18/07/2017 09:33 GMT+7

Luật Giáo dục ĐH: Sửa bao nhiêu mới đủ?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đây là câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17-7.

*** Error ***
Từng là một trong những trường ĐH tiên phong thành lập hội đồng trường, nhưng hiện tại Trường ĐH Ngoại thương lại không có hội đồng trường - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH vì nhiều bất cập đã bộc lộ rõ sau năm năm triển khai. Tuy nhiên, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng không nên sửa đổi qua loa, chiếu lệ một vài điều của luật mà bỏ qua nhiều bức xúc có trong Luật giáo dục ĐH hiện hành.

Sửa 8-10 điều hay vài chục điều?

GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng xét chung về kết cấu và nội dung, Luật giáo dục ĐH hiện hành vẫn nghiêng theo hướng là một luật về các cơ sở giáo dục ĐH.

Trong luật, những nội dung rất quan trọng như về hệ thống giáo dục ĐH, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục ĐH hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác, nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm một luật về giáo dục ĐH.

Ông Trần Quang Huy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho biết Bộ GD-ĐT đang đưa ra phương án sửa 8-10 điều trong Luật giáo dục ĐH. Nhưng việc sửa luật một cách chừng mực như vậy “liệu có được thông qua?”.

“Nếu sửa 8-10 điều nghĩa là chỉ sửa những cái chính yếu, còn bao nhiêu bức xúc khác không sửa được. Theo tôi, cần sửa sâu để đạt hiệu quả điều chỉnh pháp luật” - ông Huy nhấn mạnh. Theo ông Huy, hiện tại bộ đang giao Trường ĐH Luật TP.HCM chuẩn bị phương án sửa đổi bổ sung Luật giáo dục ĐH 2012.

Dù bộ “đặt hàng” sửa trong phạm vi 8-10 điều, nhưng từ góc tiếp cận của những người làm luật, Trường ĐH Luật TP.HCM đã phải chuẩn bị cả phương án sửa đến 38-40 điều trong hơn 70 điều Luật giáo dục ĐH hiện hành.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI - khẳng định những vội vã khi ban hành Luật giáo dục ĐH năm 2012 “mà chúng ta đang gánh hậu quả” cần phải tránh lặp lại, khi xây dựng Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung lần này.

Ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cũng cho rằng việc “sửa đến đâu” Luật giáo dục ĐH là vấn đề cần bàn thêm với Chính phủ: chỉ sửa 8-10 điều hay nhiều hơn, hay thậm chí phải xây dựng hẳn luật sửa đổi?

Ông Bình khẳng định để sửa đổi, bổ sung, bộ phải thực hiện tổng kết nghiêm túc về Luật giáo dục ĐH hiện hành, “cái gì được, cái gì chưa được”.

Hội đồng trường hình thức, tự chủ trong... ràng buộc

Khi đề cập đến hội đồng trường, các chuyên gia đều chung nhận định: hoạt động của hội đồng trường còn rất mờ nhạt, về hình thức thì được trao quyền rất lớn, nhưng thực tế lại không có thực quyền.

Ở vị trí hiệu trưởng đương nhiệm Trường ĐH Ngoại thương, lại từng ở cương vị vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH trong thời gian xây dựng Luật giáo dục ĐH, nhưng PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng thừa nhận: hội đồng trường “chưa thực sự được coi trọng” cả trên thực tế và trong những “quy định thành văn”.

Theo ông Tuấn, trong tất cả văn bản điều hành của hệ thống giáo dục ĐH vẫn hiển hiện một thực tế: hội đồng trường chưa thực sự được coi trọng.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường “như hiệu trưởng”, hệ số của chủ tịch hội đồng trường “như hiệu trưởng”, nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng trường “theo nhiệm kỳ hiệu trưởng”...

“Chủ tịch hội đồng trường chưa được coi trọng thì làm sao nói vị trí ấy phát huy được quyền lực?” - ông Tuấn nói.

Còn theo GS Trần Hồng Quân, hiệu trưởng phải do hội đồng trường cử ra thì mới tạo “chìa khóa” để nâng cao vai trò của hội đồng trường - với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Ông Quân cũng thẳng thắn cho rằng luật cần tạo cơ chế giải phóng các ràng buộc trong quản lý, “triệt tiêu tệ nạn xin - cho đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH”.

Dẫn chứng điều 32 của Luật giáo dục ĐH về quyền tự chủ các trường ĐH, GS Quân chỉ ra việc thực hiện quyền tự chủ lại bị ràng buộc với các quy định của Bộ GD-ĐT, làm cho các trường ĐH “hầu như mất hết quyền tự chủ”.

Theo kế hoạch, ngày 20-7, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH.

Nhiều đề xuất sửa đổi trong Luật giáo dục ĐH

Bộ GD-ĐT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục ĐH 2012 trong báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về giáo dục ĐH trình Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, dự kiến sẽ sửa đổi quy định về phân tầng, xếp hạng trường ĐH (theo Luật giáo dục ĐH 2012, tiêu chuẩn phân tầng ĐH do Chính phủ quy định.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn công nhận xếp hạng đối với các trường ĐH, bộ trưởng Bộ GD-ĐT công nhận xếp hạng đối với trường cao đẳng). Trong khi kinh nghiệm quốc tế về việc công nhận xếp hạng trường ĐH thường được các tổ chức độc lập thực hiện, để đảm bảo tính khách quan.

Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh đến việc mở rộng và quy định cụ thể hơn về quyền tự chủ ĐH, mở rộng tự chủ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, bộ cũng dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH; quy định nguồn tài chính của cơ sở giáo dục, lệ phí thi, tuyển sinh; quy định về cơ cấu tổ chức, hội đồng trường, hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phân hiệu trường ĐH…

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp