19/11/2018 15:20 GMT+7

Luật không quy định cụ thể mức bồi thường để xét đặc xá

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mỗi phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế khác nhau nên Luật đặc xá (sửa đổi) chỉ quy định thực hiện “một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.

Luật không quy định cụ thể mức bồi thường để xét đặc xá - Ảnh 1.

Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của phạm nhân để được xét đặc xá - Ảnh: Quochoi.vn

"Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định đã thực hiện được một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác là bao nhiêu", chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết khi trình bày báo cáo giải trình dự thảo luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua chiều 19-11.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: "Tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật đặc xá năm 2007 cho thấy mỗi đợt đặc xá có hàng nghìn, thậm chí hơn chục nghìn phạm nhân được đặc xá. Mỗi phạm nhân bị kết án về các tội danh, mức hình phạt, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như hoàn cảnh kinh tế khác nhau".

"Nếu quy định cụ thể 'đã thực hiện được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác' là bao nhiêu có thể sẽ không bao quát hết các trường hợp trong thực tế", bà Nga nói.

Từ lý lẽ nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo luật, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Như vậy, những ý kiến trước đó rằng phạm nhân phải thực hiện 3/4 hoặc 1/2 tổng số mức bồi thường thiệt hại thì mới được xem xét đặc xá, đã không được quy định cụ thể trong luật.

Về thời điểm đặc xá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy chưa có nước nào quy định cụ thể trong luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.

Theo đó, điều 5 Luật đặc xá (sửa đổi) quy định: "1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. 2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 điều này".

Về cơ bản, phần lớn điều kiện để được xét hưởng đặc xá vẫn được giữ như quy định hiện hành, như phạm nhân "đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn..., ít nhất 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn", "được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên"…

Luật cũng quy định chính sách khoan hồng, xét đặc xá với các trường hợp: Người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân; Người từ đủ 70 tuổi trở lên; Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình; Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; Người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng…

Luật đặc xá (sửa đổi) được đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua với 6 chương, 39 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2019.

Không đặc xá với tội phản quốc, gián điệp, bạo loạn…

TTO - Dự thảo Luật đặc xá sửa đổi quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án các tội như phản bội Tổ quốc, gián điệp, bạo loạn, khủng bố, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh…

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp