Xe buýt trong vòng vây xe máy và ôtô tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tính đến tháng 10-2018, các hợp tác xã (HTX) xe buýt chỉ được tạm ứng 50% đơn giá cuối năm 2017.
Nguyên nhân của việc nợ nần này xuất phát từ việc Sở GTVT và các HTX, doanh nghiệp vận tải xe buýt không thương thảo được hợp đồng do cách tính, phân bổ tiền trợ giá xe buýt không thống nhất.
Đây có thể sẽ là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử 16 năm vận hành các tuyến xe buýt trợ giá tại TP.HCM.
Chưa được duyệt đã ký hợp đồng
Ngày 12-10, hàng loạt HTX lại có đơn kiến nghị gửi HĐND, UBND TP.HCM và các sở, ban ngành TP xem lại khối lượng đặt hàng, kinh phí trợ giá xe buýt năm 2018. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, các HTX phải "gõ cửa cầu cứu" cơ quan có thẩm quyền trước nguy cơ phải ngưng hoạt động xe buýt.
Trong kiến nghị lần này, 9 HTX thống nhất đề nghị trả lại luồng tuyến và không tiếp tục hoạt động do thua lỗ kéo dài. Riêng các tuyến xe buýt đã "lỡ" đầu tư mới, các HTX đề nghị lãnh đạo TP.HCM giới thiệu các đơn vị có năng lực tài chính để chuyển nhượng lại nhằm thu hồi vốn đầu tư.
Các HTX cũng đề nghị cấp có thẩm quyền sớm cấp bổ sung kinh phí trợ giá do chênh lệch nhiên liệu, chi phí đầu tư xe mới... theo nguyên tắc "tính đúng, tính đủ".
Sở "cầm đèn chạy trước ôtô"?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nguyên nhân dẫn đến "lùm xùm" trong hoạt động xe buýt thời gian qua bắt nguồn từ công thức tính trợ giá cho nhiều kết quả khác nhau. Cụ thể, theo quyết định 20/2014 của UBND TP.HCM, kinh phí trợ giá xe buýt = chi phí chuyến xe - doanh thu đặt hàng (bán vé). Theo công thức này, nếu lượng hành khách giảm, trợ giá sẽ tăng và ngược lại.
Ngay từ đầu năm, dựa vào nguồn kinh phí được phân bổ trợ giá cho xe buýt 1.000 tỉ đồng từ UBND TP.HCM (trong đó trợ giá hoạt động xe buýt hành khách là 863 tỉ đồng, còn lại là xe đưa rước học sinh, công nhân...). Ban đầu, Sở GTVT cho rằng khoản tiền trợ giá trên không đủ chi hoạt động xe buýt nên xin thêm 330 tỉ đồng. Trong khi đề xuất này đang được thẩm định, Sở GTVT đã "cầm đèn chạy trước ôtô" khi thương thảo hợp đồng với các HTX dựa trên cơ sở phần kinh phí xin thêm coi như đã được duyệt. Thời điểm này, các HTX cho rằng họ đồng ý ký đặt hàng bởi số tiền trợ giá phân bổ cơ bản "sống" được.
Nhưng khi kinh phí bổ sung 330 tỉ chưa được duyệt, Sở GTVT "xoay chiều" hủy kết quả thương thảo lần 1 và yêu cầu thương thảo lần 2 trên cơ sở dự toán đã được duyệt, tức khoản trợ giá gói gọn trong 863 tỉ đồng cho cả năm 2018. Khi kinh phí trợ giá chỉ chừng ấy, Sở GTVT liền tăng doanh thu bán vé lên nhằm cân đối cho đủ cả năm. Trong khi đó, các HTX không đồng ý việc điều chỉnh này bởi họ cho rằng khách đi xe buýt có xu hướng giảm, việc tăng doanh thu chỉ là con số ảo, vì vậy có khả năng xã viên xe buýt phải móc tiền túi bù lỗ cho khoản ảo này.
Nếu như trong lần thương thảo hợp đồng lần 1 vào tháng 8-2018, doanh thu bán vé kỳ vọng tăng 20% so với năm 2017 thì lần thương thảo thứ 2, sau khi chi phí trợ giá xin thêm chưa được duyệt, mức doanh thu này được tăng lên 37%. Do đó, nhiều HTX thừa nhận với Tuổi Trẻ do doanh thu bị tăng không sát với thực tế đã khiến họ "vuột" mất hàng tỉ đồng so với lần thương thảo lần đầu.
Tuyến xe buýt TP.HCM số 28: công viên 23-9 - chợ Xuân Thới Thượng thường vắng khách - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Cách tính trợ giá gây nghi ngờ và ban phát
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng - Trường ĐH GTVT phân hiệu TP.HCM, công thức tính trợ giá hiện nay (tiền trợ giá = tổng chi phí - doanh thu vé) về mặt xã hội gây nghi ngờ việc sử dụng đồng tiền trợ giá có đúng mục đích không. Cách tính này không tạo ra động lực, nỗ lực thu hút hành khách đi xe buýt khiến mục tiêu phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng không đạt được so với kỳ vọng.
Với cách tính này, tổng thu nhập của xã viên không thay đổi tương ứng với sự thay đổi lượng hành khách. Cụ thể nếu khách đi xe buýt tăng thì trợ giá giảm, ngược lại khách giảm thì trợ giá tăng.
Trong khi đó, với cách tính trợ giá trực tiếp đối với hành khách đi xe, hành khách đi càng nhiều thì mức trợ giá mà xã viên được hưởng càng lớn. Đây chính là động lực khuyến khích xã viên đầu tư xe, chăm chút cho dịch vụ để nâng cao chất lượng thu hút hành khách thêm.
Còn theo các HTX, cách tính này còn khiến cơ quan quản lý tùy tiện ban phát doanh thu bán vé ảo, không sát thực tế. Nếu đồng ý ký hợp đồng đồng nghĩa với khả năng phải bù lỗ. Vì vậy đến nay có 9/13 HTX xe buýt chưa đồng ý ký hợp đồng khiến hoạt động xe buýt lâm vào "khủng hoảng" như hiện nay.
Khách đi xe buýt giảm, hoạt động xe buýt đang khó khăn. Trong ảnh: khách đi xe buýt số 14 ở TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Từng xảy ra nhiều sai phạm trong trợ giá
Sự không minh bạch, rõ ràng trong việc phân bổ kinh phí trợ giá hoạt động xe buýt; máy móc áp đặt dự toán lượng hành khách theo chỉ tiêu tăng trưởng được giao dẫn đến những hành vi đối phó như xé vé khống...
Việc xây dựng luồng tuyến chưa phù hợp làm tăng số tiền trợ giá, công thức tính trợ giá chưa khuyến khích nâng cao chất lượng để thu hút hành khách.
Công tác xây dựng các quy định cho hoạt động trợ giá xe buýt chưa được kịp thời, chậm trễ trong tham mưu điều chỉnh các quy định không còn phù hợp... đã tạo kẽ hở cho một số đơn vị lợi dụng để quyết toán khống tiền trợ giá.
Đó là một trong những nội dung từng được UBND TP.HCM công bố trong kết luận thanh tra về hoạt động trợ giá xe buýt vào tháng 10-2016.
Đề xuất của Sở GTVT và thẩm định của Sở Tài chính chênh nhau 49%
Dù một công thức tính trợ giá nhưng tính toán của Sở GTVT và thẩm định của Sở Tài chính chênh nhau rất lớn.
Cụ thể theo Sở GTVT, số tiền trợ giá hoạt động xe buýt năm nay cần khoảng 1.604 tỉ, trong khi Sở Tài chính cân đối chỉ hơn 821 tỉ đồng (chênh lệch gần 49%). Các yếu tố khác ảnh hưởng đến số tiền trợ giá như: tổng chi phí, tổng doanh thu theo cách tính của hai sở cũng lần lượt có tỉ lệ chênh nhau từ 17,7 - 26%.
Vì sao đề xuất bổ sung dự toán thêm 330 tỉ của Sở GTVT chưa được phê duyệt? Theo Sở Tài chính, việc đề xuất thêm 124,9 tỉ (trong tổng số 330 tỉ) do giảm doanh thu vé khiến trợ giá tăng là chưa phù hợp và chưa đủ cơ sở thẩm định.
Sở Tài chính cho rằng chưa rõ bằng phương pháp nào mà Sở GTVT lại giảm doanh thu khiến tiền trợ giá tăng, đồng thời đề nghị phải tính toán lại việc tăng chi phí do chênh lệch nhiên liệu, khấu hao phương tiện một cách chính xác để làm cơ sở cho thẩm định bổ sung dự toán.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Tài chính cho biết UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT rà soát lại dự toán bổ sung trợ giá một lần nữa trên nguyên tắc tính đúng ,tính đủ cho các xã viên xe buýt.
Nên phát hành vé điện tử
PGS.TS NGUYỄN THỊ BÍCH HẰNG (Trường ĐH GTVT phân hiệu TP.HCM)
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng - Trường ĐH GTVT phân hiệu TP.HCM - cho rằng gốc rễ của sự "khủng hoảng" xe buýt hiện nay nằm ở chỗ cách tính trợ giá, vì vậy theo bà cần phải sớm thay đổi cách tính trực tiếp hành khách đi xe thông qua hệ thống thu phí tự động - vé điện tử thông minh. Thông qua hệ thống này, Trung tâm quản lý giao thông công cộng có thể giám sát từng hành khách đi trên xe buýt, tránh tình trạng kê khống sản lượng ảo cũng như tính chính xác tổng chi phí hoạt động cho mỗi tuyến xe. Có tổng chi phí, doanh thu vé thì sẽ tính chính xác mức trợ giá bình quân cho mỗi khách trên tuyến xe là bao nhiêu, đảm bảo tiền trợ giá được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích.
"Đó là xu thế nhiều nước trên thế giới đã làm rất lâu, vấn đề là công tác trợ giá rõ ràng, công khai, minh bạch. TP.HCM có thể thực hiện nhiều cách khác để bổ sung vào nguồn trợ giá như thực hiện quảng cáo trên thân xe buýt, điều chỉnh giá vé về gần với giá thành vận tải" - bà Hằng cho hay.
Một cán bộ Sở Tài chính đồng tình cho rằng vé điện tử và hệ thống thu phí tự động sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động xe buýt, tinh gọn được bộ máy, giúp công tác quản lý cũng như việc trợ giá hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Văn Triệu, giám đốc HTX 19-5, cho biết rất mong mỏi sớm áp dụng cách tính trợ giá qua hình thức này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án đầu tư hệ thống vé xe buýt điện tử thông minh đã được Sở GTVT nghiên cứu đề xuất từ đầu năm 2016. Tuy nhiên mới đây, sở này đề xuất ngừng triển khai dự án theo hình thức đầu tư PPP (hợp đồng BOO) và được sự chấp thuận của UBND TP.HCM. Sau đó, UBND TP.HCM giao sở đề xuất một đối tác để làm thí điểm thanh toán điện tử bằng công nghệ với nhiều chức năng thanh toán và sẵn sàng tích hợp, mở rộng trong tương lai.
* Ông BÙI XUÂN CƯỜNG (giám đốc Sở GTVT TP.HCM):
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG (giám đốc Sở GTVT TP.HCM)
Đã tính phương án khi xe buýt giảm chuyến
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về vấn đề giải quyết tiền trợ giá xe buýt cho các HTX và doanh nghiệp vận tải xe buýt, ông Bùi Xuân Cường cho biết sở đang nỗ lực giải quyết những kiến nghị của các HTX và doanh nghiệp xe buýt về vấn đề trợ giá. Tuy nhiên khó có thể giải quyết ngay vì trong các kiến nghị này có nhiều vấn đề, có cả những kiến nghị về đơn giá định mức cũ từ năm 2012.
"Tiền trợ giá phải đảm bảo đúng theo quy định, chúng tôi đang hết sức cố gắng cùng Sở Tài chính để báo cáo UBND TP.HCM giải quyết. Việc này phải có thời gian để xử lý đúng quy định, khó có thể làm trong ngày một ngày hai" - ông Cường nói.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết ngày 12-10, Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã có công văn khẩn gửi một số HTX và doanh nghiệp vận tải xe buýt, đề nghị khi cắt giảm chuyến thì các đơn vị này phải báo cho trung tâm và cho Sở GTVT trước khi thực hiện. Tránh trường hợp bị động, tự ý bỏ chuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
"Đồng thời, việc giảm chuyến này cũng phải đảm bảo giãn cách giữa các chuyến liền kề không quá 30 phút và thời gian hoạt động tối thiểu của tuyến không dưới 12 giờ một ngày theo quy định tại nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô" - ông Cường nói.
VIỄN SỰ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận