Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy đi đường của người tham gia giao thông - Ảnh: ANH HUẾ
Tháng trước, nhằm chấn chỉnh thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ngoài giấy đi đường, Hà Nội yêu cầu người dân khi đi đường phải có thêm căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quy định này ngay lập tức nhận được phản ứng tiêu cực của công luận. Thực tế sau đó cho thấy việc kiểm tra các loại giấy tờ trên đã khiến tình trạng ách tắc giao thông xảy ra tại không ít tuyến đường ngay trong buổi sáng đầu tiên thực hiện.
Hà Nội sau đó buộc phải điều chỉnh quy định này.
Hôm nay 5-9, Công an Hà Nội chính thức thông báo quy trình cấp giấy đi đường theo mẫu mới, áp dụng từ ngày 6-9.
Một lần nữa dư luận lại "dậy sóng" với nhiều phản ứng trái chiều, trong khi lãnh đạo các doanh nghiệp đau đầu với việc đề nghị xét cấp giấy.
Muốn có mẫu giấy đi đường mới cấp cho nhân viên sử dụng từ ngày 6-9, ngay trong ngày chủ nhật hôm nay, các doanh nghiệp sẽ phải "vắt chân lên cổ" triển khai các bước đề nghị xét duyệt và cấp giấy, mà mỗi bước đều phải qua các cơ quan công quyền lâu nay vẫn được mệnh danh "hành là chính".
Trong lĩnh vực hàng không, hằng ngày, các hãng hàng không vẫn thực hiện nhiều chuyến bay vận chuyển y bác sĩ, vận chuyển nhân lực, vận chuyển vắc xin, trang thiết bị y tế… đáp ứng yêu cầu chống dịch của các địa phương.
Để phục vụ các chuyến bay này, các đơn vị trong ngành phải duy trì một số lượng không nhỏ nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Tuy nhiên, sân bay Nội Bài nằm trong vùng 2, còn nhân viên của nhiều đơn vị sinh sống ở vùng 1. Để đến sân bay làm việc mỗi ngày, đương nhiên phải có giấy đi đường.
Nếu Hà Nội kiểm tra giấy đi đường theo mẫu mới từ ngày 6-9, khả năng rất lớn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực làm việc tại sân bay trong ngày đầu tuần. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì an ninh, an toàn và hoạt động của các chuyến bay.
Thủ tướng đã nêu rõ các biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân.
Thủ tướng cũng khẳng định không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn.
Giấy đi đường chỉ là một trong nhiều giải pháp phòng chống dịch. Vì thế Hà Nội đừng vì sự luẩn quẩn với việc cấp giấy đi đường mà làm khó khăn cho công việc của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận