối hợp với các cơ sở tôn giáo kể trên để biến các lễ hội tôn giáo (Phật đản, Vu lan) thành các lễ hội văn hóa mang nét đẹp đạo - đời hòa quyện.
Ở Huế, lễ Phật đản không phải chỉ là sinh hoạt tôn giáo gói gọn trong chùa chiền mà đã thành lễ hội mang sắc màu đặc trưng của cố đô.
Thiết nghĩ Sài Gòn cũng có thể làm được việc này vì sự đồng hành của Phật giáo với dân tộc cũng như tinh thần hòa hợp, dung hòa của người phương Nam vốn luôn cởi mở.
Bên cạnh đó cần tổ chức nhiều buổi nói chuyện, kiến tạo các phong trào giữ dòng kênh thật xanh, góp phần giữ môi trường trong sạch cho mình và tạo cảnh quan đẹp cho thành phố để cho mỗi người dân thấy rõ giá trị của một dòng kênh xanh và họ tự giữ gìn là căn bản nhất.
Thành công từ cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đương nhiên là bài học sống động để những dòng kênh khác ở Sài Gòn "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận