Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đánh giá đây là một động thái khiêu khích của Bắc Kinh, tạo nguy cơ xung đột vũ trang trên các vùng biển tranh chấp.
* TS Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore):
Nguy cơ xung đột vũ trang
Việc trao cho lực lượng hải cảnh quyền được sử dụng vũ lực trong nhiều trường hợp hơn đi kèm với mức độ bạo lực cao hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn rủi ro gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang.
Trước mắt, luật này giúp Trung Quốc răn đe các bên tranh chấp khác và tạo cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ yêu sách, và là cái cớ Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho các hành vi vũ lực của mình.
Luật của Trung Quốc căn cứ vào việc tàu lạ "rơi vào khu vực có quyền tài phán" của Bắc Kinh, trong khi đây là thứ chưa ai công nhận. Điều này nhằm mục đích giúp Trung Quốc có "cơ sở pháp lý trong nước" để có thể dùng vũ lực chống lại hoặc răn đe các nước khác trong các vùng biển mà họ coi là của mình.
Tuy nhiên, để đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, chúng ta cần theo dõi thêm Trung Quốc sẽ thực thi luật này đến mức độ nào. Ví dụ, liệu họ có sẵn sàng sử dụng vũ lực trong các vùng biển bên ngoài 12 hải lý xung quanh các thực thể mà họ đang chiếm đóng ở Hoàng Sa hoặc Trường Sa hay không?
Hiện tại theo quy định luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu sách các vùng biển này.
Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại tàu thuyền các nước khác trong các vùng biển này thì đó sẽ là những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng hải và tạo ra sự đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Ngược lại, nếu họ chỉ áp dụng luật chủ yếu trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ theo quy định của luật pháp quốc tế thì tác động của luật sẽ ít đáng lo ngại hơn.
* TS Jay Batongbacal (giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines):
Đánh mất thêm lòng tin từ ASEAN
Quyết định thông qua Luật hải cảnh là sự tiếp nối các kế hoạch được thực hiện không ngừng nghỉ của Trung Quốc, nhằm từ từ cưỡng ép đối với Biển Đông, bất kể họ thiếu cơ sở pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền, cũng như bất chấp các quyền lợi hợp pháp của các nước xung quanh.
Hải cảnh Trung Quốc là một tổ chức quân sự, không phải cơ quan dân sự, bất kể các chức năng dân sự của họ. Bởi vì lực lượng này đang hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương của Trung Quốc.
Việc được nổ súng trước tàu của các nước ven biển tại các vùng biển nước đó có quyền hợp pháp (ví dụ tàu cá hay tàu của nước nào đó trong vùng đặc quyền kinh tế) có thể xem như một hành vi sử dụng vũ lực thù địch, tức là một hành vi chiến tranh.
Ngoài ra, tàu chấp pháp trên biển theo luật quốc tế sẽ được phép sử dụng vũ lực trong một số trường hợp nhất định, việc dùng vũ lực lại không được cho phép nếu điều đó phục vụ mục đích cưỡng chế thực thi các tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Các nước trong khu vực sẽ không bao giờ chấp nhận việc dùng vũ lực chống lại tàu và nhân dân họ trong vùng biển của họ.
Và với tình hình lúc này, hành động của Trung Quốc đang khiến các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì đây rõ ràng là cách dằn mặt và phá hủy các nỗ lực của một số nước ASEAN với Trung Quốc trong việc xây dựng những quy tắc nhất trí về ứng xử ở các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông.
Nói đơn giản: việc thông qua luật này đã phá hủy niềm tin đặt vào chính Trung Quốc trong khu vực.
Nguồn: Tân Hoa xã, Dữ liệu: BÌNH AN, Đồ họa: N.KH.
* TS Satoru Nagao (nghiên cứu viên khách mời Viện Hudson, Mỹ):
"Phép thử" ông Biden
Trước đây, khi tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc từng vây tàu khảo sát của hải quân Mỹ và khiêu khích Mỹ. Đó là quyết định như "phép thử" khả năng ngoại giao của chính quyền mới.
Lần này, Trung Quốc đã hành động vào thời điểm chính quyền mới của Mỹ khởi đầu nhiệm kỳ. Tôi cho rằng có khả năng Trung Quốc "thử" ông Biden, và đây cũng nhiều khả năng là bước đi đầu tiên để làm điều đó.
Các tuyên bố của Trung Quốc luôn thiếu cơ sở. Tại Biển Đông, phán quyết của trọng tài ở The Hague năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng bất luận như thế, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố và lấn chiếm các khu vực thuộc vùng biển này.
Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc trước đây vào những năm 1970 không tuyên bố chủ quyền ở Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư - PV), nhưng thái độ của họ đã thay đổi vì tình trạng tài nguyên đang có nơi đây. Hiện nay tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm nhập vùng nước quanh Điếu Ngư/Senkaku, đeo bám tàu cá Nhật Bản. Nhật Bản đang quan ngại về tình trạng hiện nay.
* Ông Nguyễn Thanh Hùng (chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi):
Rất nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam
Việc Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh là cực kỳ nguy hiểm đđối với ngư dân Việt Nam. Hiện có hàng ngàn ngư dân Bình Châu đang hoạt động nghề lưới chuồn, nghề lặn và các ngành nghề khác tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, rộng hơn là cả Biển Đông. Vùng biển này cả trăm năm qua ngư dân Việt Nam đánh bắt.
Thế nhưng, trong mấy năm qua, tàu Trung Quốc liên tục xua đuổi ngư dân Việt Nam đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa, nhiều tàu cá của địa phương bị đâm chìm gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân đã là quá nguy hiểm.
Nay Trung Quốc tiếp tục leo thang bằng một luật cho sử dụng vũ khí tấn công trực tiếp ngư dân nước khác thật sự là hành động khiến cho khu vực Biển Đông nói chung, và đặc biệt là Hoàng Sa nói riêng, càng thêm căng thẳng. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp ở vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền.
Hoạt động nghề cá của ngư dân là hoạt động dân sự, được chính phủ các nước bảo hộ. Bất kỳ hành động nào tấn công ngư dân gây tổn hại đến tính mạng, tài sản và cản trở nghề nghiệp của ngư dân đều bất hợp pháp. Từ lúc hay tin, không chỉ nghiệp đoàn mà bản thân ngư dân đánh bắt ở Biển Đông rất lo lắng. (TRẦN MAI ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận