Ảnh minh họa - Ảnh: T.L.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022.
Theo đó, pháp lệnh quy định sẽ phạt tiền từ 8 - 15 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra mặc dù được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu giữ bí mật.
Cũng với hành vi này, mức phạt đối với người tham gia tố tụng sẽ từ 4 - 8 triệu đồng.
Mức phạt sẽ từ 15 - 30 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra. Cũng với hành vi này thì mức phạt đối với người tham gia tố tụng là từ 8 - 15 triệu đồng.
Nếu luật sư xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện theo nhiệm vụ của tòa án sẽ bị phạt từ 15 - 30 triệu đồng.
Mức phạt trên cũng áp dụng với hành vi luật sư xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của tòa án. Hoặc luật sư đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án.
Mức phạt từ 30 - 40 triệu đồng sẽ áp dụng nếu luật sư lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng khai báo gian dối. Hoặc luật sư đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại đến sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Pháp lệnh cũng quy định trong một số trường hợp vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Việc xử phạt này sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Trước đó, nghị định 82 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định rõ về 7 hành vi vi phạm bị tước chứng chỉ hành nghề luật sư từ 1 - 3 tháng.
Ngoài ra, có 10 hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép từ 6 tháng đến 9 tháng.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về pháp lệnh này vào ngày 18-8, nội dung tước giấy phép hành nghề luật sư đã nhận được nhiều ý kiến.
Trong đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng hầu hết các vi phạm tố tụng diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm do TAND cấp huyện xét xử.
Theo quy định, chủ tịch tỉnh mới có quyền tước giấy phép của luật sư, như vậy tòa sơ thẩm lại làm hồ sơ chuyển cho chủ tịch tỉnh, chứ không phải chuyển cho chủ tịch huyện. Ông Bình cho rằng thời gian xử lý như vậy sẽ bị kéo dài, không kịp thời.
“Người ta rất quan ngại về việc tước giấy hành nghề của luật sư” - ông Bình nói thêm và cho rằng việc tước giấy phép thông thường phải thông qua một trình tự “rất nghiêm khắc”, không phải làm được ngay.
“Nếu như ông luật sư nào bị phạt tiền 2, 3 lần ở các phiên tòa như pháp lệnh này quy định thì đấy là tích tụ những sai phạm, là căn cứ để chủ tịch tỉnh hay cấp có thẩm quyền tước giấy phép của ông trong tương lai theo trình tự của việc tước giấy phép.
Việc phạt của pháp lệnh này không loại trừ việc phạt tước giấy phép của nghị định 82” - ông Bình nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sau đó nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đối với luật sư, tương tự như đã được quy định tại nghị định 82. Về thẩm quyền tước giấy phép thuộc chủ tịch tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận