Trong chừng mực nào đó, có thể rút ra từ câu chuyện này một bài học về cách xây dựng, áp dụng pháp luật nhằm đạt các mục tiêu cao đẹp mà luật pháp hướng tới.
Có sự khác biệt giữa cỗ máy tự động vận hành theo quy trình kỹ thuật đã được lập sẵn và con người ứng xử theo các chuẩn mực pháp lý đã được quy định. Cái máy cứ lầm lũi, lạnh lùng chạy theo đúng chương trình. Còn con người đứng trước một tình huống pháp lý nhạy cảm, có thể do sự đánh động của lương tri nên đã khựng lại một chút để suy nghĩ trước khi lựa chọn cách ứng xử. Sự đắn đo ấy đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp người trong cuộc là người nắm quyền lực công và giữ quyền ra quyết định có tác dụng thay đổi cuộc sống con người.
Nhân vật chính trong câu chuyện đã gây ra một vụ tai nạn giao thông và được xác định có lỗi trong vụ việc đáng tiếc đó. Vi phạm pháp luật với sự hiểu biết đầy đủ về hành vi của mình và có đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp lý thì phải bị chế tài. Điều này không thể tranh cãi. Song luật pháp nói chung được đặt ra suy cho cùng không chỉ để trừng trị, răn đe.
Việc xây dựng hệ thống chuẩn mực pháp lý nhằm tạo điều kiện cho mỗi chủ thể thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm lợi ích cho mình trên căn bản tôn trọng trật tự xã hội, đặc biệt tôn trọng lợi ích chính đáng của người khác.
Sản phẩm cuối cùng, đạt chuẩn của quá trình áp dụng pháp luật dứt khoát không phải là những phạm nhân quy phục trong vòng lao lý, mà phải là những công dân lương hảo, có khả năng đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng, sự tiến bộ của toàn xã hội.
Biện pháp chế tài đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh mục tiêu đặc thù được xác định như thế, cũng phải theo đuổi mục tiêu chung đó. Rõ hơn, chế tài, xử phạt không phải là dựa vào công lực để phục thù, trả hận. Sự răn đe của nhà chức trách nhân danh luật pháp phải bao hàm ý nghĩa giáo dục, uốn nắn, tạo điều kiện để người lỡ phạm sai lầm sửa sai và làm lại cuộc đời. Yêu cầu này được nhấn mạnh trong trường hợp người có hành vi phạm pháp ở độ tuổi còn quá trẻ.
Nếu không phải là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hết phương cải tạo thì việc trừng trị cần được thực hiện như thế nào để xã hội không mất một thành viên tốt: trong khoảng đời thật dài còn ở phía trước, người lầm lỡ sẽ còn có điều kiện chuộc lại lỗi lầm thông qua những việc tốt, điều hay mà mình là tác giả.
Có thể do nhiều nguyên nhân, văn bản luật không có đủ các quy tắc cần thiết cho phép xử lý tất cả tình huống đa dạng trong cuộc sống để luôn thỏa mãn các yêu cầu rất nhân văn ấy của luật pháp trong mọi trường hợp.
Tuy nhiên trong trường hợp của Đỗ Quang Thiện, hành vi phạm tội không quá nguy hiểm, người phạm tội lại có nhân thân tốt và gia đình, nhà trường tỏ ra tích cực hợp tác trong việc tạo điều kiện cho người phạm tội sửa chữa sai lầm. Trong hoàn cảnh ấy, cho phép hoãn thi hành án rõ ràng là sự lựa chọn hợp lý hơn so với việc máy móc thi hành ngay bản án đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận