Luật sư Gooi Soon Seng của bị cáo Indonesia Siti Aishah trong phiên tòa đầu tiên ngày 1-3 - Ảnh: AFR |
Có mặt trong bên trong phòng xử ngày 13-4, phóng viên của đài Channel News Asia (CNA) tường thuật rằng các luật sư của hai nữ bị cáo Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương đều tố phía cảnh sát Malaysia đã gây nguy hại tới việc bảo vệ thân chủ khi cho phép 3 nghi can người Triều Tiên trốn trong Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở Malaysia về nước.
Ba người này bị cảnh sát Malaysia truy tìm nhưng lại được lên máy bay về nước cùng lúc với 9 công dân Malaysia ở Bình Nhưỡng theo một thỏa thuận giữa chính quyền hai nước vào ngày 30-3.
Phía Malaysia tuyên bố không có đủ lý do để giữ 3 người Triều Tiên này, tương tự như cách họ đã thả "chuyên gia hóa học" Triều Tiên Ri Jong Chol trước đó.
Sự thỏa hiệp giữa Malaysia và Triều Tiên về vấn đề ''thả người'' rõ ràng làm dịu nhanh những căng thẳng trong quan hệ hai nước suốt mấy tuần liền từ sau vụ một công dân Triều Tiên nghi là Kim Jong Nam bị sát hại (ngày 13-2) ở Malaysia.
Tuy nhiên, theo luật sư Gooi Soon Seng, cách đó lại gây nguy hại tới hai nữ bị cáo, những người nếu bị kết án sẽ phải đối mặt với án tử hình.
Theo ông Gooi, chính quyền Malaysia đã để cho nghi can có tên "James" - 1 trong 3 người Triều Tiên trốn trong Đại sứ quán Triều Tiên, lên máy bay về nước bất chấp việc người này có dính líu tới bị cáo Siti và được cô nhắc tới trong quá trình điều tra.
Cảnh sát Malaysia xác nhận James chính là Ri Ji U, 30 tuổi, tên trẻ tuổi nhất trong số 8 nghi phạm Triều Tiên liên quan nghi án Kim Jong Nam. Ri là người đã dụ dỗ bị cáo Siti tham gia nhiều trò "chơi khăm" và trả tiền cho cô sau mỗi lần thực hiện - Ảnh: Cảnh sát Malaysia |
Trong đơn khiếu nại trình lên tòa Sepang ngày 13-4, luật sư Gooi nói đã 5 lần viết thư cho cảnh sát Malaysia, đề nghị được cung cấp thêm thông tin bao gồm các đoạn video thu được từ camera an ninh ghi lại sự việc ngày 13-2 ở sân bay Kuala Lumpur KLIA2 và lời khai của 3 nghi phạm Triều Tiên trốn trong Đại sứ quán Triều Tiên. Tuy nhiên, cả 5 lần ông đều không nhận được sự hồi đáp của cảnh sát Malaysia, đài CNA dẫn đơn khiếu nại cho biết.
"Chúng tôi không được phép thiếu sót (các thông tin như thế này) trong quá trình chuẩn bị", luật sư Gooi bức xúc.
Đài CNA cũng cho biết luật sư của bị cáo Đoàn Thị Hương nói đã 2 lần viết thư cho cảnh sát Malaysia với yêu cầu tương tự.
Phiên tòa ngày 13-4 đã diễn ra và kết thúc nhanh chóng. Tòa quyết định dời sang ngày 30-5 vì chưa đủ thông tin cần thiết.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP trước phiên tòa hôm nay, ông Gooi lo ngại công tác bảo vệ thân chủ sẽ gặp khó khăn do Malaysia đã chọn cách thỏa hiệp. Điều này đẩy tình thế của bị cáo Siti người Indonesia vào vị trí "giơ đầu chịu báng".
Trong suốt quá trình điều tra, luật sư Gooi đã yêu cầu cảnh sát Malaysia và các nhân chứng không được đưa ra các bình luận hay chỉ trích công khai nhắm vào thân chủ. Trước đó, cảnh sát Malaysia đã nhiều lần tiết lộ về hai nữ nghi phạm và được truyền thông quốc tế dẫn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận