23/01/2021 13:23 GMT+7

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Điều 49 Luật hải cảnh mới của Trung Quốc: "Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn".

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao? - Ảnh 1.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc (màu trắng) tại Biển Đông vào tháng 5-2014 - Ảnh: REUTERS

Trong luật hải cảnh vừa được Trung Quốc thông qua, hải cảnh Trung Quốc được trao quyền dùng "tất cả biện pháp cần thiết", gồm vũ khí. Động thái của Bắc Kinh có thể làm tăng nguy cơ xảy ra "tính toán sai lầm" tại Biển Đông và Hoa Đông.

Hôm 22-1, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc đã kết thúc hội nghị lần thứ 25. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được thông qua tại hội nghị.

Luật gồm những gì?

Theo các chi tiết về luật được đăng lại trên trang web chính phủ Trung Quốc, Luật hải cảnh gồm 11 chương, với tổng cộng 84 điều. Điều 84 ghi: "Luật này được thi hành từ ngày 1-2-2021".

Trong chương 1 về "quy tắc chung", điều 3 ghi: "Luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quản lý của nước CHND Trung Hoa".

Tại chương 3 về "bảo vệ an ninh trên biển", điều 22 ghi: "Khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp, theo luật này và các luật liên quan khác, hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy".

Luật này nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí, với từ "vũ khí" được nhắc 15 lần. Chương nhắc nhiều nhất tới từ "vũ khí" là chương 6, (gồm điều 46, 47, 48, 49, 50, 51) có nội dung về "Sử dụng vũ khí và cảnh giới", nêu ra những trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí.

Điều 46 ghi: "Với một trong những tình huống dưới đây, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí hoặc các thiết bị, công cụ tại hiện trường:

Thứ nhất, cần ép buộc tàu bè dừng di chuyển khi truy đuổi, ngăn lại, kiểm tra, lên tàu theo luật.

Thứ hai, cưỡng chế xua đuổi, cưỡng chế lai dắt tàu bè theo luật.

Thứ ba, trong quá trình thi hành nhiệm vụ theo luật, gặp phải trở ngại, điều gây phương hại.

Thứ tư, trong tình huống khác cần phải dừng hành vi phạm tội, phạm pháp ngay tại chỗ".

Theo điều 47, một trường hợp mà hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng "vũ khí cầm tay" nếu cảnh cáo đã đưa ra vô hiệu là khi tàu bè nước ngoài xâm nhập vào "vùng biển thuộc quản lý của Trung Quốc" và tham gia phi pháp hoạt động sản xuất, từ chối tuân theo lệnh dừng tàu và những hoạt động mà theo họ là phi pháp.

Điều 48 thuộc chương 6 ghi: "Trong các tình huống sau, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng các vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay bên cạnh vũ khí cầm tay: Thứ nhất, thi hành nhiệm vụ chống khủng bố trên biển. Thứ hai, xử lý sự việc bạo lực nghiêm trọng trên biển. Thứ ba, tàu và máy bay chấp pháp bị tấn công bằng vũ khí hoặc phương thức nguy hiểm khác".

Còn điều 49 ghi: "Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn".

Trung Quốc giải thích ra sao?

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, ông Lật Chiến Thư, ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nói rằng Luật hải cảnh giúp bảo vệ hiệu quả cái gọi là "các quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia".

Ngày 22-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng việc thông qua luật hải cảnh là "hoạt động lập pháp bình thường" của nước này và Trung Quốc "sẽ vẫn cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển".

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao? - Ảnh 2.

Một tàu Trung Quốc di chuyển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc - Ảnh: KYODO

Tuy nhiên, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chạy dòng tít: "Trung Quốc thông qua luật hải cảnh, bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư". Nhật Bản và Trung Quốc hiện có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Phản ứng của quốc tế

Hãng  Bloomberg ngày 23-1 cho rằng động thái trên của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra "tính toán sai lầm" tại các vùng biển tranh chấp. 

Bloomberg lưu ý: "Tàu hải cảnh Trung Quốc thường tiếp xúc gần - đôi khi có các cuộc đối đầu căng thẳng - với các tàu nước ngoài, khi họ khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông".

Hồi tháng 11-2020, khi xuất hiện dự luật hải cảnh trên, Bloomberg từng dẫn bình luận của phó giáo sư Trương Minh Lượng của Đại học Ký Nam ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc: "Đây sẽ là lần đầu tiên hải cảnh Trung Quốc được trao quyền lực một cách rõ ràng theo luật để sử dụng vũ khí ở vùng biển tranh chấp. Điều này sẽ làm phức tạp tình hình vốn đã căng thẳng ở Biển Đông và có thể bị các nước láng giềng cũng như Mỹ phản đối".

Theo báo Nikkei Asia, động thái trên của Trung Quốc đặc biệt "gây báo động" với Nhật Bản khi nước này phải đối phó với số vụ xâm nhập ngày càng thường xuyên của tàu Trung Quốc tại vùng nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hơn 1.000 tàu Trung Quốc đã đi vào các vùng nước quanh quần đảo này năm ngoái.

Giới chuyên gia đánh giá dự luật hải cảnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua có thể trở thành "cơn đau đầu" đối với chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, theo Hãng tin Kyodo.

Theo Kyodo, Tokyo buộc phải xem xét cẩn thận cách thức xây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã nói với ông Suga rằng điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ có hiệu lực bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng nghĩa Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại đây.

Nói trước báo giới hôm 22-1, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước này sẽ "giám sát" các hoạt động của Trung Quốc "với mức độ quan tâm cao", đồng thời cho biết Nhật Bản đã liên tục gửi công hàm phản đối các hoạt động của hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà phân tích Christian Le Miere của công ty tư vấn chiến lược Arcipel ở Anh cho rằng luật hải cảnh của Trung Quốc "đánh vào trái tim" chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh bắn tàu nước ngoài Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh bắn tàu nước ngoài

TTO - Ngày 22-1, Trung Quốc thông qua luật lần đầu tiên cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp