Phóng to |
Bầu Kiên chuẩn bị tài liệu trước phiên xét xử chiều 27-5 - Ảnh: T.L |
Trong phần bào chữa tại phiên tòa chiều 27-5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB) đề nghị được tự bào chữa trước nhưng Hội đồng xét xử không đồng ý, để các luật sư bào chữa trước theo đúng trình tự.
Trong phần tranh luận buổi sáng, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù về 4 tội danh: Lừa đảo, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội để cho các luật sư trình bày bào chữa đối với các bị cáo theo từng nhóm tội. Bào chữa cho các thân chủ của mình, nhiều luật sư cho rằng cáo trạng truy tố đối với các bị cáo là không đúng người, đúng tội.
Có sai khi ký hợp đồng, nhưng không lừa đảo
Bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc công ty ACB), luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng hành vi của bị cáo Trần Ngọc Thanh chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như VKS truy tố vì ông Thanh không có động cơ, không mục đích, không thống nhất thỏa thuận ăn chia với ông Nguyễn Đức Kiên.
Trong phần tranh luận, VKS cáo buộc Trần Ngọc Thanh cùng với Nguyễn Đức Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán công ty ACBI) kí hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần đã thế chấp tại ngân hàng ACB cho công ty Thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỉ đồng của công ty này. VKS cũng đề nghị mức án cho Thanh từ 9-12 năm tù.
Luật sư cho rằng hành vi của bị cáo Trần Ngọc Thanh chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về vị trí của bị cáo tại ACBI, luật sư cho rằng ông Thanh chỉ là người lao động, hưởng lương theo hợp đồng và thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyên Đức Kiên. Việc kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ông Thanh không được bàn bạc trước, phương thức giao dịch ông không được biết mà do Nguyễn Đức Kiên quyết định.
“Tôi cho rằng toàn bộ các bút lục có trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với nhau, đã chứng minh sự thật khách quan là bị cáo Thanh không chiếm đoạt 264 tỉ đồng. Giữa các bị cáo không có sự thống nhất về ý chí hành vi. Ông Thanh hoàn toàn tin tưởng vào ông Kiên, tin tưởng vào việc 20 triệu cổ phần sẽ được ACB giải chấp", luật sư Thanh nói.
Luật sư Thanh kiến nghị: "Hành vi của ông Thanh chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm tội của bị cáo Thanh là có nhưng tội gì thì đề nghị HĐXX xem xét”. Luật sư cũng cho rằng mức đề nghị của VKS là “quá nặng” với ông Thanh.
Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Thanh, luật sư Trần Đình Tuấn cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Thanh đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên là không khách quan. Trần Ngọc Thanh biết tài sản đang thế chấp tại ACB nhưng thay thế tài sản khác là việc làm của HĐQT chứ không phải của ông Thanh.
Bào chữa cho mình, bị cáo Thanh cho rằng bản thân có sai phạm trong việc kí hợp đồng nhưng không có ý thức gian dối chiếm đoạt tiền của công ty Thép Hòa Phát.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng công ty ACBI), luật sư Phạm Thanh Phong - đoàn luật sư TP. Hà Nội - cũng cho rằng bị cáo Yến không có thủ đoạn gian dối, không có ý chí chiếm đoạt mà buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo ACBI. Luật sư cho rằng thực chất đây là vụ mua bán cổ phần, cổ phiếu, có thỏa thuận, có giao dịch chứ không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc thế chấp cổ phần chỉ làm hạn chế một số quyền của ACBI đối với số cổ phần này.
Luật sư Phong cũng nói trong vụ án không xác định được chủ thể bị thiệt hại (Thép Hòa Phát đã được cơ quan điều tra trả lại 264 tỉ), vì vậy việc cáo buộc tội lừa đảo đối với các bị cáo là chưa có cơ sở.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc công ty ACBI) - Ảnh: T.L |
Chuyển nhượng cổ phần Thép Hòa Phát: chỉ là giao dịch dân sự
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo, luật sư Ngô Huy Ngọc (đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng đây chỉ là vụ giao dịch dân sự. “Tôi không thể hiểu quan hệ phá luật nào đã chen ngang vào việc các doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch dân sự bình thường” - Luật sư Ngọc nói.
Theo luật sư Ngọc, VKS cáo buộc các bị cáo đã lập khống biên bản của HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp cho phép các thành viên HĐQT được họp bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó được thể hiện ý chí bằng văn bản.
Luật sư Ngọc cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần giữa ACBI và Thép Hòa Phát thực chất là hành vi hoán đổi không trái pháp luật.
“Họ đã có với nhau các giao dịch từ trước đó rất lâu rồi, các giao dịch này dựa trên cơ sở tình cảm. Việc quy kết ông Kiên chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Thép Hòa Phát là một quy kết đau đớn", luật sư phát biểu.
Luật sư Ngọc cho rằng việc giao dịch, chuyển 264 tỉ đồng là của 2 pháp nhân đối với nhau chứ không phải cá nhân. Hoàn toàn trong quá trình đó ông Kiên không hề can thiệp, đây là giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại, Luật dân sự. Hai bên không có bất cứ phản ánh, tố cáo nào.
Vậy VKS quy kết Nguyễn Đức Kiên phạm tội dựa trên cơ sở nào? - Luật sư Ngọc đặt vấn đề.
Sáng mai 28-5, phiên tòa vẫn tiếp tục với phần bào chữa của luật sư và các bị cáo.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận