Lực lượng này có chức năng, nhiệm vụ gì? Thiếu tướng PHẠM CÔNG NGUYÊN, cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), chia sẻ thêm cùng bạn đọc Tuổi Trẻ.
Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng an ninh, trật tự cơ sở vừa ra mắt sáng 1-7
Tổ chức, tiêu chuẩn tham gia lực lượng an ninh, trật tự cơ sở
* Đến nay việc chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng đã được chuẩn bị như thế nào trên cả nước, thưa ông?
- Khi Quốc hội bấm nút thông qua luật, Chính phủ, Bộ Công an đã ngay lập tức có kế hoạch hoàn thiện cơ sở pháp lý, phổ biến tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện vật chất, trang bị, công cụ... để phục vụ tốt nhất cho sự ra đời, hoạt động của lực lượng.
Thời gian qua, Bộ Công an đã cố gắng tập trung xây dựng các nghị định, thông tư để có hiệu lực cùng với ngày luật có hiệu lực. Đồng thời phối hợp với chính quyền và công an 63 tỉnh, thành phố để tham mưu cho HĐND ban hành các nghị quyết bố trí tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và số lượng tổ viên mỗi tổ, chế độ chi trả hằng tháng với lực lượng.
Đến nay cơ bản tất cả các tỉnh thành đã ban hành nghị quyết về tổ chức lực lượng ở cơ sở, điều kiện cần thiết để họ làm việc như về trang phục, công cụ, phương tiện hỗ trợ, chế độ, chính sách, chi trả hỗ trợ hằng tháng.
Bộ Công an đã chọn một số địa phương như Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Hà Nội... để ra mắt lực lượng này trong hôm nay 1-7. Đảm bảo sau ngày 1-7, lực lượng này đi vào hoạt động chính quy, bài bản.
* Việc tổ chức của lực lượng này sẽ được thực hiện như thế nào? Dự kiến mỗi thôn, xã sẽ tổ chức bao nhiêu tổ, đội và dự kiến số lượng tổ viên là bao nhiêu?
- Luật quy định thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Cùng với đó, được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Dự kiến mỗi tổ sẽ có 3 - 5 thành viên. Tính đến hết tháng 12-2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721 thôn, tổ dân phố.
Theo quy định của luật, địa bàn phụ trách của tổ bảo vệ an ninh, trật tự là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Do vậy căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để tổ chức triển khai, đồng thời quy định cụ thể số lượng tổ, thành viên của mỗi tổ.
* Tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia lực lượng này được quy định thế nào?
- Luật quy định một số tiêu chuẩn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền. Cụ thể tuyển chọn công dân từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe có nguyện vọng tham gia thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.
Bên cạnh đó phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
Người đã chấp hành xong bản án của tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Về trình độ văn hóa phải có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Người tham gia phải đang thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra phải có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Góp phần bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
* Sự ra đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có tác động tích cực như thế nào đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, thưa ông?
- Sự ra đời của lực lượng này sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cùng với đó kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn.
Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở. Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
* Một vấn đề được quan tâm là chế độ, chính sách, thu nhập, bảo hiểm với lực lượng sẽ ra sao?
- Luật quy định người tham gia lực lượng được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ hằng tháng.
Bên cạnh đó người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh...
Lực lượng cũng được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại luật. Hiện Chính phủ đã ban hành nghị định 40/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
* Lực lượng này sẽ được trang bị những loại công cụ hỗ trợ gì khi thực hiện nhiệm vụ?
- Theo quy định của luật, lực lượng được huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tham gia diễn tập, hội thi theo quy định của Bộ Công an.
Thông tư 14/2024 của bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục, tiêu chuẩn, niên hạn trang bị công cụ hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bao gồm dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao.
Không làm "phình to" bộ máy, tăng chi phí
* Nhiều ý kiến băn khoăn về việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ "phình to" bộ máy. Ông có thể giải thích rõ về điều này?
- Việc ban hành luật không làm hình thành nên tổ chức bộ máy mới, không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà lực lượng này được kiện toàn, thống nhất lại từ các lực lượng đang có gồm: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Việc kiện toàn lại lực lượng như vậy giúp tập trung vào một đầu mối, điều kiện, cơ sở hạ tầng, giúp nâng cao hiệu quả công tác. Như vậy không làm tăng thêm số lượng người tham gia do không xây dựng lực lượng mới và không "phình to" bộ máy.
Về chi trả ngân sách với lực lượng này tùy theo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự mỗi địa phương. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế - xã hội, xu hướng chung, Nhà nước luôn quan tâm đến mọi người trong xã hội nên mức chi trả sẽ tăng so với sự phát triển kinh tế của địa phương.
6 nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nắm tình hình về an ninh, trật tự.
2. Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
3. Hỗ trợ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4. Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội.
5. Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở.
6. Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
* Anh Bùi Minh Tuấn (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM):
Huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng
Hiện tại lực lượng đảm bảo trật tự tại cơ sở như bảo vệ dân phố đã thực hiện tốt vai trò của mình là hỗ trợ lực lượng công an chính quy việc đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường... Tuy nhiên tôi mong sau khi luật hóa thì lực lượng này phải làm sao nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, chủ động giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở.
Qua đó giúp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn. Tôi cũng cho rằng luật cần quy định cụ thể số lượng người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như các chức danh trong lực lượng này; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của đội trưởng, đội phó... cũng như nơi ở, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện trang bị cho họ, kể cả trợ cấp đối với người có bằng cấp chuyên môn, đại học khi tham gia lực lượng.
Đồng thời lực lượng này cũng phải được công an huấn luyện thêm nghiệp vụ để đáp ứng phù hợp với công việc mình thực hiện.
* Thượng tá Nguyễn Thị Kim Dung (phó trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La):
Hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự địa phương
Tỉnh Sơn La được Bộ Công an lựa chọn là một trong các địa phương tổ chức điểm lễ ra mắt lực lượng vào sáng 1-7. Tỉnh Sơn La hiện có 2.248 khu dân cư, tương ứng sẽ thành lập 2.248 tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Mỗi tổ sẽ có 3 thành viên, trong đó có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó, 1 thành viên. Đến nay Sơn La đã kiện toàn được 6.744 thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Tổ sẽ nắm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các thôn, bản, khu dân cư phụ trách. Các thành viên sẽ là kênh trao đổi thông tin liên lạc với công an chính quy, phát huy tính cơ động, linh hoạt, hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng. Lực lượng này sẽ vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật... hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra các hậu quả phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở. D.TRỌNG
* Ông Trần Ngọc Lương (giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Đức Lương, tỉnh Bình Dương):
Cần tránh chồng chéo, lãng phí
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất cần thiết, đặc biệt tại các địa bàn nhiều người nhập cư như Bình Dương, Đồng Nai... Đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an cấp xã, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh trật tự.
Qua theo dõi như tại Bình Dương trước đây đã có các mô hình như "hiệp sĩ phòng chống tội phạm", đội cơ động xử lý sự cố giao thông... Nghĩa là trước đây sự tham gia của người dân trong việc hỗ trợ bảo vệ an ninh, trật tự góp phần vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có. Nay được luật hóa sẽ có hành lang pháp lý rõ ràng hơn, cũng như căn cứ để có chế độ hỗ trợ cho lực lượng cơ sở.
Tôi được biết với các địa phương có sự biến động dân số cơ học cao, nhiều người nhập cư thì công an cấp xã, phường có thể sẽ bị quá tải. Có thêm sự tham gia của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ hỗ trợ công an, chính quyền rất tốt. Nhưng theo tôi, khi triển khai cần chặt chẽ, có sự giám sát để tránh chồng chéo, lãng phí, thậm chí là phòng ngừa cả những trường hợp lạm quyền nếu có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận