13/06/2015 10:30 GMT+7

Lục Tỉnh Tân Văn và thuở đầu nhật báo

TRẦN NHẬT VY
TRẦN NHẬT VY

TT - Trong 20 năm đầu thế kỷ 20, báo chí quốc ngữ Sài Gòn vừa bước ra đời, còn rụt rè trong thông tin, chưa thoát khỏi lối “công vụ”, tức là chỉ đăng những thông tin phát ra từ cơ quan chính quyền, đăng những văn bản quản lý hành chính, nghị định...

Báo Lục Tỉnh Tân Văn - Ảnh tư liệu
- Ảnh tư liệu

Do đó báo chí thời này rất ít thông tin đời sống, nếu có cũng chỉ là những tin “xe cán chó - chó cán xe” như ăn trộm, ăn cắp, đánh lộn, giết người... Dần dà càng về cuối thập kỷ 1920 thì ngày càng sống động hơn. Lục Tỉnh Tân Văn là một ví dụ

Nhật báo đầu tiên

Ngày 3-10-1921, sau khi mua lại tờ Lục Tỉnh Tân Văn (có chi nhánh ở Hà Nội là tờ Đông Dương Tạp Chí), chủ nhân nhà in Nguyễn Văn Của đã sát nhập tuần báo Nam Trung Nhựt BáoLục Tỉnh Tân Văn thành một và lấy tên là Lục Tỉnh Tân Văn rồi ra hằng ngày. Đây là tờ nhật báo đầu tiên của làng báo Sài Gòn.

Luật báo chí dành cho thuộc địa Pháp ngày 30-12-1898 quy định “trừ tiếng Pháp, tất cả những tờ báo bằng quốc ngữ, Hoa ngữ... đều phải xin phép toàn quyền Đông Dương mới được xuất bản”.

Do đó báo chí quốc ngữ Sài Gòn từ trước ngày 3-10-1921, trừ tờ Thông Loại Khóa Trình, chủ nhân đều là người Pháp. Người Việt muốn được phép xuất bản phải là người có tiền, có quyền, có thế lực và có nhà in! Ông Nguyễn Văn Của là ai mà được phép ra báo quốc ngữ?

Theo Nguyễn Liên Phong viết trong Điếu cổ hạ kim thi tập xuất bản năm 1915 thì “Nguyễn Văn Của là con ông Nguyễn Văn Giao, thông ngôn, và bà Tô Thị Loan người Nam Chơn. Ông Của là con thứ năm, làm việc tại hãng buôn có công nên đặng thăng thưởng huyện hàm” (bản do Cao Tự Thanh chỉnh lý, NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2013, trang 141). Ông Của là một nhà kinh doanh in ấn và văn phòng phẩm, có nhiều anh em cộng tác với Pháp.

Có thể nói nhật báo Lục Tỉnh Tân Văn với chủ nhân là Nguyễn Văn Của, chủ bút Lê Hoằng Mưu, quản lý Lâm Văn Ngọ đã mở ra một thời kỳ mới cho báo chí quốc ngữ Sài Gòn, thời báo chí thông tin, đi sát với đời sống xã hội và kích thích lòng yêu nước của quần chúng.

Sau đó là Công Luận Báo, Đông Pháp Thời Báo của Nguyễn Kim Đính, Trung Hòa Nhựt Báo của G.Lebourdais, Thần Chung của Diệp Văn Kỳ, Phụ Nữ Tân Văn của Nguyễn Đức Nhuận, Điển Tín của Lê Trung Cang, Dân Báo của Trần Văn Hanh, Việt Nam của Nguyễn Phan Long, Sài Gòn của ông bà Bút Trà, Dân Quyền của Cardieux, Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Văn Sâm, Trung Lập của Trần Thiện Quý...

Mạnh miệng nhất trong số này là tờ Thần Chung của Diệp Văn Kỳ, chủ nhà in Bảo Tồn, con trai ông Diệp Văn Cương. Xuất thân là luật sư học ở Pháp về, vợ là nhà giàu có lớn ở Cao Lãnh, vợ chồng ông Diệp Văn Kỳ lên Sài Gòn mở nhà in và làm báo.

Trong khi chờ có giấy phép xuất bản tờ Thần Chung, năm 1927 ông Kỳ “sang lại” tờ Đông Pháp Thời Báo đang xuống dốc của ông Nguyễn Kim Đính do Nam Kiều Trần Huy Liệu làm chủ bút, viết bài kích thích lòng yêu nước của đồng bào nhân đám tang cụ Phan Chu Trinh, sau đó Nam Kiều đã bị bắt.

Năm 1929 ông xin phép được ra tờ Thần Chung với một bộ biên tập được coi là “mạnh nhất các thời kỳ” gồm Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Nguyễn Văn Bá, Đào Trinh Nhất, Nam Đình, Vân Trình, Phan Văn Hùm... Thần Chung ngoài thông tin còn có phụ trang văn nghệ hằng tuần do Tản Đà phụ trách.

Có một chuyện được kể lại về ông Kỳ và nhà thơ Tản Đà như sau. Số là một ngày thấy trang văn nghệ có vẻ xuống sắc, ông Kỳ vô Gò Vấp, nơi ông Tản Đà ở, gặp Tản Đà và hỏi: “Có chuyện gì sao?”.

Tản Đà nói: “Từ ngày về làm Thần Chung, nhiều chủ nợ tưởng tôi đã giàu có nên gửi thơ đòi nợ nhiều quá, viết không được”. “Thiếu bao nhiêu?”. “Độ một ngàn đồng”. Nghe xong, ông Kỳ cười: “Tưởng nhiều chớ có một ngàn... Thôi đi nhậu với tôi”.

Và ông cặp cổ Tản Đà đi nhậu. Sáng hôm sau, ông Kỳ gặp Tản Đà và móc túi đưa một ngàn đồng nói: “Anh cầm tiền nghỉ 15 ngày về lo nợ nần đi”. Thời kỳ này lúa chỉ có 2 cắc/giạ, một ngàn đồng mua được khoảng một chục ghe lúa!

Tiếp tục Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung cũng mạnh miệng đánh động lòng yêu nước, lại có những bài viết về chính trị. Loạt bài "Ngồi tù Khám Lớn" của Phan Văn Hùm đăng một thời gian thì bị cấm đăng.

Loạt bài về vụ án Barbier liên quan đến Đảng Cách mạng, rồi những bài cổ động cho Nguyễn Văn Bá - Nguyễn Đình Trị tranh cử hội đồng thành phố khóa 1929-1933 thu hút mạnh mẽ độc giả. Những bài viết có khuynh hướng đối lập trên Thần Chung bị chính quyền để ý và năm sau, 1930, thì bị đóng cửa.

Báo Phụ Nữ Tân Văn - Ảnh tư liệu
Báo Phụ Nữ Tân Văn - Ảnh tư liệu

Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam...

Khi Thần Chung bị đóng cửa, phần lớn ký giả của báo này về đầu quân cho tuần báo Phụ Nữ Tân Văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận, cũng ra đời trong năm 1929.

Cần nói rõ một chút về Nguyễn Đức Nhuận. Thời kỳ này làng báo Sài Gòn có ba người cùng tên Nguyễn Đức Nhuận. Đó là ông Nguyễn Đức Nhuận (1900-1968), người Trà Vinh, nhà kinh doanh vải ở số 42 đường Catinat, là chủ báo Phụ Nữ Tân Văn.

Nguyễn Đức Nhuận tự Bút Trà (1900-1981), người Quảng Ngãi, nhà thơ, chủ báo Sài Gòn (sau này là Sài Gòn Mới) và ông Nguyễn Đức Nhuận nhà văn có bút danh Phú Đức (1900-1970), người Gia Định, chủ bút tờ Công Luận Báo.

Phụ Nữ Tân Văn, tuần báo ra ngày thứ năm, số đầu tiên ra ngày 2-5-1929 do bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh) làm quản lý và chủ bút, là tờ báo đấu tranh cho nữ quyền và là tờ báo phụ nữ thứ hai ra đời ở những thập niên đầu thế kỷ 20.

Với chủ trương “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”, Phụ Nữ Tân Văn là báo địa phương đầu tiên ở Sài Gòn bán ra miền Trung và Bắc.

Nhà văn Thiếu Sơn đánh giá: “Danh nghĩa thì vẫn là tờ báo của phụ nữ, nhưng ai đọc nó cũng thấy có cái hạp ý mình và không có vấn đề thời cuộc nào mà nó không nói đến.

So sánh với những báo trong Nam như Đông Pháp Thời Báo hay Thần Chung thì nó ôn hòa hơn. Nhưng so sánh với báo ngoài Bắc lúc bấy giờ thì nó lại dám ăn dám nói nhiều hơn. Bởi thế nên Phụ Nữ Tân Văn có rất nhiều độc giả ở Trung, Bắc” (Thiếu Sơn - Hồi ký một đời người, tạp chí Phổ Thông số 13 ngày 15-6-1959. Nguyễn Ngu Í, trích lại trong Thử nhìn lại 100 năm báo chí, tạp chí Bách Khoa Thời Đại số 217 ngày 15-1-1966).

Tờ báo không chỉ mạnh về thông tin mà còn mạnh cả về hoạt động bên ngoài mặt báo. Báo đã tổ chức gây quỹ học bổng cho học sinh du học và đưa được hai học sinh Nguyễn Hiếu và Lê Văn Hai sang Pháp học.

Báo tổ chức quyên góp và thành lập Hội Dục anh để giúp trẻ em nghèo mà cơ sở ngày nay vẫn còn trước chợ Thái Bình. Báo cũng vận động thành lập Ban cứu tế phụ nữ nghèo, Hội chợ phụ nữ, tổ chức “bữa cơm bình dân” miễn phí cho người nghèo tại Sài Gòn...

Dấu ấn để lại mạnh nhất của Phụ Nữ Tân Văn là đấu tranh cho nữ quyền, đòi hỏi phụ nữ phải được bình đẳng và dẫn đầu phong trào “Thơ mới”.

Ngày 20-12-1934, vì nhiều lý do, trong đó có cả việc khủng hoảng kinh tế thế giới, Phụ Nữ Tân Văn đình bản. Đánh giá sự thành công của tờ báo, nhà văn Thiếu Sơn viết: “Phần lớn là do ông bà Nguyễn Đức Nhuận, tuy ở giới buôn bán to mà biết chiêu hiền đãi sĩ, biết đối xử và thù lao xứng đáng với những người hợp tác, có nhiều sáng kiến và biết tán thành sáng kiến của người khác”.

_________

Kỳ tới: Chuyện làm báo những năm 1920

Một cái nhìn chi tiết chưa từng có về hoạt động báo chí ở Sài Gòn thời thuộc địa, của tác giả Phillipe M.F. Peycam

TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp