Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Ảnh: XUÂN LONG
Theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự thảo Luật bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi dự kiến được biểu quyết thông qua vào chiều 11-11, tuy nhiên Quốc hội đã có thông báo điều chỉnh chương trình của kỳ họp, lùi lịch biểu quyết thông qua Luật BVMT sửa đổi đến ngày 17-11.
Việc lùi lịch biểu quyết thông qua có lý do để cơ quan soạn thảo, thẩm định tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật này.
Theo ban soạn thảo, dự thảo Luật BVMT sửa đổi 2020, được bố cục lại so với Luật BVMT 2014, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác.
Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 3-11, sau tọa đàm "Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với luật BVMT sửa đổi" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và nhóm Công lý - môi trường - sức khỏe cùng tổ chức, các tổ chức này đã có thư kiến nghị xem xét chưa thông qua Luật BVMT sửa đổi tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.
"Mặc dù cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã tích cực tiếp nhận góp ý từ các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành, các chuyên gia, và tổ chức xã hội, tuy nhiên kết quả tiếp thu và giải trình còn nhiều bất cập", kiến nghị nêu rõ.
Đến chiều 5-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cùng ban soạn thảo luật đã đối thoại, trao đổi với nhóm các nhà khoa học, chuyên gia về những nội dung, vấn đề trong dự luật còn ý kiến khác nhau.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, người trực tiếp kiến nghị dự luật cần quy định cơ quan thẩm định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường - bản khi nhận thẩm định và bản sau thẩm định, công khai hội đồng thẩm định, hồ sơ xin giấy phép môi trường, thời điểm công khai...
Ông Tùng cho rằng Luật BVMT 2014 có bất cập khi chỉ quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường mà không quy định cơ quan công khai, thời điểm công khai. Vì vậy dự luật sửa đổi phải sửa những bất cập này để cộng đồng, xã hội cùng giám sát quá trình thẩm định.
"Theo tôi, công khai thành viên hội đồng sẽ tránh được việc chuyên gia ngồi nhầm hội đồng vì mối quan hệ. Khi đó chuyên gia tham gia có trách nhiệm hơn, không chỉ trách nhiệm với cơ quan quản lý mà trách nhiệm cả với xã hội" - ông Tùng phân tích.
Phản hồi kiến nghị của TS Tùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo quy định trách nhiệm của chủ dự án phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay trong thời điểm tham vấn cộng đồng và tiếp tục công khai khi hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ban soạn thảo dự Luật BVMT sửa đổi cho biết hình thức công khai được quy định thực hiện thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, đảm bảo thuận tiện cho các đối tượng có liên quan tiến nhận thông tin.
Với kiến nghị của các nhà khoa học về nội dung cơ quan thẩm định cũng công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường khi tiếp nhận thẩm định, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp thu và cho biết dự luật sẽ quy định cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường khi tiếp nhận để thẩm định, đồng thời công khai quyết định phê duyệt báo cáo của cơ quan thẩm định.
Dự luật cũng quy định công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên kiên quan.
Về ý kiến công khai hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp thu và cho biết dự luật sẽ nghiên cứu quy định giao cho Chính phủ để Chính phủ cân nhắc trong quá trình xây dựng nghị định, không quy định cứng trong luật.
Theo ông Hà, trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi tường, dự luật hướng tới ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi thẩm định và cơ quan nhà nước khi thẩm định, phê duyệt phải chịu trách nhiệm đến cùng về quyết định của mình.
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến chỉ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật, không phải đăng ký.
Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm mời đúng chuyên gia
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu, chuyên gia đến cùng, đến trước khi bấm nút để đảm bảo chất lượng dự thảo luật tốt nhất.
Trước băn khoăn về việc mời chuyên gia không đúng chuyên môn, ông Hà khẳng định cơ quan nhà nước khi mời người tham gia hội đồng phải chịu trách nhiệm để mời đúng thành phần, đúng chuyên môn.
"Cán bộ mời không đúng, tôi 'xử' anh vì đó là trách nhiệm công vụ của cán bộ cơ quan nhà nước" - ông Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận