21/03/2018 08:13 GMT+7

Luôn bên cạnh những lúc dân cần

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Căng tai nghe ngóng, tiếp nhận và xử lý nhanh chóng phản ánh của dân 24/24, đến tận giường bệnh làm chứng minh nhân dân cho người bệnh hiểm nghèo. Ở Đà Nẵng có những người như thế!

Luôn bên cạnh những lúc dân cần - Ảnh 1.

Công an quận Ngũ Hành Sơn đến tận giường bệnh làm chứng minh nhân dân cho Toàn - Ảnh: LÊ QUANG

Những việc giản đơn đó đã tạo nên sợi dây liên kết gần gũi, chân tình giữa người dân Đà Nẵng và người làm công tác an ninh.

Trao móc khóa, nhận nguồn tin

"Trước đây có việc liên quan tới an ninh tôi gọi số 113 nhưng gần một năm nay cần phản ánh việc gì tôi chỉ gọi công an phường vì các anh ở gần, lại thông thạo đường nên xuất hiện trong tích tắc" - ông Nguyễn Văn Tính,  trú phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nói rồi chỉ tay vào chiếc móc khóa đặt trên bàn. 

Trên móc khóa kèm theo ba số điện thoại của công an phường, lãnh đạo công an phường và cảnh sát khu vực mà ông Tính được công an phường tặng. Đã ba lần ông báo tin cho công an phường xử lý nạn hút chích, vứt rác bữa bãi tại khu dân cư.

"Tấm giấy chứng minh nhiều lúc rất bình thường nhưng khi ốm đau, bệnh tật hay có biến cố mới thấy sự quan trọng của nó. Anh em chúng tôi cảm thấy vui khi được góp chút sức nhỏ, giúp bà con đỡ vất vả trong lúc hiểm nghèo"

Thiếu tá Nguyễn Hữu Công

Là địa bàn giáp ranh, Hòa Minh có tới 50.000 nhân khẩu với gần 300 tổ dân phố Chỉ việc nhớ tên tổ trưởng cũng đủ làm khó những người làm công tác an ninh bởi ở đây đa số là người mới đến định cư. Nhiều vụ việc người dân phản ánh lên đường dây nóng thành phố, đến lực lượng công an có mặt thì vụ việc đã "trôi" vì thông tin phải chuyển tiếp nhiều kênh. 

Bởi vậy, từ đầu năm 2017, Công an phường Hòa Minh in ấn và phân phát 3.000 móc khóa kèm số điện thoại công an phường tặng cho người dân tại các khu vực phức tạp. 

"Số tiền bỏ ra rất ít nhưng lợi ích thu về rất nhiều. Đó là những nguồn tin quý giá từ người dân về tình hình an ninh trên địa bàn, đó cũng là kênh giao tiếp để người dân có thể hỏi về các thủ tục hộ khẩu, tạm trú cấp phường giải quyết. Đồng thời cũng là kênh tương tác với dân để công an phường nắm được mức độ hài lòng của người dân với công an khu vực" - trung tá Nguyễn Đắc Mười - Trưởng Công an phường Hòa Minh nói.

Theo ông Mười, sau khi tặng những chiếc móc khóa có số điện thoại, sự tương tác với người dân nhiều hơn trông thấy. Hơn 300 cuộc gọi trực tiếp, những dòng tin nhắn phản ánh các vụ việc liên quan đến an ninh. Tất cả đều là những nguồn tin rất quý giá để đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn. 

Nhiều vụ việc công an phường nhận được tin báo của người dân và có mặt kịp thời giải tỏa được những "điểm nóng" phức tạp. Theo trung tá Mười, khi "rao" số điện thoại cá nhân của công an phường, công việc của ông và anh em nặng nề thêm bởi có nhiều cuộc gọi giữa lúc đêm khuya hay khi mưa gió. 

Nhưng nhờ đó mà các vụ việc được giải quyết rốt ráo ngay từ thời điểm "thai nghén", an ninh trên địa bàn trở nên ổn định hơn. Chỉ qua một năm triển khai, riêng công an phường Hòa Minh đã điều tra làm rõ gần 400 vụ việc, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.

Đến giường bệnh làm chứng minh cho dân

Đang là một chàng sinh viên thông minh, khỏe mạnh, La Thanh Toàn (26 tuổi), trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, trở thành người bại liệt khi căn bệnh hiểm nghèo bộc phát. Suốt ba năm nằm trong bệnh viện, chiếc máy thở là mối dây duy nhất giúp níu giữ sự sống cho Toàn. 

Bà Trần Thị Hoa (53 tuổi) - mẹ Toàn, bảo ngày nhập viện chỉ kịp mang theo giấy tờ và một triệu đồng tiền mượn hàng xóm. Không may, kẻ gian trộm ví, mất tiền và cả giấy tờ. Bà Hoa bảo viện phí cho con mỗi ngày trên một triệu đồng, gia đình quá nghèo không bám víu được vào đâu nếu không có chế độ bảo hiểm. 

Hay tin, Công an quận Ngũ Hành Sơn tức tốc cử người đến bệnh viện lăn tay, chụp ảnh, làm thủ tục cấp lại giấy chứng minh cho Toàn được hưởng chế độ bảo hiểm.

Bà Hoa trải lòng rằng nhà có 7 đứa con thì ba đứa mắc bệnh hiểm nghèo. Chồng ảnh hưởng thần kinh sau vụ tai nạn giao thông, mất khả năng lao động. Một tay bà quần quần sớm hôm nuôi heo, bò trang trải cuộc sống gia đình. 

Cả ngày ở bệnh viện chăm con, chiều tối bà Hoa tranh thủ rong xe ra chợ Cồn bới thùng rác tìm những rau lang, rau muống người bán bỏ đi mang về cho heo bò ăn. Mảnh đất bà mượn tạm để chăn nuôi đã được quy hoạch, bà bảo rằng mai này chủ đất đòi lại thì không biết làm gì kiếm sống. 

"Thằng Toàn học giỏi mà biết thương gia đình lắm. Vào học cao đẳng được vài tuần thì Toàn bỗng dưng phát bệnh, đến nay đã nằm tại chỗ ba năm trời không cai máy thở. Lúc các chú công an quận lên làm chứng minh tay em đã co rút hết, lấy dấu vân tay khó khăn lắm. Bây giờ chỉ còn da bọc xương nhưng Toàn vẫn tỉnh táo, chuyện chi cũng biết. Hôm làm chứng minh xong, Toàn tự tay viết thư cảm ơn tấm lòng tận tụy của các anh công an quận" - bà Hoa nói.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Công, phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an quận Ngũ Hành Sơn, bảo rằng những lần chứng kiến người cao tuổi, bệnh tật đến trụ sở làm chứng minh thấy vô cùng cực nhọc. 

"Nhiều người đi xe lăn, có người bệnh nặng phải đi taxi, gia đình bồng bế tới. Tốn kém tiền bạc trong khi đa số là người nghèo khó. Thấy vậy, chúng tôi quyết định đến tận nhà những người có hoàn cảnh khó khăn làm chứng minh nhân dân giúp họ". 

"Đó là những người không đi lại được, già yếu, bệnh tật hoặc hoàn cảnh neo đơn. Đến nay chúng tôi đã làm chứng minh cho hơn 70 người theo cách này" - thiếu tá Công bộc bạch.

​Ra mắt chuyên mục

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.


TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp