TS.BS Quang Minh khám hậu phẫu cho người bệnh bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ - Ảnh: T.DƯƠNG
Trước ngày đi khám khoảng một tuần, chị P.T.T.D. (38 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thấy tai bên trái bị ù. Chị nghĩ chắc do tiếng ồn xung quanh gây ù tai nên không đi khám bác sĩ, vì trong thời gian này chị chuyển đến nhà mới ở và khu vực xung quanh đang xây dựng suốt ngày đêm. Và chị vẫn đi bơi bình thường.
6 tháng điều trị bệnh
Thế nhưng vài ngày sau, độ ù ngày càng nhiều, thậm chí tai trái còn bị đau nên chị đã đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM khám.
Sau khi khám cả hai tai cho chị, bác sĩ hỏi: "Chị có biết chị bị thủng màng nhĩ không?". Chị D. quá bất ngờ khi nghe bác sĩ hỏi vậy.
Bác sĩ cho biết chị bị viêm tai giữa mãn tính, cần điều trị một thời gian cho tai không bị viêm nhiễm nữa mới tính đến việc... vá lỗ thủng màng nhĩ này.
Hơn hai tháng nay, cứ 5-7 ngày chị D. phải đến Bệnh viện Tai mũi họng tái khám. Lần nào bác sĩ cũng kê một toa thuốc gồm thuốc kháng sinh và những loại thuốc khác cho chị uống, thậm chí đầy đủ các thuốc nhỏ tai nhưng đến nay tai của chị cũng chưa hết bị viêm nhiễm. Chị D. không ngờ điều trị bệnh viêm tai giữa lại kéo dài đến vậy.
Tương tự, chị L.D.P. (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng không ngờ chị phải mất đến 6 tháng để điều trị bệnh viêm tai giữa. Mới đầu chị cũng bị ù tai, sau đó bị đau nhức dữ dội cả hai bên tai, cơn đau còn kéo lên cả vùng thái dương. Tai bị sưng lên và chảy mủ, có lúc còn sốt li bì, khả năng tiếp nhận âm thanh bị giảm đáng kể.
Sau cơn đau nhức tai kéo dài nhiều ngày, chị P. đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm tai giữa, phải điều trị kháng sinh và làm theo các hướng dẫn của bác sĩ. Chị P. cũng được phát hiện bệnh sau nhiều lần đi bơi tại các bể bơi trong thành phố.
Tuyệt đối không đi bơi khi đang viêm mũi họng
TS.BS Lê Trần Quang Minh, phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết đối với người không thủng màng nhĩ, khi đi bơi nước hồ bơi vào tai có thể gây viêm ống tai ngoài. Những trường hợp này nếu để lâu không điều trị, tai sẽ bị sưng, có mủ lan ra thì có thể ảnh hưởng đến viêm tai giữa. Đi bơi là nguyên nhân gián tiếp gây ra bệnh viêm tai giữa.
Ngoài ra, một số người bị viêm mũi, họng mà vẫn ráng đi bơi, lúc đó nước hồ bơi vào trong xoang, mũi gây viêm mũi họng nặng hơn, từ đó gây tắc vòi nhĩ, khởi phát viêm tai giữa.
Có những trường hợp người bệnh từng bị viêm tai giữa cấp kéo dài đã để lại một lỗ thủng màng nhĩ nhưng người bệnh không biết do không ảnh hưởng đến thính lực.
Tuy nhiên, do đã bị thủng màng nhĩ nên khi có bụi bặm và nước vô tai sẽ gây viêm (có những triệu chứng giống viêm tai giữa cấp như bị ù tai, đau tai, chảy nước).
Khi khám thực thể bác sĩ nhìn thấy lỗ thủng này có thể kết luận đợt cấp của viêm tai giữa mãn.
Có những người bệnh có lỗ thủng màng nhĩ từ nhỏ, sau đó không bị viêm nhiễm gì cho đến hàng chục năm sau người bệnh mới bị một đợt viêm cấp nữa. Khi đến khám mới được bác sĩ cho biết đã bị thủng màng nhĩ.
Để phòng tránh bệnh viêm tai giữa, TS.BS Quang Minh khuyên khi bị viêm mũi họng phải đi điều trị ngay.
Những người đang bị viêm tai, viêm mũi họng, đặc biệt là bị thủng màng nhĩ thì tuyệt đối không được đi bơi. Sau khi bơi xong, nên nghiêng sang hai bên tai cho nước hồ bơi chảy ra hết, sau đó dùng nước muối nhỏ vào tai để rửa tai, rồi lại nghiêng nước cho ra hết, dùng khăn giấy lau sạch bên ngoài.
TS.BS Quang Minh lưu ý một thói quen xấu của người dân là dùng cây tăm bông ngoáy tai do nghĩ làm như vậy sẽ sạch tai hoặc đã ngứa nhưng thực sự cách làm này rất có hại. Vì ống tai tròn có ráy tai nên khi đút tăm bông vào lau đã vô tình đẩy sát những ráy tai vào màng nhĩ, lâu ngày tích tụ tạo thành nút ráy tai. Nếu đi bơi, ráy tai sẽ bị ngấm nước nở ra gây đau, viêm ống tai ngoài cấp, gây sưng đau tai.
Chưa kể trên bề mặt của ống tai là da có những lông măng của ống tai, có tác dụng ngăn chặn những dị vật đi vào ống tai. Bình thường, những lông măng của ống tai sẽ đẩy ráy tai ra ngoài. Thói quen dùng que tăm bông có thể làm trầy xước ống tai, dùng tăm bông thường xuyên sẽ làm lông trong ống tai rụng hết, ống tai không thực hiện được chức năng này.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh viêm tai giữa là bắt đầu từ viêm mũi họng vì về cấu trúc giải phẫu có một vòi Eustache nối giữa mũi họng và tai. Bình thường vòi này luôn mở ra nhưng khi có đàm nhày (do viêm mũi họng) thì vòi này không mở được, dẫn đến tình trạng thiếu không khí và áp lực bên trong tai giữa thấp hơn áp lực ngoài màng nhĩ, khi đó tạo một áp lực âm hút màng nhĩ vô, lâu dài sẽ gây bệnh viêm tai giữa. Một số nguyên nhân khác là do chấn thương, ngoáy tai làm sang chấn, do viêm tai ngoài để ứ đọng mủ ảnh hưởng lan vào tai giữa. |
Viêm tai giữa cấp có 3 loại là viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa bán cấp và viêm tai giữa mãn tính. Viêm tai giữa cấp tính đi kèm các triệu chứng cấp tính như nhức tai, có thể chảy mủ, có thể kèm theo sốt, ho, sổ mũi. Còn viêm tai giữa mãn tính có triệu chứng là chảy mủ tai, đôi khi kèm theo sức nghe kém. Viêm tai giữa cấp nếu kéo dài sẽ gây ra tình trạng thủng màng nhĩ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận