Sáng 9-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại tỉnh này.
Chung chi vì muốn yên ổn làm ăn
Hồ sơ của vụ án thể hiện có 53 người là chủ xe, doanh nghiệp, tài xế đã đưa hối lộ số tiền hơn 6 tỉ đồng cho thanh tra giao thông, với người đưa nhiều nhất hơn 780 triệu đồng.
Trong đó 49 người bị truy tố, xét xử về hành vi "đưa hối lộ". Những người còn lại được miễn truy tố vì bị ép hay có đơn tố giác trước khi cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã gọi hỏi các bị cáo về hành vi đưa hối lộ. Qua đó đã thể hiện "luật ngầm" của thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là cứ có xe chạy trên đường là phải "hiểu chuyện", phải chung chi hằng tháng trên mỗi đầu xe, mỗi địa bàn.
Có những bị cáo đưa hối lộ vì thừa nhận xe có vi phạm. Nhưng cũng có nhiều bị cáo đưa tiền vì họ muốn yên ổn làm ăn, muốn công việc thuận lợi dù xe mình không có lỗi gì.
Bị cáo Lê Văn Trọng bị xét xử về hành vi 15 lần chuyển 118 triệu đồng cho thanh tra viên Lâm Hữu Trí, khai mình có hai xe tải loại vừa chuyên chở cá phân từ Vũng Tàu đi Long Sơn, Đất Đỏ. Quá trình lưu thông xe có bốc mùi hôi thối nên nhiều lần bị thanh tra Trí dừng xử phạt. Sau đó, Trí yêu cầu Trọng phải chung chi tiền hằng tháng thì không bị dừng xe, xử phạt.
Còn Nguyễn Văn Duy có ba xe chuyên chở đất đá và liên tục bị thanh tra giao thông dừng xe. Thậm chí thanh tra giao thông lập chốt ngay đầu hầm đá, mỏ đất "canh me" dừng xe luôn.
Bức xúc quá, Duy đến gặp Trí hỏi vì sao xe không vi phạm mà bị kiểm tra hoài. Trí liền ra giá mỗi xe một tháng phải đóng 6,5 triệu đồng thì không dừng xe.
Tổng cộng Duy đã chuyển cho Trí hơn 111 triệu đồng.
Chuyển tiền trễ liền bị gọi điện nhắc
Bị cáo Lâm Nguyễn Thành Phát - nguyên là nhân viên kinh doanh của Công ty Vietranstimex - khai có những lần bận việc, chưa kịp chuyển tiền tháng liền bị thanh tra Trí gọi điện nhắc nhở.
Đáng chú ý trước khi Phát 22 lần chuyển 110 triệu đồng cho thanh tra Trí thì người tiền nhiệm của Phát là ông M. cũng đã chuyển tiền chung chi mỗi tháng 5 triệu. Do vậy Phát hiểu đây là "thông lệ" đã có từ trước.
Phát khai mình chỉ là người làm công với thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tiền "làm luật" cho thanh tra là tiền của công ty và làm theo chỉ đạo của trưởng phòng kinh doanh tên P..
Tòa đã cho gọi hỏi Trí để đối chất. Trí thừa nhận người tiền nhiệm của Phát tên M. đã chuyển tiền chung chi. Khi ông M. nghỉ giao lại việc cho Phát và có báo cho Trí biết.
Còn bị cáo Tô Công Hữu từng là chủ của 7 xe trộn bê tông thường xuyên chạy ở thị xã Phú Mỹ. Bị cáo khai xe mình không có lỗi quá tải, quá khổ, mà chỉ dừng đỗ khi chờ đổ bê tông cho công trình nên bị thanh tra giao thông xử lý lỗi này. Do đó tài xế đề xuất với kế toán chung tiền tháng cho thanh tra Phạm Văn Dương. Bị cáo Hữu đồng ý chi 5 triệu đồng/xe/tháng.
Tổng cộng kế toán của Hữu đã chi cho thanh tra Dương 110 triệu đồng. "Lúc chi tôi không nghĩ là vi phạm, mà chỉ nghĩ để cho công việc thuận lợi", bị cáo Hữu nói.
Thanh tra giao thông ấn định tiền "cơm nước" 6 triệu/tháng/xe
Một nữ bị cáo khác có ba xe chở gạch men, khai tài xế bị thanh tra giao thông nhiều lần dừng xe nên điện thoại báo cho mình. Qua điện thoại của tài xế, nữ bị cáo gặp thanh tra Trí và được yêu cầu muốn không bị kiểm tra thì hằng tháng phải chung chi tiền "cơm nước".
Thanh tra Trí ấn định luôn là 6 triệu/xe/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận