Số nhà nhiều xuyệc trên đường Huỳnh Tấn Phát huyện Nhà Bè TP.HCM đang được huyện này khắc phục để giảm bất tiện cho người dân - Ảnh: Quang Định |
“Tại các khu dân cư tự phát, có nhiều hẻm phụ nên đặt tên đường bằng số để hạn chế số nhà có nhiều xuyệc |
Ông Nguyễn Thanh Hải (trưởng phòng quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP.HCM) |
Mặc dù quyết định 22 năm 2013 của UBND TP.HCM về đánh số và gắn biển số nhà đã quy định rõ nhưng khi thực hiện, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc cấp số nhà cho những nhà vi phạm xây dựng.
Nhà nào được cấp số?
Tại Hội nghị về công tác đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP.HCM ngày 29-3, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết trước đây huyện này cấp số cho tất cả những căn nhà được tồn tại.
Cụ thể, nhà xây sau ngày 1-7-2004 (ngày Luật xây dựng 2003 có hiệu lực) đến trước ngày 1-5-2009 (ngày nghị định 23 năm 2009 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực) không có giấy phép xây dựng trên đất chưa phải là đất ở, theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP, nếu công trình được tồn tại theo quy định thì vẫn được cấp số nhà.
Khu vực các xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc khu đô thị Nam TP đã có quyết định thu hồi đất từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay chưa triển khai thu hồi đất, bồi thường cho dân.
Từ năm 2014, huyện Bình Chánh chủ trương cấp số nhà cho những khu vực có quyết định thu hồi đất nhưng hơn 3 năm chưa triển khai dự án.
Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Bình Chánh ngưng cấp số nhà cho những nhà dạng này gây bức xúc cho người dân, ảnh hưởng đến giao dịch của dân.
Đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết nhiều công chức của huyện này đã bị kiểm điểm vì cấp số nhà trong khu vực “nhạy cảm” (khu có nhiều vi phạm về xây dựng).
Nhiều căn nhà được tồn tại nhưng không được cấp số nhà làm khó khăn trong công tác quản lý, người dân cũng gặp trở ngại trong việc nhập hộ khẩu, xin cho con đi học...
Ông Đỗ Phi Hùng - phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng không phải nhà nào cũng được cấp số. Những khu vực có nhiều công trình vi phạm xây dựng thì việc cấp số nhà phải bảo đảm đúng quy định để tránh xảy ra khiếu nại, không công bằng.
Bộ Xây dựng cấm cấp số nhà cho những công trình vi phạm hành lang an toàn của công trình hạ tầng kỹ thuật. Còn những công trình sai phép vẫn được cấp số nhà.
Theo ông Hùng, trước mắt các quận huyện không cấp số nhà cho công trình xây dựng không phép để chờ xử lý. Nếu sau khi xử lý mà công trình không phép được tồn tại thì mới cấp số nhà, còn bị buộc tháo dỡ thì không cấp.
Đối với những công trình “3 không”, tức chủ nhà vi phạm xây dựng nhưng chưa chấm dứt hành vi vi phạm, chưa chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính và chưa khắc phục xong hậu quả do vi phạm xây dựng gây ra, cũng sẽ chưa được cấp số nhà.
Nhà xây không phép vào thời điểm nào được cấp số? Ông Đỗ Phi Hùng hướng dẫn nhà không phép xây dựng trước ngày 1-7-2004 đều được cấp số cho dù có phù hợp quy hoạch hay không. Đối với nhà không phép xây dựng trước ngày 1-5-2009 mà không bị buộc phải tháo dỡ cũng được cấp số.
Những nhà không phép xây từ sau 1-5-2009 đến nay mà được xét cấp phép (thỏa các điều kiện: không vi phạm chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, không tranh chấp, khiếu nại, đất có chủ quyền) cũng được cấp số nhà.
Giới thiệu lại đề án mã nhà thông minh
Tại hội nghị, một đơn vị tư vấn giới thiệu về cách đánh số nhà theo mô hình mã nhà thông minh. Số nhà theo mô hình mã nhà thông minh được xác định theo chiều dài tính từ điểm gốc của con đường đến vị trí mép gần nhất của ngôi nhà.
Theo đó, nếu nhà ở phía trái con đường thì có số nhà là số đo chiều dài như trên được làm tròn theo số lẻ. Còn nhà ở phía phải con đường thì số nhà là số đo chiều dài như trên được làm tròn theo số chẵn.
Đơn vị tư vấn cho biết cách đánh số nhà này tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tìm nhà, khắc phục tình trạng phải chèn số nhà khi tách thửa đất, hoặc phải để trống số nhà chờ công trình mới...
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP, đơn vị tư vấn mới chỉ giới thiệu ý tưởng của đề án đánh số nhà theo mô hình mã nhà thông minh, muốn áp dụng cách đánh số nhà này, cơ quan chức năng phải lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học và trình lãnh đạo TP xem xét.
“Tinh thần của việc đánh số nhà theo mã nhà thông minh khác với trật tự đánh số nhà của TP.HCM từ trước đến nay.
Cái lợi của cách này là số nhà sẽ không còn mang các ký tự chữ như A, B, C hay bis, ter... như hiện nay. Đồng thời khắc phục tình trạng chừa số chờ công trình tương lai, không trùng số nhà trên một con đường.
Nếu có áp dụng thì TP sẽ không đổi số nhà cũ mà sử dụng song song hai hệ thống số nhà. Bên cạnh đó, mã nhà thông minh sẽ gắn liền với thông tin cơ bản về công trình xây dựng, tình trạng sở hữu... của căn nhà” - ông Đỗ Phi Hùng giải thích.
Tuy nhiên theo ông Hùng, mã nhà thông minh cũng có những bất lợi cần phải cân nhắc như số nhà sẽ rất lớn (vì đường dài), không khắc phục được tình trạng nhà nhiều xuyệc trong hẻm, số nhà mới sẽ gây xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Đỗ Phi Hùng cho biết cách đây khoảng 10 năm, Sở Xây dựng TP đã trình UBND TP ý tưởng tương tự như trên nhưng không được lãnh đạo TP chấp nhận.
Nay đơn vị tư vấn giới thiệu lại ý tưởng này, Sở Xây dựng TP đề nghị phải nghiên cứu thêm để nâng cấp, tích hợp thêm nhiều chức năng cho phần mềm quản lý số nhà này trước khi đưa ra lấy ý kiến.
Cơ bản hoàn chỉnh việc cấp và điều chỉnh số nhà Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay TP đã cơ bản hoàn chỉnh việc cấp và điều chỉnh số nhà cho người dân. Còn một số khu vực tuy số nhà chưa theo quy luật nhưng UBND TP thống nhất không thay đổi để tránh xáo trộn đời sống của người dân (ví dụ như đường Trương Định có hai hệ thống số nhà trùng nhau ở quận 1 và quận 3). Ông Đỗ Phi Hùng khẳng định tinh thần của quyết định 22 là cấp số nhà phải bảo đảm tính khoa học, chấm dứt tình trạng ai cũng có quyền cấp số nhà, nhà nào cũng được cấp số và cấp số nhà tùy tiện… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận