Nguyên phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao với nước ngoài. Mãi tới năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu mới lập quan hệ ngoại giao với nước ta ở cấp đại sứ, còn Ấn Độ mới ở mức tổng lãnh sự. Điều dễ hiểu là lúc đó lấy đâu ra các nhà ngoại giao chuyên nghiệp để cử đi làm đại sứ. Các vị đại sứ đầu tiên của nước ta ở Liên Xô và Trung Quốc đều là các nhà hoạt động cách mạng lâu năm và là ủy viên Trung ương Đảng. Ra công tác tại Đại sứ quán VN ở Liên Xô vào cuối năm 1955, tôi được làm việc “dưới trướng” của đại sứ Nguyễn Lương Bằng - một nhà cách mạng nổi tiếng với tên gọi “Sao Đỏ” hay “anh Cả” mà sau này là phó chủ tịch nước thời Bác Tôn làm chủ tịch.
Đại diện của nước ta ở Đông Âu đều là các cán bộ từng là bí thư hoặc khu ủy viên, riêng ở Triều Tiên là một vị thiếu tướng, lúc đầu hầu hết họ chưa mang hàm đại sứ mà chỉ là đại biện lâm thời.
Do hoàn cảnh đặc thù như vậy nên các vị đại sứ nước ta lúc đó ít kiến thức ngoại giao, thậm chí ngoại ngữ cũng không thông thạo. Chúng ta cũng chưa mở được các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên nghiệp vì đơn giản là lấy đâu ra thầy. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thường được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dặn dò. Những lần tới thăm Bộ Ngoại giao, Bác Hồ đã căn dặn nhiều điều, từ những việc lớn tới việc nhỏ như ăn làm sao, nói làm sao, ứng xử thế nào, học tập những gì...
Riêng ở Liên Xô, Trung Quốc cho tới cuối những năm 1980, đầu 1990, đại sứ đều là các ủy viên dự khuyết hay ủy viên chính thức Trung ương Đảng vốn là cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh thành hay tướng lĩnh quân đội. Còn ở các nước khác là cán bộ cấp vụ, cục của Bộ Ngoại giao hay các bộ, ngành khác... Theo thời gian, các cán bộ trong ngành ngoại giao đi làm đại sứ đã thông thạo nghiệp vụ hơn, đồng thời ta cũng đã mở trường, lớp ở trong nước và cử cán bộ sang học ngoại giao ở Liên Xô, Trung Quốc. Nhờ vậy ngày càng xuất hiện nhiều đại sứ có nghiệp vụ tốt hơn.
Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh tham gia lễ trồng cây trong Lễ hội văn hóa Potsdam tháng 8-2013 - Ảnh nhân vật cung cấp |
Ngày nay, trừ một số ít cán bộ ngoài ngành, còn tuyệt đại đa số đại sứ đều được đào tạo cơ bản, là cán bộ cấp vụ của ngành ngoại giao, đối ngoại Đảng hay đối ngoại nhân dân. Riêng ở các địa bàn trọng điểm thì đại sứ ở cấp thứ trưởng ngoại giao hay phó ban Đảng trung ương, nhờ vậy trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đều khá.
Mỗi thời kỳ mang một đặc điểm riêng, nhưng nói chung đại sứ phải là những người trung thành và kiên định bảo vệ lợi ích của đất nước; hiểu biết tình hình và nhiệm vụ trong nước và thế giới, nắm một số nghiệp vụ cần thiết như đàm phán, luật pháp, lễ tân, lãnh sự, ngoại ngữ... Ngoài ra còn cần có năng lực quản lý cơ quan và làm công tác cộng đồng, vì ngoài bà con định cư, ngày càng nhiều người VN ra nước ngoài làm ăn, học tập. Nói vậy thôi chứ tìm ra những người toàn năng như vậy không dễ nên cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, tùy yêu cầu của từng địa bàn mà chọn người phù hợp.
Thông thường trước khi các đại sứ lên đường, Bộ Ngoại giao có mở một lớp gọi là “lớp luân chuyển” để cập nhật tình hình, bồi dưỡng một số kỹ năng đặc thù khi ra nước ngoài. Cá nhân tôi cũng thường được mời đến chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tại các lớp đó. Nội dung của các lớp này tập trung vào việc cung cấp các kiến thức về tình hình và chủ trương chính sách đối nội - một lĩnh vực các cán bộ ngoại giao thường ít tiếp cận. Cùng với đó là những chủ trương mới về đối ngoại, nhất là các chính sách về kinh tế đối ngoại, trong đó có chính sách thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, một số kỹ năng xử lý các vấn đề nghiệp vụ như quản lý cơ quan, công tác Đảng, công tác lãnh sự, bảo vệ công dân, công tác người VN ở nước ngoài, công tác tài chính, kế toán... Bên cạnh đó còn có các lớp bồi dưỡng kiến thức và cung cách ngoại giao cho các phu nhân, vì nhiều chị em vốn lâu nay đâu có hoạt động ngoại giao.
Việc đầu tiên là đại sứ phải nắm chắc tình hình, diễn biến, nguyên nhân, tác động, triển vọng... để báo cáo trong nước, đồng thời chủ động chuẩn bị xử lý tình huống như nên tỏ thái độ chính trị thế nào, bảo vệ cộng đồng, cơ quan, tài sản quốc gia ra sao, tình huống xấu nhất thì làm gì... Đại sứ ở các nước liên quan, nhất là ở các trung tâm lớn, cũng phải nắm thông tin báo cáo về trong nước để tổng hợp, đánh giá, đề ra chủ trương, chỉ đạo các cơ quan bên ngoài. Một nguyên tắc cứng là phải thường xuyên báo cáo, xin chủ trương ở trong nước vì ngoại giao là lĩnh vực nhạy cảm, sai một li có thể đi không phải là một dặm, hơn nữa có những việc cần có sự phối hợp nhiều bộ ngành, ví dụ việc đưa hàng nghìn, hàng vạn lao động về nước chẳng hạn. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những tình huống gay cấn chính là sự thử thách đối với bản lĩnh và năng lực của các vị đại sứ.
Trở thành một nữ đại sứ là điều mà bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN VN tại Cộng hòa liên bang Đức, đã ước mơ từ thuở nhỏ. “Từ bé tôi đã đọc say mê cuốn Bà đại sứ của Nga kể về cuộc đời bà Alexandra Kollontai (1872-1952), người được xem là nữ đại sứ đầu tiên của thế giới thời kỳ hiện đại khi được bổ nhiệm làm đại sứ Liên Xô tại Na Uy năm 1923. Sau này những tấm gương ngoại giao như nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh (từng là đại sứ VN tại EU và các nước như Bỉ, Hà Lan), đại sứ Nguyễn Thị Hồi, đại sứ Phan Thúy Thanh... luôn thôi thúc tôi phấn đấu noi theo”- bà Hoàng Anh tâm sự. Nữ đại sứ cho rằng trong việc thể hiện bản sắc và quảng bá cho bản sắc Việt, nữ giới có những lợi thế nhất định. Chẳng hạn hình ảnh nữ đại sứ mặc áo dài VN tại các cuộc tiếp tân quan trọng như chào thủ tướng, trình quốc thư, gặp tổng thống hay chiêu đãi ngoại giao... Bà Hoàng Anh nói: “Tôi rất ý thức được điều đó từ khi đặt may áo, nghĩ ra những ý tưởng về hoa văn trên áo là những biểu tượng rất VN như hình chữ S, con rồng, cây tre, trống đồng, hoa sen... Tôi đặc biệt thích hoa sen trên áo dài bởi đây không chỉ được xem như quốc hoa mà còn có gì đó rất gần gũi với bản lĩnh của cán bộ ngoại giao”. Cũng theo bà Hoàng Anh, nữ giới cũng có thế mạnh về sự tinh tế khi làm ngoại giao. Có lần gặp một đối tác đàm phán khá nóng nảy (đập bàn đập ghế), nhưng giờ giải lao ở hành lang lại chia sẻ rằng thích ăn quả măng cụt của VN, bà đại sứ đã lưu ý chi tiết này. Và thế là ngay trong lần đàm phán tiếp theo, có một thùng măng cụt được gửi từ VN sang làm quà. Cũng giống như ở Ukraine hay Chile, ở Đức cũng có câu lạc bộ nữ đại sứ. Bà Hoàng Anh cho rằng đây là một kênh giao lưu thú vị và hiệu quả, là nơi bản sắc ngoại giao và văn hóa hòa quyện vào nhau và cũng là nơi để tích lũy thêm thông tin về các nhân vật liên quan, là một kênh vận động hành lang rất mạnh ở nước sở tại. Đặc biệt khi ở Đức có nữ thủ tướng, nữ bộ trưởng quốc phòng và nhiều nhân vật đầu ngành quan trọng là nữ. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 9:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận