Người dân Thanh Hóa nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo ông Lê Công Ngân - trưởng thôn Hạnh Phúc (xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia), ngoài những hộ cận nghèo trong thôn được ông vận động không nhận tiền hỗ trợ sai với chủ trương của cấp trên, còn có nhiều hộ dân tự nguyện không nhận tiền của Chính phủ vì "đã có thu nhập ổn định hằng tháng".
Hộ cận nghèo ở nhà to
Tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, người dân xôn xao về việc gia đình bà Lê Thị Thọ và gia đình ông Lê Ngọc Lâm (thôn Tu Mục 1, xã Yên Thọ) xuất hiện trong danh sách hộ cận nghèo. Bà Thọ hiện đang sống tại ngôi nhà khang trang, kiên cố. Bà Thọ là chị gái của bà Lê Thị Chung - bí thư chi bộ thôn Tu Mục 1.
Còn gia đình ông Lâm làm nghề kinh doanh rau quả, hải sản có thu nhập ổn định, có ôtô tải để vận chuyển hàng hóa. Ngôi nhà của gia đình ông Lâm cũng thuộc diện tiền tỉ, to đẹp so với nhiều nhà dân ở vùng quê này.
Tuy nhiên, hai gia đình vẫn được UBND xã đưa vào hộ cận nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước, có trong danh sách nhận tiền hỗ trợ. Chính hai hộ này cũng từ chối nhận tiền "vì gia đình đã có thu nhập".
Sau khi có phản ảnh của người dân, ngày 16-5, hai gia đình tiếp tục có đơn gửi UBND xã xin rút khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Ông Hồ Xuân Bình - chủ tịch UBND xã Yên Thọ - cho biết sau khi nhận được đơn, UBND xã đang rà soát lại để quyết định rút hai hộ này ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Tại các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa cũng xuất hiện nhiều hộ cận nghèo nhưng ở nhà lầu, cuộc sống dư dả. Tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) có 76 hộ cận nghèo được lập danh sách để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trong đó nhiều gia đình được bình xét hộ cận nghèo lại ở nhà tiền tỉ.
Ông Lê Đình Phương - chủ tịch UBND xã Hải Ninh - cho biết khi họp thôn, người dân tự thống nhất với nhau, nhường suất hộ cận nghèo cho các gia đình có con đi học để được miễn giảm học phí, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. UBND xã đang rà soát lại hộ cận nghèo, nếu hộ nào không đúng đối tượng, xã sẽ rút khỏi danh sách.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại xã Thiệu Thành và Thiệu Công (Thiệu Hóa). Ông Lê Xuân Đào - phó chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa - cho biết tại hai xã này có một số hộ dân mới làm nhà to, nhưng vẫn sở hữu sổ hộ cận nghèo.
Qua kiểm tra, ban đầu xác định đây là việc làm sai từ cấp thôn qua việc bình xét, rà soát hộ cận nghèo năm 2019. UBND huyện đã chỉ đạo xã rà soát lại, nếu hộ cận nghèo nào không đúng chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách. UBND xã tạm thời chưa cấp số tiền hỗ trợ của Chính phủ cho số hộ này.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lúc họp thôn để chấm điểm, nhiều người dân trong thôn là anh em, họ hàng với nhau đã nhường cho người trong họ của mình được là hộ cận nghèo, để con cái đi học được miễn giảm học phí, có thẻ bảo hiểm y tế khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh và được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với mức lãi suất ưu đãi.
Tiền người dân không nhận sẽ hoàn trả ngân sách
Ông Trịnh Ngọc Dũng - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa - cho biết triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 700.000 người (người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội) được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 711 tỉ đồng.
Đến ngày 17-5, đã có hơn 400.000 người nhận tiền hỗ trợ và việc chi trả đợt này dự kiến kết thúc ngày 20-5.
Theo số liệu thống kê nhanh, đến nay Thanh Hóa có khoảng 4.000 người tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Quan điểm của sở là tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận kinh phí hỗ trợ.
Sở đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh xuống 3 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương để kiểm tra, giám sát trực tiếp tại một số xã và đối thoại trực tiếp với một số người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Tại đây, ghi nhận người dân hoàn toàn tự nguyện không nhận hỗ trợ.
"Số tiền người dân tự nguyện không nhận, sau khi kết thúc đợt chi trả, các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh để hoàn trả ngân sách nhà nước" - ông Dũng khẳng định.
Trước thông tin nhiều hộ khá giả, ở nhà tiền tỉ nhưng vẫn được xét hộ cận nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước, ông Dũng cho biết sở đã yêu cầu các huyện kiểm tra, rà soát lại.
Quan điểm của sở là kiên quyết đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo những trường hợp không đúng quy định. Cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Dồn nhân khẩu vào hộ nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới
Tại thôn Thành Thường, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, có không ít hộ nghèo bị sáp nhập với các hộ nghèo khác, để tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,5%, nhằm đủ điều kiện công nhận "nông thôn mới".
Vụ việc lộ ra sau khi các hộ nghèo đến nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng chưa nhận được tiền vì nhiều hộ bị sáp nhập vào các hộ khác, xã phải kiểm tra, rà soát lại.
Ông Đào Hồng Quang - trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thiệu Hóa - cho biết sau khi phát hiện vụ việc 18 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập vào các hộ nghèo khác, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã rà soát, thực hiện bình xét, cấp sổ hộ nghèo theo đúng quy định, đưa hộ nghèo nào về hộ nghèo đó.
Sau khi tách sổ hộ nghèo đúng chủ hộ xong, mới có thể chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân.
Ông Tô Đức (phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng quốc gia về giảm nghèo):
Có dấu hiệu trục lợi, đề nghị xử lý nghiêm
Chuyện hộ cận nghèo mà có nhà lầu là không thể chấp nhận và ở đây chắc chắn có việc trục lợi chính sách. UBND cấp xã là nơi chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình bình xét. Nếu sai như ở Thanh Hóa, chắc chắn là lỗi buông lỏng quản lý của cấp xã.
Dù chỉ con sâu làm rầu nồi canh, nhưng qua đó cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Thanh Hóa chưa tốt. Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bình xét hộ có nhà lầu vẫn thuộc hộ cận nghèo, xử lý thật nghiêm những sai phạm kiểu này.
Tới đây Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng như các địa phương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra đột xuất.
Đức Bình ghi
Xử lý nghiêm việc vận động dân không nhận tiền hỗ trợ
Ông Nguyễn Đình Xứng - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: H.Đ.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Xứng - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - với Tuổi Trẻ.
Ông Xứng nói:
- Trong quá trình cấp tiền hỗ trợ, xuất hiện hàng ngàn người dân tự nguyện không nhận tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, để giúp đỡ những người khó khăn hơn. Nhưng tại một số huyện như Thọ Xuân, Quảng Xương, Tĩnh Gia có tình trạng cán bộ xã tự ý in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
Thậm chí còn có nơi cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận hỗ trợ. Sau khi nhận được phản ánh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn hỏa tốc đến các địa phương để chỉ đạo, chấn chỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ, kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm. Người dân nào không tự nguyện, phòng LĐ-TB&XH huyện và cán bộ UBND xã phải mời số người dân này lên xã để cấp lại tiền hỗ trợ.
* Nhiều hộ dân ở Thanh Hóa thuộc diện khá giả nhưng vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo?
- Việc rà soát, bình xét, chấm điểm theo tiêu chí, quyết định đưa vào danh sách hộ nghèo trong tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cơ bản được thực hiện đúng quy định. Với hộ cận nghèo, có nơi du di, hoặc bình xét, chấm điểm, đưa vào danh sách chưa đúng.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cùng với chính quyền các địa phương phải tiến hành rà soát ngay danh sách hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu phát hiện hộ cận nghèo nào không đúng đối tượng sẽ đưa ra khỏi danh sách.
Nếu phát hiện có sai phạm lớn, mang tính hệ thống tại các địa phương thì sẽ thành lập đoàn thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
H.ĐỒNG thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận