24/05/2013 08:06 GMT+7

Lưới điện như... bình pha lê

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - C.V.KÌNH
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - C.V.KÌNH

TT - Đến chiều 23-5, Tập đoàn Điện lực VN vẫn phải khắc phục sự cố mất điện tại 22 tỉnh thành phía Nam. Trong khi đó, sự cố này đã dấy lên sự âu lo về hệ thống điện VN khi chỉ một ngọn cây đã làm “sập mạng” ở cả miền Nam.

oHnfdUlT.jpgPhóng to
Trẻ em khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM hằng ngày vẫn vui chơi dưới đường dây 220kV (Hóc Môn - Bình Tân) - Ảnh: T.T.D.
FiTGmxtJ.jpgPhóng to
Người dân khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM vẫn sinh hoạt dưới đường dây 220kV (Hóc Môn - Bình Tân) - Ảnh: T.T.D.

Ngày 23-5, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết tại thời điểm xảy ra sự cố trên đường dây 500kV, đường dây đang truyền tải công suất cao khiến cả hệ thống điện 500kV Bắc - Nam bị mất liên kết. Điều này làm 15 nhà máy với 43 tổ máy phát điện có tổng công suất 7.300 MW bị tách khỏi hệ thống, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ.

Dù đã khôi phục được toàn bộ việc cấp điện cho miền Nam từ 22g40 ngày 22-5 nhưng đến 16g ngày 23-5, vẫn còn tới 1.100 MW công suất các nguồn phát điện khu vực phía Nam chưa khôi phục được để hòa vào lưới điện quốc gia gồm: tổ máy GT1 Nhà máy điện Phú Mỹ 1, toàn bộ Nhà máy điện Phú Mỹ 3.

Có thể mất điện cả nước

Chỉ một ngọn cây chạm vào dây điện vì sao lại tê liệt hệ thống điện toàn miền Nam, phải chăng hệ thống lưới điện chưa đảm bảo an toàn? Theo một cán bộ điều độ hệ thống điện, trước thời điểm xảy ra sự cố thì điện cung cấp cho khu vực miền Nam ngoài nguồn tại chỗ (các nhà máy điện) còn có nguồn từ miền Bắc truyền tải về qua hệ thống đường dây 500kV. Khi cây xanh va vào đường dây điện, nguồn điện của miền Bắc đưa về miền Nam bị cắt và nguồn điện tại chỗ của miền Nam không đáp ứng nhu cầu sử dụng điện lúc đó, bắt buộc các nhà máy điện phải bật ra khỏi hệ thống truyền tải (rã lưới), nếu không sẽ gây ra sự cố cho các nhà máy điện.

Mất điện ảnh hưởng cả Campuchia

Vụ mất điện ở miền Nam VN hôm 22-5 cũng ảnh hưởng tới một loạt khu vực ở Campuchia, trong đó có cả thủ đô Phnom Penh. Theo Cambodia Daily, ngay sau khi mất điện ở VN, toàn bộ khu vực Phnom Penh cũng bị mất điện.

Một quan chức của Cơ quan Điện lực Campuchia nói: “Chúng tôi chỉ còn khoảng 30% lượng điện thông thường nên chỉ tập trung phân phối cho các khu vực quan trọng của thành phố.”

Cho đến 7 giờ tối, toàn bộ khu vực sát mặt sông nổi tiếng của Phnom Penh vẫn chìm trong bóng tối, nhiều du khách uống bia bên cạnh ánh đèn nến. Phải đến 8 giờ tối, một số khu vực ở trung tâm Phnom Penh mới có điện trở lại.

THANH TUẤN

Đây là nguyên nhân dẫn đến toàn bộ miền Nam bị cúp điện. Cũng chính miền Nam đang nhận điện từ miền Bắc nên sự cố càng dịch xa về các tỉnh phía Bắc, mức độ mất điện càng rộng. “Trường hợp xảy ra sự cố tương tự ở Sơn La, Hòa Bình có khả năng mất điện trên phạm vi cả nước” - vị cán bộ trên nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Bội Khuê, trưởng bộ môn điện - điện tử Trường đại học Bình Dương, phân tích về nguyên tắc hệ thống điện được đầu tư hệ thống mạch vòng. Trên hệ thống cũng được đầu tư các thiết bị bảo vệ, khi nhánh điện nào bị sự cố thì các thiết bị sẽ tự động ngắt, cô lập những nhánh dây đó, những nhánh dây khác vẫn hoạt động. Vì vậy, chỉ một sự cố xảy ra ở Bình Dương nhưng lại gây mất điện toàn miền Nam có gì đó chưa ổn. Việc này chính cơ quan chuyên môn của EVN phải có giải thích rõ ràng và đưa ra các giải pháp hạn chế xảy ra những sự cố tương tự.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc quá phụ thuộc vào đường dây truyền tải 500kV như hiện nay là quá rủi ro. Do đó, cần đầu tư thêm đường dây truyền tải nữa để đường dây này bị sự cố, đường dây khác sẽ hỗ trợ.

Đang làm thêm một đường dây 500kV

Trả lời Tuổi Trẻ về việc đầu tư thêm đường dây 500kV, ông Đặng Hoàng An, phó tổng giám đốc EVN, cho biết hiện VN đã có hai mạch đường dây 500kV để truyền tải điện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam, hiện EVN đang đầu tư một đường dây điện 500kV nữa dẫn điện từ Pleiku về. Như vậy, điện cho khu vực miền Nam tới đây sẽ có ba mạch, tăng khả năng đảm bảo cung ứng điện và tránh những sự cố như đã thấy ngày 22-5. Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An cho biết do gặp một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, vì vậy dự tính đến cuối năm 2013, đường dây 500kV từ Pleiku về mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Về khả năng phải làm một đường dây 500kV nữa từ Bắc vào Nam để đảm bảo an toàn cho lưới điện quốc gia, ông Đặng Hoàng An cho biết trong quy hoạch điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa nêu việc này. Việc xây dựng thêm đường dây từ Bắc vào Nam, ông An cho rằng có thể gặp những trở ngại lớn, trong đó có vấn đề... hành lang an toàn. Cụ thể, do đường dây cao thế phải tuân thủ hành lang an toàn rất nghiêm ngặt, trong khi đó khu vực miền Trung có nơi rất hẹp, chiều rộng chỉ khoảng 50km, đang có dân cư sinh sống. Vì vậy, nếu làm đường dây 500kV nữa sẽ gặp vấn đề không nhỏ về mặt bằng và khả năng đảm bảo cho hành lang an toàn. Tuy nhiên, ông An cho biết EVN sẽ nghiên cứu, nếu cần thiết sẽ đề nghị bổ sung quy hoạch để thực hiện trong thời gian tới.

Một chuyên gia về điện cho rằng việc đầu tư thêm đường dây truyền tải điện như vậy chỉ làm tăng khả năng vận hành lưới điện, chứ không giải quyết được vấn đề nếu có sự cố tương tự xảy ra.

Một quan chức Bộ Công thương nói làm thêm một đường dây 500kV nữa chỉ để dự phòng sự cố là không khả thi, cực kỳ tốn kém.

Giải pháp tối ưu là mỗi khu vực phải phát triển nguồn điện, lưới truyền tải đồng bộ đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Cụ thể các nhà máy điện, đường dây truyền tải ở miền Nam phải đáp ứng cung cấp đủ điện cho miền Nam. Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về vấn đề này, trong đó có phát triển hàng loạt nhà máy điện khu vực phía Nam.

Hành lang an toàn điện mỗi tháng kiểm tra 1 lần

Ông Tô Quốc Trụ, giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng, cho rằng sự cố mất điện này là bài học cần đưa ra để rút kinh nghiệm chung bởi đây thật sự là lần đầu tiên VN bị một sự cố điện nghiêm trọng như vậy. Theo ông Trụ, bên cạnh việc người dân cần phải có ý thức chấp hành quy định về hành lang an toàn, cơ quan quản lý, vận hành đường dây dù đúng là không thể trực trên toàn tuyến 24/24 giờ nhưng cũng cần thường xuyên đi kiểm tra để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm hành lang. Ông Trụ cho rằng những điểm vi phạm và có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn điện của VN không phải ít, vì vậy cơ quan vận hành cần nắm được những đối tượng này. Và những đối tượng hoạt động gần đường dây cần được tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở để giảm khả năng vi phạm, gây sự cố.

Trả lời về thực tế kiểm tra an toàn điện khu vực bị sự cố, ông Trịnh Đình Chính, phó giám đốc Truyền tải điện miền Đông 1 (đơn vị phụ trách quản lý đoạn đường dây trên), cho biết theo quy trình mỗi tháng kiểm tra hành lang an toàn đường dây một lần. Khi phát hiện những khu vực có dân cư sinh sống, trồng trọt có nguy cơ gây ảnh hưởng đến đường dây điện cao thế thì khuyến cáo người dân về hành lang an toàn lưới điện, thậm chí cắm biển cảnh báo, việc này được đơn vị thực hiện thường xuyên. Riêng khu vườn ươm nơi xảy ra sự cố nằm trong khu đô thị mới của Bình Dương, không có dân cư sinh sống nên chưa phát hiện trường hợp vi phạm.

Cũng theo ông Chính, nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang an toàn đường dây 500 kV thì khoảng cách từ đường dây điện cao thế tới mặt đất là 10m, chiều ngang là 7m. Trong phạm vi này được coi là hành lang an toàn lưới điện cao thế, không được xây dựng, trồng cây xanh. Vì vậy, việc trồng cây xanh trong vườn ươm của Becamex cách đường dây điện cao thế 14m không vi phạm hành lang an toàn. Vi phạm là do quá trình vận chuyển cây, tài xế lái xe cẩu đã đưa cây xanh chạm đường dây điện. Vì sao không cắm biển cảnh báo khoảng cách an toàn dọc theo tuyến dây để mọi người thấy? Ông Chính cho rằng đường dây quá dài nên chỉ cắm biển ở một vài khu vực có nguy cơ vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Không có cơ sở để EVN đền bù

Theo một quan chức Bộ Công thương, sự cố mất điện toàn miền Nam chiều 22-5 là sự cố lớn, chắc chắn có ảnh hưởng, gây thiệt hại đến một số doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, quan chức này cho biết muốn tính đến việc đòi EVN đền bù phải căn cứ theo quy định của Luật điện lực. Cụ thể, với điều 27 Luật điện lực về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện có quy định rõ: “Đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trái các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật”. Song cũng trong điều 27, luật quy định: “Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được (...) thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý trong thời hạn 24 giờ và phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại”.

Đối chiếu với sự cố mất điện ngày 22-5, quan chức Bộ Công thương cho rằng trước mắt có thể khẳng định không phải lỗi do EVN, là sự cố bên bán điện không kiểm soát được. Vì vậy, không có cơ sở để buộc EVN phải đền bù.

__________________________

Ông Huỳnh Ngọc Đáng (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Dương):

Phải có phương án dự phòng

Tôi cho rằng đây là một sự cố hết sức đáng tiếc đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bước đầu có thể đánh giá hai vấn đề.

Thứ nhất, những cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước trong đó có lưới điện cao thế cần phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhất. Chúng ta cần xây dựng cả hàng rào pháp lý cũng như trên thực địa để phân định cho rõ ràng, nếu không với tập quán sống như trước đây rất dễ xảy ra sự cố khác. Sự cố này là bài học để chúng ta rà soát lại các quy định có liên quan đến an toàn lưới điện, để qua đó có những sửa đổi, bổ sung cần thiết.

Thứ hai, khi sự cố xảy ra chúng ta rơi vào sự lúng túng rất lớn, trong khi đó đường dây điện cao thế trải dài từ Bắc đến Nam, có những chỗ rất vắng vẻ và các sự cố có thể diễn ra bất cứ lúc nào chỉ cần một sự va chạm nhẹ.

Ngành điện lực cũng như các lực lượng thực thi công tác đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng quốc gia phải nhìn nhận và đưa ra các phương án cần thiết. Ngành điện phải có phương án dự phòng. Thông tin ban đầu cho hay đây chỉ là sự cố đơn thuần kỹ thuật, giả sử với một sự cố mà đằng sau đó còn có yếu tố chính trị xã hội thì hậu quả còn nghiêm trọng đến bao nhiêu?

Tất nhiên, chúng ta cũng phải làm rõ để quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan.

* Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần làm rõ có phải là sự cố “bất khả kháng”?

Khách hàng (người dân, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...) ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực đã chịu thiệt hại lớn từ sự cố cúp điện ngày 22-5 nên có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc, việc xem xét trách nhiệm của bên bán điện sẽ được căn cứ trên hợp đồng đã ký kết giữa các bên. Theo quy định của pháp luật thì hành vi bán điện không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng ký kết, gây thiệt hại cho bên mua điện là vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường (trừ trường hợp bất khả kháng). Nhưng việc xe cẩu bất cẩn gây ra sự cố có phải là trường hợp bất khả kháng cho ngành điện hay không, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ. Nếu xem đó là tình huống bất khả kháng thì bên bán điện mới không phải bồi thường.

Cũng cần phải làm rõ ngành điện (chủ sở hữu công trình lưới điện) đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm như công tác cảnh báo an toàn lưới điện, thường xuyên kiểm tra giám sát công trình của mình như quy định tại điều 51 Luật điện lực hay không? Nếu như không có công tác cảnh báo về an toàn lưới điện dẫn đến việc người dân không biết về sự nguy hiểm trong khi thi công, thực hiện các công việc dưới đường điện nên gây sự cố thì ngành điện vẫn phải chịu trách nhiệm mà không thể xem đó là sự cố bất khả kháng.

Thái Lan: xem xét bồi thường mất điện bằng thuế nhiên liệu

Hôm 21-5, toàn bộ khu vực miền nam Thái Lan cũng bị mất điện trong gần bốn giờ vào buổi tối. Theo báo Bangkok Post, có tới 14 tỉnh miền nam Thái Lan bị ảnh hưởng bao gồm cả những điểm du lịch nổi tiếng và những nơi trọng điểm kinh tế như Songkhla, Phuket, Surat Thani.

Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan (FTI) Tanit Sorat cho biết thiệt hại kinh tế vì việc mất điện hôm 21-5 vào khoảng 8-10 tỉ baht (tương đương 266 - 333 triệu USD). Ông yêu cầu có sự điều tra nguyên nhân mất điện ngay lập tức, đồng thời đề xuất lập ra trung tâm tin nhắn khẩn cấp nhằm nhắn tin thông báo cho người dân, tránh gây hoang mang dư luận trong trường hợp đường dây đến các cơ quan chính quyền bị cắt đứt. FTI nói các ngành ở miền nam Thái Lan bị ảnh hưởng nhiều do mất điện là cao su và chế biến hải sản. Ngành du lịch cũng lên tiếng yêu cầu chính phủ đảm bảo sự cố tương tự không xảy ra lần nữa, điều có thể ảnh hưởng đến uy tín ngành công nghiệp không khói này.

Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Pongsak Raktapongpaisal đã yêu cầu các cơ quan công ích và Ủy ban Quản lý năng lượng (ERC) xem lại các quy trình xử lý tình huống khi mất điện để tránh những vụ việc tương tự xảy ra. ERC cũng đang xem xét khả năng bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp dưới dạng điều chỉnh thuế nhiên liệu.

VIỆT PHƯƠNG

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp