Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF - Ảnh tư liệu TT |
Với sự đầu tư của Nhà nước và FIFA, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF đã được rót không dưới 100 tỉ đồng, nhưng sau bảy năm đi vào hoạt động “lò” đào tạo này không sản sinh được cầu thủ bóng đá nào.
Ngoài số tiền đầu tư ban đầu ấy, mỗi năm trung tâm này còn được nhận 6 - 8 tỉ đồng để duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Tài chính Tổng cục TDTT, cho biết: “Tùy vào kế hoạch do VFF xây dựng, trong nhiều năm liền tổng cục chi mỗi năm 8 tỉ đồng, năm ít thì 6 tỉ đồng để làm riêng việc đào tạo trẻ. Tuy nhiên cũng có năm VFF không chi hết vì không có dự án tốt, sau đó phải trả lại tiền cho Tổng cục TDTT”.
Trong đợt tinh giản biên chế và tổ chức lại lao động của VFF năm 2015, VFF cho nghỉ việc sáu nhân viên trong tổng số 67 nhân viên của VFF, chiếm 10% lao động.
Trong số này có hai người đã làm đơn tố cáo việc cho nghỉ việc của VFF với họ là không có căn cứ, vi phạm pháp luật, đó là ông Nguyễn Văn Chương (phó phòng bóng đá phong trào, nguyên quyền giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ) và ông Lại Đức Lợi (nhân viên văn phòng VFF).
Bốn người còn lại cho đến lúc này thì chỉ có một người ký vào biên bản chấp nhận nghỉ việc không có khiếu nại gì, ba người khác đến thời điểm này vẫn chưa có ý kiến.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-6, luật sư Vũ Thị Thu Hà, giám đốc Công ty luật ATS - đơn vị đã được VFF ủy quyền về mặt pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hợp đồng của người lao động với VFF, nói: “Với những chứng cứ đang có trong tay, tôi có thể nói rằng việc VFF cho ông Nguyễn Văn Chương và một số nhân viên khác nghỉ việc theo diện tinh giản biên chế và tổ chức lại lao động là đúng pháp luật.
Hôm nay (17-6), chúng tôi sẽ làm việc với Công ty luật Galaxy - đơn vị được anh Chương và anh Lợi ủy quyền - để giải quyết sự việc. Theo quy định của pháp luật, VFF sẽ giải quyết khiếu nại lần đầu của người lao động.
Nếu người lao động thấy chưa thỏa đáng sau đó có thể gửi đơn khiếu nại đến chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội hoặc đưa ra tòa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận