Bị cáo Đặng Thanh Bình tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Chiều 27-6, phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Thanh Bình - nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục phần tranh luận.
Sau phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát (VKS), bị cáo Đặng Thanh Bình và các luật sư đã có phần bào chữa về mức án, trách nhiệm hình sự của bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 15.000 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Quyết định tái cơ cấu ngân hàng là của tập thể lãnh đạo NHNN
Các luật sư bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình đề nghị xác định trách nhiệm của bị cáo là gì trong việc tái cơ cấu VNCB. Theo luật sư, các văn bản quy định về trách nhiệm của ông Bình có nêu rõ ông chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác thanh tra giám sát.
Luật sư cũng nêu dẫn chứng bằng các văn bản họp cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu VNCB. Cụ thể, sau một phiên họp giao ban có nội dung về tái cơ cấu ngân hàng, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phê vào văn bản yêu cầu ông Đặng Thang Bình thực hiện theo nội dung giao ban.
“Quyết định tái cơ cấu ngân hàng là của tập thể lãnh đạo NHNN chứ không phải của ông Đặng Thanh Bình”, luật sư nhấn mạnh.
Luật sư bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Luật sư cũng nêu việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín kéo dài một năm, sau đó có phê duyệt chính thức tái cơ cấu. Trong thời gian một năm này, cơ quan thanh tra giám sát có nhiều báo cáo, lãnh đạo ngân hàng cũng có nhiều chỉ đạo về việc tái cơ cấu.
Khi tổ giám sát và cơ quan thanh tra báo cáo về những nguy cơ tái cơ cấu thì ông Đặng Thanh Bình cũng đã có công văn nêu ý kiến quan ngại về tình hình ngân hàng và cần phải thực hiện các biện pháp giám sát đối với ngân hàng.
Luật sư đặt vấn đề rằng hậu quả vụ án này đã xảy ra nhưng thời điểm đó nhiều ngân hàng cũng tái cơ cấu tại sao chỉ VNCB mới bị xảy ra sai phạm? Nguyên nhân này có phải là do tái cơ cấu hay không? Theo luật sư, rõ ràng việc thực hiện phương án tái cơ cấu rất thận trọng mà vấn đề chính là do Phạm Công Danh quá tinh vi.
Đồng thời, luật sư cũng cho rằng có trách nhiệm của công tác thanh tra và giám sát xử lý vi phạm. Những vi phạm của ông Danh nếu được phát hiện kịp thời thì không có hậu quả. Nhưng hậu quả xảy ra rồi thì phải xem nguyên nhân trong đó có trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát chứ không phải trách nhiệm của ông Bình.
“Hậu quả trong vụ án này không có mối quan hệ nhân quả với hành vi của các bị cáo trong vụ án” - luật sư nhận định. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX đánh giá khách quan vụ án và đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự của ông Bình.
“Mức án đến 5 năm tù là áp lực rất lớn đối với ông Bình và đối với nhiều người đang công tác trong ngành ngân hàng. Tôi không nói đến việc né tránh trách nhiệm nhưng trong quy trình xử lý công việc thì chúng tôi mong muốn quá trình xem xét tổng thể các vấn đề trách nhiệm công chức của ông Bình” - luật sư của ông Bình nhấn mạnh.
Thực hiện tái cơ cấu trong khi không có tí quy trình nào?
Tự bào chữa, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng kinh tế nước ta giai đoạn năm 2011 - 2012 rất khó khăn, cả bên trong và bên ngoài, nguy cơ đổ vỡ là thường trực. Khi đó, lạm phát rất cao và mức lãi suất trên thị trường cao chưa từng thấy, lãi suất liên ngân hàng lên đến 15-17%, lãi suất cho vay doanh nghiệp 25-26%, cá biệt có trường hợp lên tới 30%.
"Điều đó có nghĩa rằng, chỉ cần một động thái rất nhỏ thôi thì hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào trạng thái đe dọa an ninh tiền tệ. Đó là bối cảnh của thời kỳ tái cơ cấu. Chúng ta thực hiện tái cơ cấu trong khi nguồn lực không có, ngân sách chi hạn chế. Chúng ta tái cơ cấu mà không có một quy định nào về tái cơ cấu, cũng không được chuẩn bị về kinh nghiệm trong khi tái cơ cấu là việc phải làm, buộc phải làm, đó là điều tôi mong muốn HĐXX xem xét" - ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận