25/10/2024 12:35 GMT+7

Luật cần 'tuổi thọ' cao

Những năm qua, hiện tượng một số luật vừa ban hành đã phải sửa đổi hoặc nhanh chóng bộc lộ bất cập cho thấy chất lượng soạn thảo còn những hạn chế.

Luật cần 'tuổi thọ' cao - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp sáng 21-10 - Ảnh: GIA HÂN

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thể chế hóa chính sách và gây ra lãng phí lớn trong quá trình xây dựng và thực thi luật.

Có thể nói luật pháp có "tuổi thọ" thấp sẽ tạo ra một trong những điểm nghẽn về thể chế mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 21-10 đã yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật đã kéo dài nhiều năm để tránh lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến chất lượng văn bản luật chưa được như kỳ vọng dễ nhận ra nhất là năng lực của đội ngũ soạn thảo dự luật.

Được tham dự vào quá trình xây dựng và góp ý một số luật, tôi nhận thấy việc thiếu kiến thức đa ngành, kỹ năng tư duy hệ thống, kỹ năng thông tin và ngoại ngữ mà một số trường hợp soạn thảo có phần hạn chế, dẫn đến sự thiếu toàn diện, bao quát trong quá trình xây dựng luật.

Người soạn thảo không chỉ cần kiến thức về Hiến pháp và đường lối của Đảng mà còn cần hiểu biết sâu về các ngành khác. Nếu thiếu những yếu tố này, luật dễ bị cuốn theo tư duy cục bộ, không bao quát đủ các khía cạnh của đời sống xã hội.

Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh tránh lợi ích cục bộ của các bộ ngành khi xây dựng luật, nhưng trên thực tế, một số cơ quan soạn thảo luật tập trung quá mức vào lợi ích riêng, gây ra tình trạng xung đột lợi ích giữa các bên liên quan.

Điều này làm giảm tính khách quan và toàn diện của luật. Khi một số điều khoản chỉ có lợi cho một nhóm hoặc ngành cụ thể mà không xem xét đến tác động lên các lĩnh vực khác, luật nhanh chóng trở nên lạc hậu và phải sửa đổi.

Đặc biệt quá trình xây dựng luật đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều bên, nhưng văn hóa phản biện và hợp tác trong quá trình soạn thảo có trường hợp chưa phát triển đầy đủ, có phần vì nể nhau, ngại va chạm.

Việc xây dựng và ban hành luật bắt buộc phải đánh giá tác động chính sách, nhưng quá trình này thường không đầy đủ, thiếu các nghiên cứu và dữ liệu thực tế khiến luật không phản ánh đúng thực tiễn và dẫn đến nhiều bất cập khi triển khai, như Luật Giáo dục 2019 đã yêu cầu giáo viên dạy trường mầm non phải tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đang gây ra những ách tắc trong tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương.

Điều đó khiến các quy định trong luật dễ bị thay đổi hoặc bổ sung chỉ sau thời gian ngắn.

Về nguyên nhân khách quan, xã hội nước ta đang trong giai đoạn phát triển nhanh, chịu tác động nhiều mặt của nền kinh tế toàn cầu và tiến bộ của khoa học công nghệ. Tốc độ thay đổi càng nhanh, các quy định pháp luật càng có nguy cơ nhanh lỗi thời.

Các luật mới được ban hành mà không dự đoán được những thay đổi của thực tiễn hoặc không kịp thích nghi với các điều kiện mới thì những điều khoản trong luật sẽ nhanh chóng lạc hậu.

Khi luật mau chóng lạc hậu, nhiều hệ quả tiêu cực xảy ra. Đầu tiên, nó làm mất tính ổn định của hệ thống pháp luật, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc tuân thủ luật pháp và tạo nên những điểm nghẽn thực thi pháp luật.

Thứ hai, quá trình xây dựng và sửa đổi luật tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực và chi phí, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, sự thiếu ổn định này làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào hiệu lực của pháp luật, tạo điều kiện cho tình trạng lách luật hoặc không tuân thủ đúng quy định.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chỉ đạo "các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài".

Vấn đề ở đây là sự lựa chọn quy định nào nên là khung, quy định nào nên là chi tiết. Luật khung phù hợp với các lĩnh vực có tính chất thay đổi nhanh, cần linh hoạt và để lại không gian cho các nghị định, thông tư điều chỉnh chi tiết và cho các địa phương có không gian lựa chỉnh cho phù hợp mà không trái nguyên tắc khung.

Để xây dựng luật pháp có chất lượng và có "tuổi thọ" cao, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, nâng cao năng lực của đội ngũ soạn thảo và đặc biệt chú trọng vào việc đánh giá tác động chính sách một cách khách quan.

Đồng thời việc lựa chọn giữa luật khung và luật chi tiết cần được thực hiện dựa trên bản chất của từng lĩnh vực để đảm bảo sự linh hoạt mà không làm mất đi tính rõ ràng, hiệu lực của luật pháp và tránh việc luật hóa nghị định hay thông tư, như vậy sẽ đảm bảo luật có "tuổi thọ" cao, phù hợp với thực tế thời cuộc luôn thay đổi.

Luật cần 'tuổi thọ' cao - Ảnh 1.Địa phương chậm hướng dẫn Luật Đất đai, cử tri kiến nghị lên Quốc hội

Sau hơn 2 tháng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nhiều chính quyền địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền. Cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp