23/05/2020 09:15 GMT+7

Luật an ninh 'đốt nóng' Hong Kong

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Ngày 22-5, một bản dự thảo “Quyết định về thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lý cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong để đảm bảo an ninh quốc gia” đã được trình lên kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII Trung Quốc (NPC) để thảo luận.

Luật an ninh đốt nóng Hong Kong - Ảnh 1.

Bà Carrie Lam tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc ngày 22-5 - Ảnh: AFP

Cùng ngày trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ "hoàn toàn hợp tác" với Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia trên.

Theo giới quan sát, động thái của Bắc Kinh và sự hưởng ứng của bà Lam có thể sẽ thổi bùng sự giận dữ ở Hong Kong khi nhiều nhà hoạt động ở đặc khu này đã lên tiếng kêu gọi người dân ra đường biểu tình chủ nhật tuần này 24-5.

Vì sao NPC nhúng tay vào?

Theo điều 23 của luật cơ bản (vốn được xem như hiến pháp của Hong Kong), chính quyền Hong Kong phải ban hành luật an ninh quốc gia của đặc khu này, theo đó cấm các hành động "phản quốc, ly khai, nổi loạn, lật đổ chống lại chính quyền trung ương hoặc trộm cắp bí mật quốc gia..." và "cấm các tổ chức/nhóm chính trị nào của đặc khu thiết lập quan hệ với các tổ chức/nhóm chính trị bên ngoài".

Tuy nhiên, gần 23 năm sau khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, một luật như vậy chưa bao giờ được thông qua.

Nỗ lực gần nhất để thông qua luật này là vào năm 2003. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong lúc đó buộc phải bỏ đi dự luật an ninh quốc gia sau khi nửa triệu người dân xuống đường phản đối. Những người này cảnh báo dự luật như vậy sẽ hạn chế các quyền và sự tự do của họ.

Nhưng rồi sau các cuộc biểu tình trong "Phong trào ô dù" năm 2014, các chính trị gia thân Bắc Kinh tại Hong Kong đã thúc chính quyền đặc khu xem xét lại dự luật liên quan điều 23 trên.

Kể từ lúc lên lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam liên tục nói rằng luật theo điều 23 chỉ có thể được ban hành khi đúng thời điểm và bối cảnh chính trị phù hợp. 

Theo báo South China Morning Post, các nguồn tin cho biết căn cứ vào tình hình hiện nay, Bắc Kinh tin rằng hiện Hội đồng lập pháp Hong Kong không thể thông qua được luật an ninh quốc gia do gặp phản đối từ các đại biểu đối lập. Đó là lý do tại sao NPC phải vào cuộc.

Theo Đài CNN, luật an ninh quốc gia này sẽ "cực kỳ gây tranh cãi" và có thể "giáng đòn mạnh nhất vào sự tự trị và các quyền tự do của người dân Hong Kong, kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997".

Dân Hong Kong quan ngại, Mỹ phản ứng

Tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong, phe ủng hộ cho rằng nếu không có một luật như vậy, các lợi ích của Hong Kong sẽ bị xói mòn nghiêm trọng. Họ cho rằng chính sự thất bại trong việc thực hiện điều 23 của luật cơ bản từ năm 1997 đã gây ra lỗ hổng trong hệ thống pháp lý của Hong Kong. 

Nicholas Chan Hiu-fung, một đại biểu Hong Kong tại NPC, cho rằng việc ban hành luật an ninh quốc gia tại Hong Kong cuối cùng sẽ lấp đầy được lỗ hổng này.

Các quan chức và truyền thông Trung Quốc xem luật này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia sau các cuộc biểu tình từ giữa năm ngoái và việc chính quyền Hong Kong thất bại để thông qua dự luật tương tự cách đây 17 năm.

Tuy nhiên, thông tin về luật trên đã vấp phải sự chỉ trích ngay lập tức từ các chính trị gia ở Hong Kong. "Đó là sự kết thúc của một quốc gia, hai chế độ" - Dennis Kwok, một nghị sĩ ủng hộ dân chủ, tuyên bố. 

Còn Emily Lau, thành viên Đảng Dân chủ Hong Kong, nói rằng người dân Hong Kong "rất quan ngại và lo lắng" vì sợ luật trên "sẽ tước đi các quyền tự do, sự an toàn cá nhân và nền pháp trị của chúng tôi". Bà nói: "Giờ đây dường như Bắc Kinh đang phá vỡ mọi lời hứa và muốn làm luật cho chúng tôi".

Ngay sau thông tin về vụ đề xuất luật trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ phản ứng "rất mạnh mẽ" để đối phó bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh nhằm siết chặt kiểm soát với Hong Kong. Còn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng động thái của Bắc Kinh là "cực kỳ đáng báo động" và "hoàn toàn không tôn trọng" nền pháp trị Hong Kong.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cũng cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật để áp trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Hong Kong.

Hôm qua 22-5, cảnh sát đã xô xát với nhiều người dân xuống đường phản đối dự luật, bất chấp quy định giãn cách xã hội. Tại các trung tâm thương mại lớn, nhiều người tiếp tục tập trung hằng đêm để phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào Hong Kong. Giới quan sát dự báo những ngày tới Hong Kong sẽ tiếp tục "nóng bỏng" với sự phản ứng của người dân đối với luật an ninh này.

Đài Loan lên tiếng

Ngày 22-5, chính quyền Đài Loan đã thúc giục Bắc Kinh "bắt đầu đối thoại thành thật" với người dân đặc khu hành chính Hong Kong sau thông tin về luật an ninh quốc gia mới được đề xuất.

Người phát ngôn văn phòng lãnh đạo Đài Loan, ông Hoàng Trùng Ngạn, cũng tuyên bố hòn đảo này quyết tâm bảo vệ nền dân chủ và tự do. Ông nói đề xuất "một quốc gia, hai chế độ" của Bắc Kinh với Đài Loan đi ngược lại các nguyên tắc này.

Bắc Kinh xem xét luật ra sao?

Theo báo South China Morning Post, NPC dự kiến bỏ phiếu đối với dự thảo nghị quyết về luật an ninh Hong Kong vào cuối kỳ họp, có thể vào ngày 28-5. Dự thảo sau đó được trình lên Ủy ban Thường vụ NPC.

Tiếp đến, Ủy ban Thường vụ NPC dự kiến tổ chức cuộc họp trong tháng 6. Một dự thảo luật sẽ được đưa ra khi bắt đầu cuộc họp này, có thể kéo dài khoảng một tuần. Đến cuối cuộc họp này, dự thảo luật có thể sẽ được phê chuẩn và công bố.

7 điều trong dự thảo luật an ninh cho Hong Kong là gì? 7 điều trong dự thảo luật an ninh cho Hong Kong là gì?

TTO - Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã giải thích chi tiết về bản dự thảo nghị quyết liên quan tới việc thúc đẩy thực thi luật an ninh tại đặc khu Hong Kong.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp