10/03/2018 19:04 GMT+7

Luật nào quy định CSGT xì bánh xe của người vi phạm?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Thay vì lập biên bản xử phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, việc CSGT "tha" người vi phạm nhưng lại buộc họ xì bánh xe để dắt bộ đã gây tranh cãi.

2 thanh niên tại Quảng Ngãi không đội mũ bảo hiểm bị CSGT bắt xì lốp xe máy, dắt bộ về

Mới đây, một đoạn video clip ghi cảnh người vi phạm giao thông không đội mũ bảo hiểm bị cảnh sát giao thông (CSGT) "tha" cho đi nhưng xì bánh xe khiến người này phải dắt bộ được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Theo đoạn clip, hai người chạy xe máy (tại Quảng Nam) đều không đội mũ bảo hiểm nên bị CSGT yêu cầu dừng xe nhưng sau đó CSGT không lập biên bản xử phạt mà "cho đi", sau khi yêu cầu 2 người này phải xì hết hơi trong bánh xe. 

Vì thế, dù được CSGT không xử phạt, không tạm giữ xe nhưng người vi phạm phải đi bộ và dắt theo chiếc xe máy.

Không xử phạt mà... bắt xì bánh xe

Việc làm của CSGT dấy lên vấn đề được nhiều người bàn luận là việc CSGT "tha", không xử phạt người vi phạm nhưng lại buộc họ xì hết hơi bánh xe như vậy có đúng quy định của pháp luật hay không?

Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng việc làm trên là sự thông cảm, du di của CSGT với người vi phạm nhưng nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm này.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, không ai được phép xâm phạm, kể cả người thi hành công vụ khi chưa có lệnh hợp pháp.

Việc CSGT buộc người vi phạm giao thông xì hơi bánh xe được xem là hành vi xâm phạm đến quyền tài sản của công dân. 

"Xì hơi bánh xe" cũng không phải là một chế tài quy định trong xử lý vi phạm pháp luật hành chính. Hành động của CSGT trong trường hợp này là không chuẩn mực, không đúng quy định.

"Tuy nhiên, xét trong bối cảnh, nếu để người vi phạm giao thông tiếp tục tham gia trong điều kiện chưa khắc phục vi phạm (chưa có mũ bảo hiểm) có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người vi phạm và cho người khác, nên anh CSGT mới làm như vậy. 

Điều đó, tuy chưa phù hợp nhưng cũng chưa gây hậu quả gì, nên theo tôi chỉ cần nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với người thi hành công vụ. 

Còn trường hợp chứng minh được hành động của CSGT với mục đích để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hay "đáp trả" thái độ của người vi phạm thì điều đó làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của ngành, có thể cần một hình thức kỷ luật nội bộ tương xứng để phòng ngừa những hành vi tương tự" - ông Hưng nói.

Luật nào quy định CSGT xì bánh xe của người vi phạm? - Ảnh 2.

Hai người vi phạm phải tự xì bánh xe, dắt bộ vì không đội mũ bảo hiểm

Cần phải ban hành quyết định xử phạt hành chính

Đồng tình với ý kiến của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm: 

"Tôi cho rằng về luật pháp, CSGT phải ban hành quyết định xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm. Việc xì hơi bánh xe và yêu cầu dắt bộ là không đúng. Có thể CSGT cho rằng cần làm xẹp bánh để người vi phạm không chạy xe nguy hiểm do không có mũ bảo hiểm nhưng phương án đó không phải là tốt nhất. Có nhiều cách để xử lý sao cho hợp tình hợp lý hơn".

Còn nhớ trước đây, từng có nhiều tình huống người thi hành công vụ có những hướng xử lý đối với các phương tiện giao thông vi phạm không bằng hình thức ra quyết định xử phạt như: yêu cầu người vi phạm mua kẹo cao su của người bán hàng rong (CSGT Đà Nẵng), tháo biển số xe vi phạm (thanh tra giao thông TP.HCM). 

Tuy nhiên, các biện pháp này đều vấp phải sự phản ứng của người dân và các chuyên gia pháp lý bởi cho rằng đó là việc làm không đúng pháp luật.

Cụ thể, vào khoảng năm 2011-2012, các ôtô liên tục vi phạm dừng, đỗ trái phép gây cản trở giao thông trên địa bàn TP.HCM, lực lượng CSGT, trật tự đô thị thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý nhưng lái xe vẫn cố tình đậu xe không đúng nơi quy định gây khó khăn cho việc xử lý.

Sau đó, Ban an toàn giao thông TP.HCM đã đề nghị thực hiện thí điểm tháo biển số ôtô dừng, đậu trái quy định gây cản trở giao thông, đặc biệt tại khu vực trung tâm TP. 

Tuy nhiên, đề xuất này bị nhiều đại biểu HĐND phản đối. Và cuối cùng, lãnh đạo TP.HCM đã bác đề xuất này bởi "tháo biển số xe vi phạm là việc làm không giống ai".

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, việc tháo biển số trường hợp này là sai luật. Theo quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ôtô là cảnh cáo, phạt tiền và có thể áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp