04/02/2015 10:27 GMT+7

​Lửng lơ... cao đẳng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhưng chưa giao bộ nào sẽ quản lý nhà nước đối với hệ thống này.

Các trường cao đẳng đang không biết thuộc về bộ nào. Trong ảnh: một buổi thực hành của sinh viên khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Các trường cao đẳng đang không biết thuộc về bộ nào. Trong ảnh: một buổi thực hành của sinh viên khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Trong khi đó, các trường cao đẳng lại như ngồi trên lửa vì kỳ tuyển sinh đang cận kề...  

Trong khi thí sinh đang mỏi mắt chờ quy chế tuyển sinh chính thức được ban hành thì hàng trăm trường CĐ còn thấp thỏm hơn gấp bội vì không biết số phận của mình trong bản quy chế này ra sao.

Các trường lo vì chưa rõ quy chế sắp ban hành có dùng chung cho tuyển sinh CĐ không hay chỉ dành riêng cho tuyển sinh ĐH, vì Luật giáo dục nghề nghiệp đã tách CĐ ra khỏi hệ thống giáo dục ĐH để thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Người học và trường thiệt

* Ông PHẠM QUỐC HOÀN (phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 1):

Tuyển sinh chủ yếu dựa vào kỳ thi THPT quốc gia

Trường chúng tôi dự kiến sẽ lấy số thí sinh rớt ĐH như mọi năm, nên nếu có thông tin sớm thì chính thí sinh cũng yên tâm hơn trong chọn lựa.

Chưa kể, đề án tuyển sinh riêng của trường cũng gửi lên Bộ GD-ĐT và chờ phê duyệt.

Chúng tôi mong muốn tuyển sinh chủ yếu từ nguồn xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Nếu xét theo học bạ sẽ không bảo đảm sự đồng đều về chất lượng vì điểm số ở phổ thông phụ thuộc vào thầy cô và có khác biệt khá rõ ở các vùng miền khác nhau.

Trường mong muốn Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục ban hành quy chế CĐ như mọi năm, vì nếu không các trường sẽ không kịp triển khai kế hoạch tuyển sinh.

Luật giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhưng chưa giao cụ thể bộ nào sẽ có chức năng quản lý nhà nước đối với hệ thống này.

Theo đó, nếu kỳ tuyển sinh CĐ bắt đầu từ tháng 7 trở đi thì hiện vẫn chưa rõ đâu là nơi sẽ ban hành những quy định, quy chế cụ thể cho kỳ tuyển sinh này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - khẳng định sự dùng dằng này nếu không được giải quyết kịp thời thì người thiệt thòi nhất chính là thí sinh và hệ thống đào tạo trình độ CĐ.

“Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua, nhưng hiện tại không bộ nào quyết chuyện tuyển sinh CĐ được, ai làm cũng phạm luật.

Bộ LĐ-TB&XH không được phép làm, Bộ GD-ĐT cũng trong tình trạng tương tự.

Vấn đề cần làm ngay là Thủ tướng phải quyết định giao cho bộ nào quản lý, chứ cứ để lửng lơ thế này chỉ có người học và các trường chịu thiệt, lo lắng” - GS Đường phân tích.

Một chuyên gia giáo dục tham gia soạn thảo Luật giáo dục nghề nghiệp cho rằng tình trạng “vướng víu” này do việc làm Luật giáo dục nghề nghiệp còn duy ý chí, chưa đánh giá hết tác động của các chính sách pháp luật đối với bậc trung cấp chuyên nghiệp và bậc CĐ vốn do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước.

“Chỉ có 55% đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua luật cũng đã minh chứng phần nào cho việc luật đi vào cuộc sống không dễ dàng vì còn nhiều điểm chưa nhận được đồng thuận” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thực tế nhiều năm qua, CĐ thuộc hệ thống giáo dục ĐH và khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh luôn là quy chế chung dành cho cả hệ CĐ và ĐH, nên các trường đều đã chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh như thông lệ mọi năm.

Ông Phạm Quốc Hoàn - phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 1 - cho biết trường đã xây dựng xong kế hoạch tuyên truyền tuyển sinh và chỉ chờ quy chế được ban hành là trực tiếp đến các trường THPT để thông tin cụ thể về phương án tuyển sinh, chỉ tiêu cũng như giới thiệu về các ngành đào tạo.

Theo ông Hoàn, nếu quy chế tuyển sinh CĐ ban hành chậm trễ sẽ rất khó khăn cho nhà trường. Nếu chưa có quy chế, lại cũng không biết bộ nào quản lý thì trường sẽ không thể có thông tin chính thức khi tư vấn tuyển sinh.

Trong khi chờ quy chế, nhiều trường cao đẳng đã khởi động công tác tuyển sinh năm 2015. Trong ảnh: học sinh thích thú với “tiết mục” của Trường cao đẳng Công thương TP.HCM tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Như Hùng
Trong khi chờ quy chế, nhiều trường cao đẳng đã khởi động công tác tuyển sinh năm 2015. Trong ảnh: học sinh thích thú với “tiết mục” của Trường cao đẳng Công thương TP.HCM tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Như Hùng

Không thể chậm trễ

Theo GS Nguyễn Minh Đường, giao cho bộ nào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là việc không thể chậm trễ được nữa, nhưng vẫn phải cân nhắc, xem xét một cách thỏa đáng, không thể làm vội vàng, chiếu lệ.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ phải giải quyết được ba vấn đề: phân luồng, liên thông và đào tạo đội ngũ nhân lực đồng bộ về cơ cấu ngành nghề, đủ về số lượng, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nếu quy hoạch đào tạo cắt đôi hai nơi quản lý, mỗi bên làm một mảng thì chắc chắn đội ngũ nhân lực được đào tạo sẽ không tránh được chệch choạc, không đồng bộ về cơ cấu.

Còn liên thông và phân luồng sẽ thấy rất rõ khó thực hiện triệt để như bao năm qua chúng ta đã cố gắng mãi mà không có kết quả nếu giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐ-TB&XH”- GS Đường nói.

Thực tế, đây không chỉ là lo lắng đơn phương của các trường CĐ hay thí sinh mà còn là nỗi lo của Bộ GD-ĐT - cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nơi lâu nay là đơn vị soạn thảo, ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chung.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, đây là vướng mắc mà những người soạn thảo quy chế cho giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT phải thảo luận nhiều ngày qua. Chính phủ chưa giao cơ quan phụ trách giáo dục nghề nghiệp, quy chế tuyển sinh CĐ vẫn phải trong tình trạng bất đắc dĩ bỏ ngỏ mà thời gian đăng ký dự thi của thí sinh đã rất cận kề.

Ngày 3-2 trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xác nhận khi thí sinh bắt đầu thi (dự kiến ngày 1-7-2015) cũng là ngày Luật giáo dục nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực.

“Luật này có những quy định khác so với Luật giáo dục và Luật giáo dục ĐH, đặc biệt liên quan đến quy định về tuyển sinh CĐ và cấp thẩm quyền ban hành quy định liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Hiện nay hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp chưa được ban hành, trong khi thời gian đăng ký dự thi của thí sinh đã đến gần. Để thí sinh yên tâm ôn tập dự thi và giúp các trường CĐ ổn định kế hoạch tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT chủ động trao đổi với Bộ Tư pháp và đã làm tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo về việc ban hành các quy chế nói trên trong thời gian dự kiến” - ông Ga nói.

* Ông LÊ HỒNG SƠN (cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp):

Thiếu đồng bộ trong cách làm luật

Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2014, nhưng vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sau khi đã hợp nhất về một đầu mối. Câu chuyện ở đây là khi cơ chế thay đổi đã không hình dung được giai đoạn luật có hiệu lực cũng là giai đoạn chuẩn bị thi cử. Bây giờ các trường CĐ tuyển sinh như thế nào?

Bộ GD-ĐT có hỏi ý kiến cá nhân tôi về việc bộ có nên ban hành quy chế tuyển sinh hệ CĐ hay không. Tôi thấy rằng Luật giáo dục nghề nghiệp đã được thông qua, việc quản lý tuyển sinh CĐ không thuộc thẩm quyền của bộ nữa.

Như vậy, ý chí của Quốc hội đã được thể hiện rõ ràng trong Luật giáo dục nghề nghiệp. Chỉ có vấn đề là đến ngày 1-7 năm nay luật mới có hiệu lực. Đây là giai đoạn bản lề, nhạy cảm. Nếu bây giờ ban hành quy chế, đến ngày 1-7-2015 triển khai thực tế lại giao cho cơ quan khác làm thì sẽ thế nào?

Cũng có giải pháp tình thế được đưa ra là từ nay đến ngày 1-7, Bộ GD-ĐT có thể tạm thời ban hành cơ chế tạo tính thống nhất, đồng bộ, đỡ bị ách tắc trong việc tuyển sinh hệ CĐ. Tuy nhiên, theo tôi, cần phải có chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, chứ không tùy tiện được.

Tôi thấy lỗi đầu tiên là khi làm luật, các nhà làm luật không lường trước được tình huống luật có hiệu lực lại trùng với giai đoạn thi cử - là giai đoạn bản lề nhạy cảm.

Thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ trong cách làm luật. Cơ quan cũ không quản lý, cơ quan mới chưa được phân công thì ai chịu trách nhiệm? Vấn đề này nếu không giải quyết sớm sẽ ảnh hướng đến xã hội, ảnh hưởng lớn đến thí sinh, những người tham gia đợt thi năm nay.

TÂM LỤA ghi

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp