22/04/2012 07:05 GMT+7

Lung linh một tình yêu da cam

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Chú rể bị ung thư xương đã phải đoạn hơn nửa chân trái. Cô dâu liệt hai chân vì di chứng chất độc da cam từ ông nội từng vào Nam chiến đấu. Câu chuyện tình yêu hiện thực giữa đời thường mà ngỡ cứ như cổ tích.

ovVGneqQ.jpgPhóng toNụ cười rạng rỡ của đôi bạn trước ngày kết hôn...- Ảnh: Thuận Thắng

Đám cưới của đôi bạn trẻ ấy - Lê Văn Bình và Trịnh Thị Duyên - diễn ra vào chiều nay 22-4, tại một nơi cũng rất đặc biệt: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM - nơi lưu lại không ít dấu tích của bao thế hệ nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Hai mảnh ghép cuộc đời

Bình chưa bao giờ quên lần đầu tiên chạm mặt của hai bạn. Đó là một ngày cách đây không xa, khi Bình vừa chân ướt chân ráo vào ở ký túc xá. Khi ấy, Duyên đã học được gần nửa chặng đường khóa học thiết kế đồ họa. Cả hai cùng được chọn tham gia các khóa học sáu tháng dành cho người khuyết tật trong một dự án được tài trợ tại Trường ĐH Văn Lang. Trước đó, Bình đã hoàn thành hệ cao đẳng tin học tại Đồng Tháp, Duyên cũng học được hơn một năm về thiết kế đồ họa tại Hà Nội.

Đám cưới của mọi người

Giám đốc cơ sở An Phúc Trần Hữu Quang chạy như con thoi để chuẩn bị mọi thứ vì lần đầu tiên cơ sở tổ chức đám cưới cho hai bạn trẻ khuyết tật cùng sống tại đây. Ngoài hỗ trợ địa điểm, âm thanh, ánh sáng, trang hoàng sân khấu, đích thân giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Huỳnh Ngọc Vân phải thảo công văn xin phép Sở Văn hóa - thể thao và du lịch vì trước giờ bảo tàng không được tổ chức lễ cưới bao giờ. Một đội công tác xã hội của Trường ĐH Văn Lang hỗ trợ phần thuê bàn ghế. Một nhóm từ thiện ở Bình Dương tặng 25 bàn tiệc cưới chay. Đội văn nghệ của cơ sở tích cực chuẩn bị các tiết mục giúp vui. Ai cũng mong được góp tay vun vén cho hạnh phúc mới của đôi bạn.

“Sau một tuần làm quen, Duyên đồng ý cho tôi làm nhiệm vụ đẩy xe lăn đưa Duyên đi học mỗi ngày” - Bình nhớ lại. Từ ký túc xá đến trường cũng hơn cây số, sáng cùng nhau đi, chiều tan học lại đưa nhau về. Với chiếc chân giả, những bước đi khập khiễng của Bình nay lại nặng thêm. “Nhiều hôm đến trường, nhìn lưng áo ướt đẫm mồ hôi là biết anh mệt lắm, nhưng lúc nào anh cũng cười, chưa bao giờ than một câu” - Duyên kể.

Những chiều chủ nhật, chàng tản bộ đẩy xe đưa nàng từ ký túc xá ra công viên, và quãng đường hai cây số ấy đã trở thành kỷ niệm tình yêu của đôi bạn. Nhưng ngày đáng sợ nhất với Bình chính là lúc Duyên hoàn thành khóa học và không được ở ký túc xá nữa, trong khi Bình còn đến hai tháng mới xong. Duyên muốn về quê Nghệ An tìm việc. “Lúc đó, Bình nhận ra rằng cuộc đời mình không thể thiếu cô ấy được nữa” - Bình thổ lộ. Và Duyên cũng đồng ý ở lại, chuyển ra Đồng Nai sống với chị gái đang làm công nhân tại đây với lời hẹn sau khi hoàn tất học hành, cả hai sẽ cùng về Nghệ An lập nghiệp. Thế là mỗi cuối tuần, chàng lại leo xe buýt ra Đồng Nai thăm nàng.

Thử thách tình yêu

Cả hai cùng dắt nhau về Nghệ An. Đó cũng là lần đầu tiên chàng rể tương lai ra mắt gia đình bên vợ. Mừng vì con gái tìm được bến đỗ cuộc đời, song cha mẹ Duyên cũng băn khoăn không ít vì căn bệnh ung thư xương Bình đang mang đâu biết trước thế nào, con gái mình lại còn quá trẻ, lỡ mà... Nhưng Duyên trấn an cha mẹ: “Con tin vào sự lựa chọn của mình. Không ai có thể quan tâm chăm sóc và tốt với con hơn người con đã chọn làm chồng đâu”.

Cửa ải thứ hai không kém cam go khi nhà Bình cũng phân vân con mình đã thế, sống một thân một mình còn khó, huống chi vợ lại liệt cả hai chân. Trên chuyến xe theo Bình về Đồng Tháp ăn tết vừa rồi, cũng là để ra mắt gia đình chồng tương lai, Duyên bảo trong đời chắc chưa bao giờ cô lại hồi hộp đến thế. Và cô dâu mới đã có một cái tết hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của gia đình chồng.

Về Nghệ An, ra cả Hà Nội, cả hai đều không thể tìm cho mình một công việc phù hợp hoàn cảnh. Duyên đã đến nhận việc đúng ngành theo học nhưng chỉ làm được một ngày vì nơi làm việc mãi lầu năm, lại yêu cầu di chuyển nhiều. Thế là hai bạn lại dắt díu nhau trở vào Đồng Nai. Tình cờ, Duyên biết thông tin, đến tìm hiểu cơ sở An Phúc (Q.Tân Bình, TP.HCM) và được nhận vào. Một tháng sau, Bình cũng tìm được một chỗ trong cùng cơ sở để có thể làm đôi chân cho người yêu mỗi ngày.

Hạnh phúc bình dị

Sát ngày cưới, hai nhân vật chính vẫn cần mẫn ngồi kết các sản phẩm lưu niệm từ hạt cườm bán tại cửa hàng đặt trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Nhưng hạnh phúc thì rạng ngời không thể giấu được qua ánh mắt sáng bừng của đôi bạn. Bởi người này nhận ra mình là mảnh ghép còn khuyết của người kia mà cuộc đời đã mang đến. Không ít nỗi lo vẫn hiển hiện mỗi ngày, khi mà căn bệnh ung thư xương của Bình chẳng biết đang tiến triển thế nào, vì sau lần đoạn chi năm 2007 đến nay Bình cũng chẳng điều trị hay kiểm tra nào khác vì không có tiền. Và Duyên cũng thế, làm sao không khỏi lo lắng khi nghĩ về con cái vì mình mang di chứng chất độc da cam!

Quyết định đi đến hôn nhân chỉ sau một năm yêu nhau với nhiều người có thể là quá ngắn, nhưng với Bình và Duyên lại là quãng thời gian dài vì với cả hai, mỗi phút giây được ở bên nhau luôn là quá ngắn và chẳng ai nói trước được khoảng thời gian còn lại! “Nếu có thể, tôi muốn có một cửa hàng buôn bán nho nhỏ để lo cho mái ấm nhỏ của mình, vì còn phải tính chuyện khi có con, cuộc sống sẽ vất vả hơn” - Duyên bộc bạch. Bình nhìn Duyên, nở nụ cười hiền lành khi nghe Duyên nói vậy...

Chia sẻ hạnh phúc

Từ ngày các cháu yêu nhau, chúng tôi thấy Bình và Duyên sống lạc quan hơn hẳn. Chúng tôi muốn được mang đến hạnh phúc trọn vẹn cho các cháu bởi hạnh phúc ngắn hay dài không quan trọng, quan trọng nhất là các cháu đã tìm được nhau và cùng chia sẻ hạnh phúc.

Vươn lên và mưu cầu hạnh phúc

Chúng tôi vẫn nói với các cháu rằng phải là người khuyết tật tự lực, lao động để sống. Đám cưới này là minh chứng để xã hội tin rằng mỗi người khuyết tật vẫn đang từng ngày vươn lên và mưu cầu hạnh phúc.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp