Một buổi tập luyện hồi phục sức khỏe cho học viên cai nghiện tại trung tâm cai nghiện - Ảnh: TÂM LÊ
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về Luật phòng, chống ma túy năm 2021 được tổ chức mới đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, cục trưởng C04, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều kế hoạch, phương án phòng, chống tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn, song chưa ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Theo cục trưởng C04, Luật phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
"Quy định của luật sát với thực tiễn, giúp công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy", thiếu tướng Viện nói.
Hạn chế gia tăng người nghiện
Trung tá Hoàng Văn Hiều, phó trưởng Phòng 2 (C04), cho biết trong những năm qua, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Trung bình hằng năm phát hiện khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến loạn thần, "ngáo đá" gây ra một số vụ thảm án làm mất an ninh trật tự.
Trước thực trạng trên, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã có 1 chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, giúp họ không tiếp tục sử dụng ma túy, góp phần hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy, cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trung tá Hoàng Văn Hiều thông tin một số điểm mới của Luật phòng chống ma túy 2021 - Ảnh: THÂN HOÀNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Lập - nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - cho hay Luật phòng chống ma túy 2021 có 4 tác động chính.
Đầu tiên, luật này sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.
Tiếp đó, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ, người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy…
Theo các quy định của luật mới, nguồn lực dành cho cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý người sau cai nghiện… cũng được tăng cường, đảm bảo.
Cuối cùng, luật bảo đảm nguồn lực phòng, chống ma túy đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới (giáp Lào, Campuchia, Trung Quốc) và địa bàn phức tạp về ma túy.
"Luật tác động đến chính thanh niên người dân tộc tại vùng biên giới. Vì nếu không có công ăn việc làm, không được dạy nghề, tạo việc làm và phát triển sinh kế, không bảo đảm được cuộc sống thì họ sẽ dễ bị sa ngã, mua chuộc, tham gia trồng cây cần sa, cây thuốc phiện, vận chuyển và buôn bán ma túy, thậm chí là buôn bán người", ông Lập phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Lập - nguyên cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo ông Lập, luật cụ thể hóa việc người sử dụng chất ma túy trái phép được quản lý tại gia đình, cộng đồng với thời hạn 1 năm sẽ đảm bảo công tác giáo dục, dự phòng và răn đe.
Bởi lẽ, người mới sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu có thể gây nhiều hệ lụy cho chính họ, gia đình và cộng đồng nhưng đưa họ vào quản lý trong cơ sở tập trung, khu cách biệt thì sẽ tạo gánh nặng cho các cơ sở như quá tải nguồn lực, lực lượng quản lý, ngân sách…
Ngăn chặn ‘từ sớm, từ xa’
Ông Lập cũng đánh giá quy định đưa người nghiện đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc do tòa án nhân dân cấp huyện quyết định đã khắc phục khoảng trống giữa Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống ma túy sửa đổi 2008.
"Điểm này thể hiện sự tiến bộ, hài hòa trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập phát triển và thực hiện tốt quyền công dân, quyền con người, đặc biệt đối với trẻ em", ông Lập nói.
Về việc xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy, ông Lập chỉ rõ Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật cụ thể về giảm các loại thuế, chế độ đối với người cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện tự nguyện.
"Áp dụng ra sao để cơ sở tư nhân và cơ sở công lập đều hưởng chính sách đảm bảo công bằng kể cả đào tạo đội ngũ cán bộ", ông Lập nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thiên Quang (Công ty Luật hợp danh Anh Vũ) cho rằng Luật phòng chống ma túy 2021 với 17 điểm mới về nội dung đã căn bản khắc phục bất cập trong cai nghiện ma túy hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực tiễn.
Chẳng hạn, Luật phòng, chống ma túy 2021 có một chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trên tinh thần quản lý ngay từ lần đầu tiên phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép để ngăn chặn "từ sớm, từ xa".
"Nếu việc thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện có vi phạm, lập tức sẽ chuyển sang cai nghiện ma túy bắt buộc. Các trường hợp gây hại cho xã hội trên thực tế là trường hợp cai nghiện ma túy tự nguyện tại nhà còn do sự thiếu quản lý của gia đình, sự hờ hững của cộng đồng...
Do đó, các cấp, ngành chức năng cần có sự quyết tâm, trách nhiệm cao hơn để luật thực sự đi vào cuộc sống", luật sư Quang cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận