Một cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng, cũng giống như một mảnh đất trong đô thị không thể một mình một chợ , như một ốc đảo, muốn thể hiện cá nhân của mình thế nào tùy thích. Luật đã có, các nghị định đã có, nhưng thật ra những điều luật đó đã đi vào cuộc sống chưa hay vẫn là những áp đặt mơ hồ, khó hiểu, để từ người dân đến cán bộ mỗi người tự áp dụng cho mình mỗi kiểu, và khi một va chạm nhỏ dẫn đến mâu thuẫn lớn, quyền lợi cá nhân áp đặt lên quyền lợi xã hội !
Nhìn vào một thành phố, cái trật tự của thành phố, của giao thông, của những ngôi nhà, công viên và các công trình phúc lợi công cộng sẽ đánh giá được nơi đó luật đô thị (bao gồm nhiều bộ luật trong đô thị) đã đi vào cuộc sống chưa? Những hành vi của người dân đã được luật hóa chưa? Và thái độ ứng xử đã “cộng đồng” chưa ?
Thực tế nhìn lại, như ý kiến của TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Nhiều khách nước ngoài không thể tưởng tượng được là ở đất nước ta cũng có Luật giao thông, mà những điều luật giản dị như: đèn đỏ thì phải dừng lại, rẽ xe thì phải báo hiệu... vẫn không áp đặt được, thì làm sao có thể tin rằng những điều luật phức tạp hơn sẽ được thực thi? Rõ ràng sự thiếu tuân thủ pháp luật chứ không phải tình trạng thiếu luật là vấn đề lớn nhất ở đất nước ta”.
Đã có luật nhưng luật không đi vào cuộc sống đã nảy sinh hàng loạt hệ quả và mỗi cá nhân tự cho mình ứng xử theo cách riêng, đang làm đô thị như lên cơn sốt. Ứng xử đô thị thật ra là ứng xử giữa con người với nhau, mà đã là ứng xử thì không luật lệ nào đủ để minh định hết những ứng xử trong xã hội; bởi một nụ cười ở sân bay, một lời xin lỗi khi va quẹt, sự kính trọng của con cái, cháu chắt đối với cha mẹ, ông bà hay sự quan tâm đến tiện nghi đô thị cho người khuyết tật...
Trong khi đó chúng ta đang chứng kiến một cách ứng xử theo kiểu “cục gạch”, thay vì phải xếp hàng chờ đến lượt mình, chỉ việc đặt cục gạch vào đó hay lợi dụng kẽ hở trong Luật đất đai, đền bù giải tỏa, mua đất ruộng - dựng chòi chờ đền bù giải tỏa giá cao hoặc làm mộ giả, trồng cây giả để hưởng chênh lệch đền bù... khiếu kiện, khiếu nại trong đền bù giải tỏa gây ách tắc cả một tiến trình đô thị hóa.
Dự án cầu đường Bình Triệu, vài chục nhà dân không giải tỏa được, phải điều chỉnh thiết kế, dự án, giao thông ách tắc. Mấy năm trước, đường Cộng Hòa tuy chỉ có một hộ dân làm reo mà công trường phải ngưng thi công. Dự án khu dân cư mới của Công ty Thế Kỷ 21 tại Bình Trưng Tây, Q.2 đã giải phóng được 98,3% mặt bằng, và đã xây dựng được 95%, còn lại 1,7% do chủ đất giữ lại “làm nông nghiệp”!
Mặc dù chủ đầu tư chỉ làm giúp, tức là sau khi xây dựng xong sẽ giao lại cho họ 100% đất ở, nhưng họ vẫn quyết cố thủ bằng cách dựng lên một căn chòi lá 17m2, chín người được cấp hộ khẩu đã... quậy phá. Phép tắc quá đủ để tháo dỡ ách tắc, nhưng mãi ba năm qua các cơ quan công quyền vẫn bất lực! Giải phóng mặt bằng là một phần việc trong Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật qui hoạch, là một tiến trình đầu tiên để khởi động lập lại trật tự trong đô thị.
Nhưng với những việc trên, Nhà nước phải tốn không biết bao nhiêu cuộc họp từ phường đến quận, thành phố. Thời gian, tiền bạc không thể tính hết được, chưa kể gây ra hàng loạt phản cảm trong tâm lý, xã hội của phần lớn người dân thụ hưởng ở những công trình đó. Những dự án đó hầu hết kéo dài thời gian, chậm trễ, dù lớn hay nhỏ, kéo dài năm này qua tháng nọ, đều bắt nguồn từ giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa.
Vừa qua với dự kiến 30.000 căn hộ bố trí tái định cư, phục vụ các dự án trọng điểm trong vòng hai năm mà Sở Xây dựng trình UBND thông qua, mọi điều kiện về vốn và kỹ thuật đều được tính toán, nhưng vẫn quên một điều là “giải phóng mặt bằng”, một nguyên nhân mà hàng loạt dự án đều chậm trễ.
Hay dự án khu công nghệ cao quận 9, với 913ha, đã được Chính phủ cấp đất mấy năm nay, nhưng chỉ mới giải phóng được 211,6ha, đến nỗi hàng loạt dự án nước ngoài xin đầu tư đang phải khựng lại, đích thân chủ tịch thành phố phải xuống tháo gỡ. Và còn hàng loạt dự án giao thông, thoát nước, môi trường đều lâm vào tình cảnh tương tự!
Từ đó điểm đầu tiên để xác định lại trật tự đô thị rất cần những bộ luật về đất đai, qui hoạch, xây dựng, đền bù giải tỏa đi vào cuộc sống, và nhất là tạo ra một môi trường ứng xử đô thị trở thành thói quen của mọi người trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận