Cho rằng người ta quan hệ bất chính với chồng mình nên mắng chửi, thấy chính quyền xử lý qua loa càng lấn tới, chặn đầu, đè người ta giữa đường lột quần áo cho mang nhục...
Phóng to |
Dư luận rất quan tâm và phẫn nộ trước (ảnh trên Tuổi Trẻ ngày 22-4). |
"Có luật, có chuẩn mực nhưng người ta vẫn thích gì làm nấy; điều đó có nghĩa là luật, chuẩn mực không hữu hiệu, không được người ta tôn trọng. Luật mà bị xếp xó thì xã hội sẽ rơi vào vòng nguy hiểm, có nguy cơ trở lại thời kỳ hoang dại, hỗn mang." Nguyễn Ngọc Điện |
Hàng loạt vụ xâm hại con người, từ vật chất tới tinh thần, từ tính mạng, sức khỏe tới phẩm giá diễn ra công nhiên, trắng trợn giữa thanh thiên bạch nhật trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý là người có hành vi phi chuẩn mực trong các trường hợp kể trên không phải là tội phạm chuyên nghiệp. Vả lại, không thể nói họ không biết, không hiểu luật pháp. Đúng hơn, họ bất chấp và ứng xử theo ý thích, theo bản năng; hậu quả xã hội, pháp lý ra sao mặc kệ.
Thật ra con người ta như bất kỳ động vật sống nào, vốn có thiên hướng tự do theo nghĩa đen, muốn đi đâu làm gì, lấy gì thì cứ đi, cứ làm, cứ lấy. Nếu cứ để cho thiên hướng ấy phát triển một cách tự nhiên thì với điều kiện con người sống trong cộng đồng, ai mạnh hơn, bạo hơn, dữ hơn sẽ thắng; ai yếu hơn phải chịu cảnh sống yếu hèn, bị ức hiếp, đày đọa. Có một thời mông muội, cuộc sống trong xã hội loài người đã diễn ra như thế.
Chính vì muốn dung hòa giữa tự do của người này và tự do của người khác mà luật pháp, chuẩn mực được đặt ra. Suy cho cùng, luật pháp nói chung chuẩn mực ứng xử nhắm đến mục đích cao nhất là tổ chức cho con người thực hiện quyền tự do của mình trong vòng trật tự, đặc biệt là để ngăn không cho con người sử dụng quyền một cách thái quá, cực đoan, trở nên tùy tiện, lộng hành, gây mất trật tự, thậm chí nguy hiểm đối với cộng đồng.
Đặc biệt, trong điều kiện xã hội đặt ra tiền bạc, quyền lực, thì muốn được yên thân trong hoàn cảnh cuộc sống xã hội không dựa vào chuẩn mực khách quan, người ta sẽ có xu hướng dựa vào quyền lực (cậy quyền, ỷ thế); khi đó công lực có nguy cơ bị tiền bạc chi phối, mua chuộc.
Người không có tiền thì dựa vào sức mạnh vật chất (cơ bắp, vũ khí) để có thể giao tiếp trong thế thượng phong và rốt cuộc bạo lực sẽ lên ngôi. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh là minh chứng cho quy luật ấy: nơi này khi bị bắt do vượt đèn đỏ thì tự xưng là con ông này, cháu bà kia để dọa công an; nơi kia chỉ vì va quẹt nhẹ giữa hai chiếc xe máy hoặc vô tình giẫm lên chân nhau khi đi lại mà cãi cọ, dẫn đến xử nhau trí mạng bằng vũ khí.
Giải pháp cho bài toán tái lập trật tự xã hội quá rõ: phải làm sao để luật pháp được tôn trọng, thực thi một cách phổ biến. Muốn vậy, trước hết phải tìm hiểu để biết tại sao luật pháp bị coi thường.
Có thể do việc làm luật bị các nhóm lợi ích thao túng; hậu quả là luật có quá nhiều quy tắc không hợp lý, bất công, chỉ nhằm bảo vệ một nhóm người có quyền thế, có tiền và ép uổng đối với phần còn lại của xã hội khiến người ta không phục, không theo. Có thể luật có nội dung tốt nhưng không được tổ chức, thực thi nghiêm chỉnh, mà chỉ được coi như vật trang sức; trên thực tế việc quản lý, điều hành dựa vào những công cụ khác.
Không khó để nhận ra trong cả hai trường hợp, trách nhiệm chính thuộc về nhà chức trách công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận